Viết sáng kiến trong ngành giáo dục: Phải thiết thực, hiệu quả

10:10, 18/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mục đích của việc phát động phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) trong ngành giáo dục là nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít đề tài sáng kiến chỉ để đáp ứng điều kiện xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.

TIN LIÊN QUAN

Tránh bệnh thành tích

Nhiều giáo viên cho biết, theo quy định, hằng năm cán bộ, giáo viên (CB, GV) phải có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc SKKN được áp dụng và mang lại hiệu quả trong thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận thì mới được xét các danh hiệu thi đua. Điều này đã tạo áp lực cho không ít CB, GV.

Bởi lẽ, bên cạnh những CB, GV tâm huyết đã có những SKKN hay, thì cũng có không ít trường hợp làm chỉ để xét thi đua nên đã sao chép SKKN, hoặc làm cho có. Chính vì vậy, dù mỗi năm có rất nhiều SKKN nhưng để áp dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng dạy học, nâng cao hiệu quả quản lý thì không nhiều.  

Học sinh nộp bài thu hoạch cảm nhận về Bác theo mô hình, sáng kiến kinh nghiệm
Học sinh nộp bài thu hoạch cảm nhận về Bác theo mô hình, sáng kiến kinh nghiệm "Hiệu quả từ những mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" của thầy Trần Công Cường, Trường THPT Vạn Tường (Bình Sơn).


Là một trong những thầy giáo có nhiều đề tài nghiên cứu, SKKN được các cấp công nhận, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn Võ Minh Phương cho biết: Để thực hiện một SKKN hay, có giá trị thực tiễn, đề xuất được những phương pháp cải tiến mới, đòi hỏi người thực hiện phải trải qua nhiều năm công tác, đúc kết được kinh nghiệm giảng dạy của mình, muốn chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp để nâng cao chất lượng giáo dục. SKKN nếu chỉ dành để xét thi đua thì không còn là động lực để CB, GV sáng kiến. SKKN chỉ thực sự có ý nghĩa khi chính các CB, GV tự giác tham gia.

 

“Mỗi CB, GV phải tự giác, có trách nhiệm trong đổi mới, giảng dạy và học tập. Khi viết SKKN phải thể hiện cho được thực trạng giáo dục nơi công tác, từ đó đưa ra giải pháp, biện pháp phù hợp. Các đơn vị cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, tránh chạy theo thành tích trong phong trào viết SKKN, tránh tình trạng sao chép đề tài; nội dung sáng kiến không mới và thiếu tính ứng dụng; đồng thời thường xuyên tổ chức các diễn đàn để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến hay nhằm tạo sự lan tỏa, nâng cao chất lượng của phong trào viết SKKN”.


Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT NGUYỄN ĐỨC HUÂN


Cần nâng cao chất lượng đề tài

Hằng năm, toàn ngành giáo dục có khoảng 400 SKKN của CB, GV đề nghị xét công nhận phạm vi cấp cơ sở và đề nghị UBND tỉnh thẩm định công nhận khoảng 50 đề tài, sáng kiến. Những SKKN được thẩm định, công nhận đều đăng trên cổng thông tin điện tử của ngành để CB, GV tham khảo, áp dụng tùy theo tình hình thực tế của mỗi đơn vị trường học.

Trên thực tế có nhiều sáng kiến hay, được áp dụng có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục như:  “Phương pháp quy đổi trong hóa hữu cơ” của thầy Trần Hoàng Khánh (Trường THPT Bình Sơn); “Biện pháp quản lý công tác giáo dục môi trường cho học sinh ở Trường THPT Lý Sơn” của thầy Võ Minh Phương (Trường THPT Lý Sơn)...  Tuy nhiên, những đề tài hay, thiết thực còn quá ít so với tổng số đề tài được xét khen thưởng.

 Qua viết sáng kiến, giáo viên đúc kết kinh nghiệm và nghiên cứu đổi mới phương pháp để truyền dạy kiến thức đến học sinh đạt hiệu quả. Sáng kiến không chỉ mang đến những đổi mới, sáng tạo trong công tác dạy và học, mà còn giúp người cán bộ quản lý, giáo viên luôn tự học, cập nhật kiến thức, tạo tính năng động, chịu khó nghiên cứu trong công tác.


  Bài, ảnh: HIỀN THU


 


.