Cuộc chiến của công nghệ truyền hình

09:11, 12/11/2009
.
Công nghệ truyền hình analog đang thoái trào, truyền hình kỹ thuật số (KTS) đang có những bước tiến mạnh mẽ. Truyền hình Internet mới bước vào với dự báo sẽ bùng nổ. Cuộc chiến công nghệ truyền hình sẽ mang lại nhiều tiện ích mới. Vậy công nghệ nào tồn tại, công nghệ nào sẽ "ra đi"?
 
IPTV - thay đổi thói quen xem TH?

Với lịch sử 60 năm phát triển, truyền hình (TH) analog vẫn đang thống trị công nghệ TH thế giới. Tại VN, TH analog phát triển với hơn 60 đài TH đang dùng công nghệ này. Tuy nhiên, xu hướng TH thế giới trong thập kỷ tới sẽ chứng kiến sự lụi tàn của công nghệ TH analog và đang dần thay thế bởi TH KTS.
 
Nội dung IPTV của các nhà cung cấp dịch vụ còn nghèo nàn, tính tương tác yếu.
Nội dung IPTV của các nhà cung cấp dịch vụ còn nghèo nàn, tính tương tác yếu.
 
Trên thế giới, TH KTS được triển khai tại Anh năm 1998, tiếp theo là Đức vào năm 2003, còn tại Mỹ, 600 đài trên 1.750 đài TH đã chuyển qua công nghệ KTS từ tháng 6.2009... Tại VN, TH KTS đang cạnh tranh quyết liệt giữa đài TH kỹ thuật số VTC, kênh TH KTS vệ tinh của Đài THVN... và sắp tới sẽ có sự góp mặt của Đài TH TPHCM.

Tuy nhiên, "đối thủ" đáng gờm, dự báo sẽ phát triển rất mạnh trong thời gian tới lại chính là công nghệ TH Internet (IPTV). Theo các chuyên gia, IPTV mang lại nhiều tiện ích, khả năng thích ứng công nghệ tiên tiến và sự tương tác giữa IPTV với cộng đồng.

Mặc dù mới triển khai và là một ẩn số, song IPTV dự báo sẽ phát triển lạc quan khi công nghệ TH thế hệ thứ 3 này cho phép người xem tương tác trực tiếp với TH - điều mà 2 thế hệ trước không có được. Điểm nổi bật của IPTV là người xem từ "bị động" sang "chủ động" khi xem các chương trình TH. Cụ thể, họ có thể tự chọn chương trình ở bất kỳ khoảng thời gian nào mà không phải ngồi chờ lịch phát sóng có sẵn. IPTV cũng vượt trội về chất lượng hình ảnh, âm thanh... Nhiều chuyên gia còn lạc quan cho rằng IPTV sẽ làm thay đổi cách thức xem TH.

Hiện VN đang có 3 nhà cung cấp IPTV là FPT, VTC và mới đây có sự góp mặt của "MyTV" của VASC. IPTV của FPT, VTC ra đời trước và đem đến cho khán giả những dịch vụ giải trí với trên 30 kênh TH qua Internet...

 Tuy nhiên, với tiềm lực mạnh về hạ tầng băng rộng của VNPT (chiếm trên 60% thị phần Internet tại VN, phủ sóng toàn quốc), nên dù mới ra đời, "MyTV" lại cung cấp dịch vụ TH đầy đủ nhất. Ngoài các tính năng cơ bản, "MyTV" nổi bật với các tính năng xem phim HD, tạm dừng chương trình, xem lại các chương trình đã phát, khoá kênh với trẻ em, hát karaoke, nghe nhạc, chơi game, chia sẻ hình ảnh hoặc clip, kiểm tra email...

Nội dung còn nghèo, yêu cầu thì chậm

Anh Nguyễn Tuấn Anh (Hà Nội), một người đang dùng dịch vụ IPTV cho biết: "Ngoài điểm hạn chế về băng thông, IPTV còn có điểm yếu là chi phí ban đầu khá cao. Ngoài đường ADSL, người xem IPTV của FPT và VTC Digicom phải mua một bộ giải mã "settop - box" giá khoảng 2,5 triệu đồng, đồng thời phải trả thuê bao trọn gói cho toàn bộ các dịch vụ trên là hơn 80.000đ/tháng".

Còn theo anh Nguyễn Việt Anh (Hà Nội) thì: Điều khách hàng băn khoăn nhất chính là kho kênh IPTV hiện vẫn còn nghèo. Số lượng phim và video ca nhạc ít. Mặc dù theo quảng cáo, mỗi ngày sẽ cập nhật 2-3 phim truyện, nhưng trên thực tế, phim mới được cập nhật rất ít. Không những vậy, những phim này chủ yếu vẫn là phim đã cũ, có khi đã từng chiếu trên tivi.

Ngoài ra, tính năng xem theo yêu cầu nhiều khi không được đáp ứng đầy đủ. Khách hàng muốn xem một bộ phim hay, có khi yêu cầu cả tháng mới được đáp ứng khiến nhiều khách hàng đành "phó mặc" cho kênh thích phát phim gì thì phát...

 Số đông chuyên gia và khách hàng cho rằng thế mạnh của IPTV là TH tương tác khi khách hàng, trong đó tương tác chính là xem phim theo yêu cầu.  Nếu nhu cầu này không được đáp ứng đầy đủ, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ rất khó kéo người dùng đến với mình. Khi đó, những tiện ích công nghệ và thị phần tiềm năng đã bị lãng phí trong quá trình khai thác.


Theo Lao động

 


.