Quảng Ngãi đẩy mạnh công tác truyền thông về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn

04:11, 29/11/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 29.11, Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị công tác truyền thông về Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956).
 
Thời gian qua, công tác truyền thông đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 14 hội nghị tập huấn cho 2.300 đại biểu, tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về dạy nghề, kỹ năng lập kế hoạch, tư vấn dạy nghề cho trên 500 lượt người.
 
Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền về Đề án 1956. Báo Quảng Ngãi đã có chuyên trang, chuyên mục về chính sách của Đề án 1956 và kết quả, hiệu quả sau học nghề. Trong một năm, báo chuyển tải khoảng 50 tin, bài, ảnh trên báo in và 85 tin, bài ảnh trên Báo Quảng Ngãi điện tử. Ngoài ra, báo cũng chú trọng đăng tải thông tin phản ánh các gương điển hình của lao động nông thôn sau học nghề áp dụng có hiệu quả.

 

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị
 
 
Đài PT-TH tỉnh cũng tổ chức tiếp nhận 36 chương trình được Bộ Thông tin và truyền thông đặt hàng sản xuất. Hằng năm, đài cũng đăng và phát sóng trên 10 tin, 3 tạp chí chuyên đề trên kênh thời sự truyền hình; 10 bài, 15 tin trên làn sóng thời sự phát thanh của đài; phát sóng 2 số chuyên đề về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn….
 
Việc phản ánh kết quả sau học nghề đã có tác dụng quảng bá, nhân rộng mô hình học nghề ra các địa phương khác, tạo phong trào thi đua sản xuất, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và tích cực tham gia học nghề. Qua 4 năm triển khai Đề án 1956, có 21.290 lao động của tỉnh được đào tạo. Trong đó có 80% lao động sau đào tạo được nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm, có việc làm mới và tham gia xuất khẩu lao động.
 
Trong năm 2014, Sở LĐ-TB&XH có kế hoạch đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về Đề án 1956 nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của công tác dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn.
 
 
 
Tin, ảnh: Thanh Phương

.