Hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ vùng đặc biệt khó khăn: Ý nghĩa trong từng bữa ăn

10:03, 20/03/2013
.

(QNg)- Ở các xã thuộc vùng khó khăn, tỉ lệ trẻ ở độ tuổi 3 - 5 bị suy dinh dưỡng khá cao. Từ thực tế đó, năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg và nay được thay thế bằng Quyết định số 60/QĐ-TTg Quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015, trong đó có việc hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em từ 3 - 5 tuổi ở vùng đặc biệt khó khăn.

TIN LIÊN QUAN


Đầu tư cho tương lai

Giữa buổi chiều, các cháu học tại Trường mầm non Hương Sen, xã Sơn Hạ (Sơn Hà) hồ hởi đón nhận những bát cháo nóng hổi chứa nhiều dinh dưỡng. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thư cho biết: "Đây là những suất ăn do Nhà nước hỗ trợ cho trẻ ở vùng khó khăn đấy". Sơn Hạ là một trong những xã vùng cao của tỉnh, đa số người dân là người đồng bào H'rê, đời sống kinh tế còn khá khó khăn. Trẻ em ở độ tuổi 3- 5 khá đông, nhưng do đời sống kinh tế còn thấp, cha mẹ chưa chú trọng chăm sóc các con nên bữa ăn của các cháu không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng. "Lo cho cháu ăn đủ 3 bữa đã là vất vả rồi thì làm sao có thể lo thêm bữa phụ hay bổ sung chất dinh dưỡng" - chị Đinh Thị Liên, một phụ huynh chia sẻ.     

 

 Bữa ăn phụ của trẻ ở Trường mầm non Hương Sen, xã Sơn Hạ (Sơn Hà).
Bữa ăn phụ của trẻ ở Trường mầm non Hương Sen, xã Sơn Hạ (Sơn Hà).


Từ khi có chính sách hỗ trợ, bữa ăn của các cháu đã được cải thiện, ngày nào cũng có bữa ăn phụ, hôm thì cháo, hoặc hộp sữa, cái bánh… Chị Liên cho biết, đứa con thứ hai của chị nay được 5 tuổi, khi đi học tại trường mầm non của xã mỗi tháng cháu được nhận 120.000 đồng tiền hỗ trợ ăn trưa. Số tiền này chị đóng lại cho nhà trường để con chị có thêm bữa phụ. "Thấy con có thêm hộp sữa, cái bánh ăn hằng ngày tôi vui lắm, vì nếu bình thường thì ở nhà hiếm khi mua được hộp sữa nên nó lớn hơn anh nó hồi cùng tuổi" - chị Liên kể trong niềm phấn khởi.

Năm học 2011- 2012, riêng huyện Sơn Hà đã hỗ trợ cho trên 1.400 cháu 5 tuổi. "Điểm mới trong việc thực hiện chính sách này  là từ năm học 2012 - 2013 đối tượng trẻ được hưởng tiền hỗ trợ được bổ sung cả trẻ 3 và 4 tuổi. Trẻ 5 tuổi bị suy dinh dưỡng luôn là vấn đề nan giải của các huyện miền núi. Có khoản tiền hỗ trợ ăn trưa này, các trường tổ chức dạy bán trú sẽ được gỡ khó. Còn các trường không tổ chức bán trú có thể thuyết phục phụ huynh dùng khoản tiền này mua sữa bồi dưỡng cho trẻ", bà Nguyễn Thị Thành - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà cho biết.

Bữa ăn thêm từ nguồn kinh phí này cũng xóa bớt khoảng cách giữa trẻ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ ở gia đình kinh tế khá. Chị Hồ Thị Thanh, một phụ huynh ở xã Trà Thủy (Trà Bồng) cho biết: "Ngày trước tôi cho con đi học mầm non cũng thấy mặc cảm lắm vì gia đình chỉ đủ tiền đóng tiền ăn trưa cho cháu thôi. Nhìn con người ta đi học trong cặp lúc nào cũng có thêm hộp bánh, sữa chua hay trái cây để ăn thêm mà con mình thì không có, thấy tội nghiệp lắm".

Vẫn còn bất cập

Bất cập hiện nay là tiền hỗ trợ luôn đến chậm gây bị động cho các trường. Một số nơi, trẻ đã lên lớp 1 thì gia đình mới nhận được thông báo của trường mầm non đến nhận tiền hỗ trợ ăn trưa của con. Không chỉ phụ huynh, nhiều trường mầm non, mẫu giáo cũng ngóng trông khoản tiền này. Bà Thành cho biết: "Niên học của học sinh bắt đầu từ cuối quý 3 của năm này đến quý 2 của năm sau. Tuy nhiên các khoản tiền hỗ trợ lại được thanh toán theo từng năm kế hoạch nên việc chậm trễ là không thể tránh khỏi. Song, từ năm 2011, một số trường mầm non trong huyện đã thoả thuận với phụ huynh về số tiền này và đã ứng trước để lo bữa ăn phụ cho các cháu, đến khi nhận được tiền hỗ trợ thì phụ huynh đóng lại cho nhà trường".

Tuy vậy, việc hoàn tiền hỗ trợ ăn trưa cho trẻ ở vùng đặc biệt khó khăn cần phải được thực hiện nhanh chóng, tránh chậm trễ. Bởi khi nhận khoản tiền này theo kiểu "trọn gói" như vậy, sẽ có không ít phụ huynh sử dụng vào mục đích khác, làm mất ý nghĩa của việc hỗ trợ.


Bài, ảnh: Xuân Hiếu

 


.