Đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ: Đòi hỏi sự nhạy bén

02:07, 09/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các thí sinh hiện đang hồi hộp chờ đợi kết quả thi THPT quốc gia để có thể đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Không giống như mọi năm, việc xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay đòi hỏi sự nhạy bén của thí sinh.

TIN LIÊN QUAN

Phải sáng suốt, nhanh nhạy

Đó là lời khuyên của ông Nguyễn Minh Trí- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT dành cho các thí sinh. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia 2015, mỗi thí sinh sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó có 1 giấy dùng để xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1) và 3 giấy để xét tuyển NV bổ sung.

Căn cứ “ngưỡng” đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định, các trường ĐH, CĐ công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ GD&ĐT. Trong thời gian do Bộ GD&ĐT quy định, thí sinh dùng bản chính giấy chứng nhận kết quả xét tuyển cho NV1 để đăng ký xét tuyển NV1. Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường, hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định phương án điểm trúng tuyển.

Ông Nguyễn Minh Trí nhắc nhở các em cần nắm vững quy chế xét tuyển của trường, ngành yêu thích và thật thận trọng, suy xét kỹ trước khi nộp NV1. Bởi đây là nguyện vọng mang tính quyết định. Trường hợp em nào đậu NV1 thì 3 nguyện vọng còn lại sẽ không được xem xét. Hơn nữa, theo kinh nghiệm những năm trước, hầu hết các trường đều dành phần lớn chỉ tiêu xét NV1. Các thí sinh cũng cần thường xuyên theo dõi thông tin tuyển sinh của từng trường, nhất là trường mình đã nộp nguyện vọng, nếu thấy khả năng trúng tuyển không cao thì các em có thể rút hồ sơ sang nộp trường khác hoặc thay đổi thứ tự các nguyện vọng để tăng khả năng đậu.

Với những đổi mới của Bộ GD&ĐT, đối với các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin thì đây là một thiệt thòi, đòi hỏi sự quan tậm hỗ trợ của các ngành chức năng. Bởi năm nay, các trường ĐH, CĐ thường xuyên cập nhật tình hình thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển và dự báo trúng tuyển của thí sinh. Dựa vào đó, các thí sinh sẽ biết được khả năng đậu của mình có cao hay không để kịp thời thay đổi lựa chọn.

Tuyển sinh ở các trường địa phương

Năm nay, Trường ĐH Phạm Văn Đồng tuyển 2.000 chỉ tiêu, trong đó 550 chỉ tiêu bậc ĐH, 1.050 chỉ tiêu bậc CĐ và 400 chỉ tiêu bậc TCCN. Ông Bùi Xuân Hướng-Trưởng Phòng Khảo thí đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường ĐH Phạm Văn Đồng, cho biết: Việc nhận hồ sơ xét tuyển thực hiện theo lịch của Bộ GD&ĐT. Theo đó, thời gian nhận  hồ sơ đăng ký xét tuyển NV1 từ ngày 1- 20.8, NV bổ sung đợt 1 từ ngày 25.8- 15.9, NV bổ sung đợt 2 từ ngày 20.9- 5.10, NV bổ sung đợt 3 từ ngày 10-25.10. “Trường tin tưởng những khối, ngành sư phạm sẽ tuyển vượt chỉ tiêu. Riêng các khối, ngành ngoài sư phạm những năm trước rất ít ngành vượt chỉ tiêu. Vì vậy trường đưa ra phương án cuối cùng đó là đối với những ngành tuyển chỉ tiêu chưa đủ, nhà trường sẽ xét tuyển ngang điểm tối thiểu đảm bảo chất lượng đầu vào mà Bộ GD&ĐT sắp công bố. Bên cạnh đó, nhà trường cũng linh hoạt trong việc thực hiện chỉ tiêu để đảm bảo số lượng tuyển sinh cho từng bậc đào tạo”, ông Hướng cho biết thêm.

Đối với Trường ĐH Tài chính- Kế toán, năm nay vẫn giữ nguyên quy mô tuyển sinh với 1.700 chỉ tiêu, trong đó ĐH có 1.500 chỉ tiêu, CĐ 200 chỉ tiêu. Đặc biệt, nhà trường sử dụng cả 3 tổ hợp nhóm Toán- Lý- Hóa; Toán- Lý-  Anh; Toán- Văn- Anh để xét vào tất cả các chuyên ngành của nhà trường. Ông Bùi Phụ Anh-Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính-Kế toán cho biết: “Nhà trường thường xuyên cập nhật thông tin tuyển sinh lên trang tin điện tử của trường và hàng ngày cũng cập nhật thông tin kết quả nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển… Các thí sinh cần xem xét năng lực và hoàn cảnh kinh tế cũng như sở trường của mình để nộp hồ sơ vào những ngành, trường phù hợp”.

TRỊNH PHƯƠNG
 


.