Kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Tổ chức thành công, thí sinh tự tin

10:07, 06/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có thể nói, kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015 (từ ngày 1- 4.7) cụm địa phương ở tỉnh ta đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Phần lớn các thí sinh đều tự tin với kết quả làm bài, vì đề thi có tính phân hóa cao, phù hợp với năng lực của thí sinh.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015 Cụm địa phương đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không có sự việc bất thường nào xảy ra đối với thí sinh cũng như cán bộ, giáo viên trong tất cả các công đoạn từ việc chuẩn bị cho đến việc tổ chức thực hiện. Không có điểm thi nào phản ánh có vi phạm quy chế thi. Ban Chỉ đạo thi cũng không nghe phía Đoàn giám sát của Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng phản ánh về việc cán bộ coi thi dễ dãi. Điều này có thể khẳng định sự chuyển biến của thí sinh trong nhận thức về quy chế thi cũng như sự nhắc nhở, đề phòng của các điểm thi, các giáo viên làm nhiệm vụ coi thi. Công tác chuẩn bị khá tốt, song còn một số tình huống Bộ GD&ĐT cũng như Sở GD&ĐT cần rút kinh nghiệm trong điều động giáo viên tham gia coi thi, nghiệp vụ trong quá trình làm công tác thi ở một số điểm thi, công tác hướng dẫn, chuẩn bị cho thí sinh. Đối với việc tổ chức chấm thi theo lịch của Bộ GD&ĐT, ngày 8.7, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức khai mạc Hội đồng chấm thi tại Trường THPT chuyên Lê Khiết. Ban chấm thi gồm có 154 cán bộ, giáo viên toàn ngành. Việc chấm thi sẽ được hoàn thành trước ngày 20.7. Sau khi chấm thi xong, Sở GD&ĐT sẽ lấy dữ liệu, kết quả của thí sinh thi tại cụm Quy Nhơn để xét tốt nghiệp theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Ông Trần Hữu Tháp (ảnh)- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thi Cụm địa phương cho biết.

Thành công ngoài mong đợi

Ông Nguyễn Ngọc Tựu- Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho biết, trong 4 ngày thi có gần 270 lượt thí sinh vắng thi. Các điểm thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi. Kết quả này là nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, sự quan tâm sâu sát của Ban chỉ đạo, cùng với đó là ý thức chấp hành quy chế thi của học sinh, giáo viên. Còn theo ông Lưu Thanh Hải- Trưởng điểm thi Trường THPT Sơn Hà, thì kỳ thi diễn ra an toàn, không có trường hợp nào bị kỷ luật. “Mặc dù đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi “2 chung”, nhưng nhờ có sự chuẩn bị từ trước, cùng với thái độ làm việc nghiêm túc của ngành nên kỳ thi diễn ra đúng như quy chế thi”, ông Lưu Thanh Hải, khẳng định.

Theo chia sẻ của thí sinh các địa phương trong tỉnh, kết quả làm bài thi ngày thứ 3 và thứ 4 đều cơ bản tốt. Đề thi các môn đều thể hiện tính phân hóa rõ ràng. Những thí sinh có sức học trung bình, khá đều có thể đạt 5- 6 điểm. Những em có năng lực cao hơn, có tư duy và kỹ năng vận dụng thì sẽ đạt điểm 7, 8. Cô giáo Nguyễn Thị Thủy- Trưởng nhóm Sử, Trường THPT chuyên Lê Khiết, nhận định: Đề Lịch sử rất hay, sát với chương trình lớp 12 và có sự phân hóa cao. Những thí sinh học thuộc và hiểu bài thì có thể đạt được điểm 6. Em Phạm Duy Hợp, dự thi tại điểm Trường THPT chuyên Lê Khiết, sau khi rà soát nội dung bài làm với kết quả đáp án trên các báo, nói: “Em tin rằng không những đủ điểm xét tốt nghiệp mà còn có cơ hội xét vào các trường đại học, cao đẳng”.

Thầy giáo Lê Văn Bảo- Trưởng cụm thi tại Trường THPT Nghĩa Hành cho biết: Điểm thi ở Nghĩa Hành diễn ra khá nghiêm túc, không có thí sinh vi phạm quy chế thi. Các em học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số tuy có học lực trung bình, song vẫn tự tin bước vào kỳ thi.

Còn theo ông Huỳnh Công Hoà- trưởng điểm thi Trường THPT Trà Bồng, các em đến từ huyện Tây Trà mà không có điều kiện đi lại và chỗ ở đã được trường hỗ trợ tổ chức đưa đón, tìm nơi ăn ở tại Trường Nội trú THPT Trà Bồng.

