Trà Bồng: Làm tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

02:12, 17/12/2012
.

(QNg)- Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Trà Bồng với những ngành nghề phù hợp điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác… của bà con nơi đây đã góp phần cải thiện đời sống kinh tế gia đình, đồng thời góp phần thay đổi diện mạo của huyện.

TIN LIÊN QUAN


Anh Hồ Văn Nay ở xã Trà Thủy làm nghề nông. Anh trồng lúa nước, trồng keo, mì… trên diện tích đất của gia đình. Anh học hỏi cách chăm sóc cây trồng từ ông bà, cha mẹ mình. Ngoài ra, anh còn hỏi thêm kinh nghiệm từ những lần đi mua cây con giống, phân bón ở những cơ sở cung cấp.

 

Người dân Trà Bồng ứng dụng những kỹ thuật được học vào sản xuất.
Người dân Trà Bồng ứng dụng những kỹ thuật được học vào sản xuất.


Tuy nhiên, những kinh nghiệm của ông bà đã "lỗi thời", cộng với việc sử dụng nhiều loại thuốc không đúng hướng dẫn nên mùa màng của anh lúc được, lúc mất. Vừa qua, anh Nay được tham dự lớp học nghề tại Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng. Anh đăng ký học lớp bảo vệ thực vật. Với những kiến thức bổ ích thu nhận được tại lớp học, anh mạnh dạn áp dụng vào sản xuất. Giờ anh Nay đã tự tin hơn trong việc đầu tư vào cây con giống, phân bón mà không sợ sử dụng sai thuốc làm giảm hiệu quả của cây trồng. Anh cho biết: "Giờ mình đã biết cây nào dùng loại thuốc gì, trồng cây gì phù hợp với đất của mình. Mình sẽ cố gắng làm theo những gì được học để có thể tăng năng suất cây trồng vào thời gian tới".

Người lao động nông thôn của huyện Trà Bồng không chỉ được đào tạo các lớp phù hợp với nhu cầu của bà con như trồng cây lương thực, thực phẩm, phòng chống dịch cho gia súc gia cầm, bảo vệ thực vật… Ngoài ra, người lao động còn được học các nghề mới như kỹ thuật cắt may, trồng và nhân giống nấm. Anh Hồ Văn Quyền ở thôn Bình Tân, xã Trà Bình đã theo học lớp trồng và nhân giống nấm.

Trước đây, gia đình anh Quyền chỉ trồng rừng và chăn thả gia cầm tại nhà. Qua tìm hiểu anh thấy nhu cầu sử dụng nấm rơm tại địa bàn khá lớn nhưng lại không có cơ sở trồng nấm nào tại đây. Ấp ủ việc trồng nấm bấy lâu nhưng anh vẫn không dám thực hiện vì không có kinh nghiệm trong nghề này. Biết Trung tâm dạy nghề của huyện có đào tạo nghề trồng nấm rơm, anh đăng ký ngay.

Sau một thời gian theo học, ngoài các kiến thức sách vở, dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật HTX nấm Mộ Đức, các học viên đã thực hành làm 2 mô hình trồng nấm rơm thí điểm trên diện tích từ 10-12m2/mô hình tại thôn Bình Tân. Chi phí cho mô hình (mua rơm, giống, vôi, phân...) chưa đến 2 triệu đồng, nhưng lượng nấm thu được đến 60kg, với giá bán từ 100.000 - 140.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí và công chăm sóc, lãi trên 5 triệu đồng mang lại sự phấn khởi cho các học viên về một nghề. Ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: "Mô hình này rất phù hợp với điều kiện khí hậu cũng như môi trường của huyện. Trong thời gian đến UBND huyện sẽ cho nhân rộng mô hình trồng nấm rơm để tăng thu nhập cho bà con".

Trong năm 2012, Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng đã đào tạo nghề cho 407 lao động với kinh phí trên 800 triệu đồng theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ với nhiều ngành nghề đa dạng, phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương. Qua đó, tạo cho người lao động có tay nghề, từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, sản xuất, tăng thu nhập để phát triển kinh tế, giảm nghèo cho hộ gia đình. Những năm tiếp theo, huyện Trà Bồng sẽ tiếp tục đào tạo những ngành nghề phù hợp, không chỉ là các ngành nghề nông - lâm - ngư nghiệp mà còn đào tạo các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ xã hội nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.


Bài, ảnh: Vũ Yến
 


.