Gập ghềnh con đường đến trường

07:09, 06/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu trải qua cuộc sống nghèo khổ, bất hạnh, học trò nghèo nơi đất Quảng vẫn cố vươn lên trong học tập. Đối với các em, học là con đường duy nhất để thoát nghèo.

TIN LIÊN QUAN

Cậu học trò mồ côi đỗ hai trường đại học

Hoàn cảnh của cậu học trò nghèo Phan Thanh Kiên (Trường THPT số 1 Tư Nghĩa) khiến nhiều người rơi nước mắt. Năm Kiên lên 3 tuổi, bố của em bị nước lũ cuốn trôi khi đang chài lưới ven sông. 5 năm sau, mẹ Kiên cũng ra đi vì bệnh ung thư. Các anh chị Kiên lần lượt nghỉ học vào Nam mưu sinh. Kiên ở với bà nội bị mù hai mắt.

 Em Trần Thị Thanh Trang đang chăm sóc mẹ.
Em Trần Thị Thanh Trang đang chăm sóc mẹ.


Hôm chúng tôi đến nhà Kiên (ở thôn Tân An, xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa), có rất nhiều hàng xóm đến chia vui cùng em. Bà nội Kiên (80 tuổi) vừa chống gậy dò dẫm đường đi, vừa gọi: “Kiên ơi, con đâu rồi?”. Từ hôm nghe tin Kiên đỗ đại học bà vui mừng khôn tả, nhưng cứ đau đáu nỗi lo. “Lấy đâu ra tiền để cho cháu học đại học ngần ấy năm ở nơi đất khách”, bà nội Kiên trải lòng. Xoa đầu đứa cháu côi cút, bà lão rơi nước mắt. Bà kể, lúc mẹ Kiên qua đời, lời trăng trối cuối cùng là chị em Kiên phải yêu thương lẫn nhau, lo cho Kiên học tập đến nơi đến chốn.

Suốt những tháng năm dài chị em Kiên sống trong sự cưu mang, đùm bọc của bà con láng giềng. Cuộc sống nghèo khổ, bữa ăn lúc rau, lúc cháo… Lần lượt 6 anh, chị của Kiên phải bỏ học giữa chừng, đi làm thuê kiếm sống. Chỉ có người chị kế và Kiên ở lại quê. Kinh phí trang trải cho việc học của Kiên chủ yếu trông cậy vào người cô ruột vốn cuộc sống cũng chẳng khá giả. Cuộc sống “ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm”, thiếu thốn tình thương của đấng sinh thành đã sớm hun đúc trong Kiên ý chí và nghị lực lớn lao. Sau mỗi buổi đi học về, Kiên chăm sóc bà từng miếng ăn, giấc ngủ và phụ giúp người cô ruột bán bánh mì dạo. Đối với Kiên, học tập là con đường duy nhất để thoát khỏi cảnh sống nghèo khổ, vơi đi phần nào nỗi bất hạnh.

Trong suốt 12 năm học Kiên luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Đặc biệt, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ vừa qua, Kiên đã đỗ cả 3 trường ở TP.Hồ Chí Minh, đó là ĐH Bách Khoa 23 điểm, ĐH Khoa học Tự nhiên 22 điểm và CĐ Kinh tế Đối ngoại 29 điểm. Đối với tân sinh viên các trường đại học, con đường tương lai như rộng mở. Nhưng với Kiên, phía trước là chặng đường đầy chông gai, thử thách. Kiên bộc bạch: “Em sẽ cố gắng hết sức để không phụ lòng người thân, đặc biệt là cô và nội. Dù có khó, có khổ đến mấy em cũng sẽ quyết tâm theo đuổi ước mơ, nhất định không bỏ học giữa chừng”.

 Vừa học, vừa kiếm tiền nuôi mẹ

Đã nhiều năm trôi qua, cô học trò nghèo Trần Thị Thanh Trang ở thôn Vĩnh Xuân, xã Phổ Phong (Đức Phổ) vừa đi học, vừa đi tước đót kiếm tiền nuôi mẹ bị bệnh hiểm nghèo. Căn nhà nơi Trang và mẹ đang sinh sống chỉ vỏn vẹn chục mét vuông. Bên trong chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc bàn nhỏ tiếp khách và chiếc giường nơi mẹ Trang đang nằm.

Cuộc sống gia đình vốn đã nghèo lại thêm khốn khó khi mẹ Trang cùng lúc mắc bệnh tim, bệnh thận. Trang thút thít bảo, nhà không có tiền nên bệnh tim của mẹ không được chạy chữa. Năm em học lớp 7, có lẽ vừa đau đớn vừa túng quẫn nên mẹ có những biểu hiện khác thường, cắn xé mọi thứ xung quanh rồi bật khóc. “Em định nghỉ học đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ, nhưng mẹ không chịu. Mẹ bảo dứt khoát phải đi học…”, Trang nói trong nước mắt.

Suốt 5 năm qua, mẹ của Trang nằm liệt giường. Mọi việc trong gia đình một tay Trang cáng đáng. Ngoài giờ học, Trang đi tước đót thuê kiếm tiền, mỗi ngày được 20-30 nghìn đồng. Số tiền ít ỏi ấy giúp mẹ con Trang sống qua ngày tháng. Trang cho biết, trước đây hai mẹ con được trợ cấp 360 nghìn đồng/tháng nhưng nay em đã 18 tuổi nên chỉ còn mình mẹ được nhận trợ cấp với số tiền 180 nghìn đồng. Trang ứa nước mắt nhìn mẹ rồi bảo: “Chừng 10 ngày là em mua thuốc cho mẹ một lần. Biết không có tiền nên chỉ khi nào đau không chịu nổi mẹ mới uống thuốc. Bệnh của mẹ ngày càng nặng, nhưng chẳng bữa ăn nào có cá, thịt, chỉ toàn rau…”.

Trong khi bạn bè cùng trang lứa được bố mẹ chăm lo đầy đủ, thì Trang phải trải qua cuộc sống thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Dẫu thế em không một lời than vãn, vẫn cố gắng làm lụng kiếm sống, học tập và chăm nom người mẹ bệnh tật. Và, thật đáng nể phục khi cô học trò nghèo Trần Thị Thanh Trang nhiều năm đạt thành tích học tập xuất sắc, tiên tiến. Mỗi lần nghe con gái báo tin vui trong học tập là mỗi lần bà Hồng (mẹ của Trang) hạnh phúc đến rơi nước mắt. Bà luôn miệng nhắc con phải cố gắng học để mai này bớt khổ.

Với mơ ước trở thành cô giáo, trong kỳ thi ĐH, CĐ vừa qua Trang dự thi ngành giáo dục tiểu học (hệ cao đẳng Trường ĐH Phạm Văn Đồng). Kết quả dự thi đạt 12 điểm đối với Trang là một nỗ lực lớn bởi có quá nhiều gian lao, trở ngại trên con đường đến trường. Trang bộc bạch: “Em sẽ cố gắng học, không đại học, cao đẳng thì trung cấp. Học để không phụ lòng mong mỏi của mẹ”. Đối với Trang, con đường phía trước là những chuỗi ngày vất vả. “Để mẹ ở nhà thì không ai trông. Đưa mẹ đi xa thuê phòng trọ thì vất vả cho mẹ. Chi phí học tập, ăn ở rồi đây cũng sẽ tốn kém nhiều hơn…” Ước mơ vào đại học, cao đẳng đã trở thành hiện thực đối với những học trò nghèo như Kiên, Trang nhưng phía trước vẫn còn nhiều gian khó, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc của các em.


T.Phương-K. Ngân
 


.