Nuôi chí lớn

Những em dự thi tốt nghiệp ở cụm địa phương là đã nhận thức được năng lực học của bản thân, song luôn mong muốn có được một kết quả tốt nhất để làm hành trang bước vào đời. Em Đoàn Thị Thu Hiền, nguyên học sinh lớp 12C7, Trường THPT Bình Sơn là một trong những điển hình như vậy. Trong 4 ngày thi, em đến trường bằng đôi chân của bố và những người bạn thân thương. Hiền là học sinh khá, giỏi suốt 3 năm liền của Trường THPT Bình Sơn. Không chỉ siêng năng, học giỏi, em còn năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường và đảm nhiệm vị trí Bí thư chi đoàn của lớp. Khi cánh cửa đại học và mơ ước trở thành người Công an nhân dân ở ngay trước mắt thì bất hạnh lại ập đến với em. Hiền kể: Mùng 3 Tết Ất Mùi vừa qua, em và một người bạn bị TNGT trong lúc đi thăm thầy cô.

Vụ tai nạn khiến người bạn của Hiền mất ngay tại chỗ, còn Hiền bị gãy dập xương đùi chân trái, phải tạm ngừng việc học để đi chữa trị tại Đà Nẵng. Anh Đoàn Thanh Sơn, bố của Hiền cho biết, một tháng trước kỳ thi, thấy sức khỏe tạm ổn định, em xin gia đình và bác sĩ cho về thi học kỳ và ôn thi tốt nghiệp. Hiền tự tin nói: Em tin sẽ đủ điểm xét tốt nghiệp. Sau kỳ thi này, em sẽ ra Đà Nẵng tiếp tục chữa trị, đồng thời ôn bài để năm sau dự thi vào Trường Đại học Cảnh sát nhân dân.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Trà Bồng trao đổi bài khi kết thúc môn thi.                            Ảnh: PV
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Trà Bồng trao đổi bài khi kết thúc môn thi. Ảnh: PV


Còn với em Trần Quang Long (nguyên học sinh Trường THPT Trần Kỳ Phong) thì phải vượt lên nỗi đau để đến phòng thi khi bố em là ngư dân Trần Văn Lân bị nước ngoài bắt giữ khi đang hành nghề trên biển.   Long bộc bạch: “Ba đi biển bị bắt giữ rồi tịch thu hết tài sản đã một tháng nay, nên sau những lúc đi học em phải phụ giúp mẹ làm việc gia đình để kiếm sống. Sau khi đỗ tốt nghiệp, em đăng ký đi nghĩa vụ quân sự để góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với em Phạm Thị Na (nguyên học sinh Trung tâm DN-GDTX-HN Bình Sơn), dù mồ côi cha từ nhỏ, mẹ của em cũng qua đời vì bệnh tim khi em vừa học lớp 8 và phải nương nhờ  gia đình người chị họ, nhưng Na vẫn nuôi ước mơ trở thành cô giáo mầm non. Vì vậy, bao năm qua em vừa làm việc giúp gia đình người chị, vừa theo học hết bậc THPT. “Em hy vọng sẽ đạt điểm cao để xét tuyển vào ngành sư phạm mầm non của Trường đại học Phạm Văn Đồng”, Na mong ước. Hoàn cảnh của em Nguyễn Thị Thùy, học sinh lớp 12B5, Trường THPT Nghĩa Hành 2 cũng đáng thương không kém.

Trong các ngày thi, sáng em đạp xe từ xã Hành Thịnh lên trường, trưa ăn vội ổ bánh mì, chiều thi xong lại đạp xe về nhà. Thuỳ chia sẻ: Gia đình em rất khó khăn, là hộ nghèo của xã. Mẹ em bỏ đi từ khi em còn nhỏ. Ba em bị bệnh động kinh, sức khỏe rất yếu nên không thể lao động được. Em ở với bà nội năm nay cũng đã hơn 80 tuổi. “Lần thi này, em chỉ có nguyện vọng lấy bằng tốt nghiệp cấp 3. Năm sau có thời gian em sẽ tự lao động kiếm sống, chăm sóc bà nội, ba và ôn tập để thi đại học với mơ ước được làm cô giáo. Dù hoàn cảnh khó khăn như thế, song các em vẫn nuôi chí học hành đỗ đạt để có việc làm trong tương lai là rất đáng được trân trọng.
  

 Nhóm PV-CTV


 


.