Sơn Hà: Đầu tư mạnh cho bậc học mầm non

02:10, 29/10/2012
.

(QNg)- Là một huyện miền núi, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Sơn Hà đã tận dụng các nguồn lực hỗ trợ để chú trọng đầu tư phát triển giáo dục. Một trong những điểm nhấn nổi bật của huyện là bậc học mầm non không ngừng được đầu tư khang trang, quy mô trường lớp ngày càng mở rộng.

TIN LIÊN QUAN


Đến Trường mẫu giáo Sơn Thượng, chúng tôi thấy sự đầu tư cơ sở vật chất trường lớp ở đây "hoành tráng" không thua kém các huyện đồng bằng. Trường được đầu tư xây dựng từ năm 2010, với tổng kinh phí 2 tỷ đồng, trên diện tích 2.000 m2, có 3 phòng học, 2 phòng công vụ và 1 khu hiệu bộ. Để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục bậc học mầm non trên địa bàn xã khó khăn này, đội ngũ giáo viên cùng chính quyền hội, đoàn thể đã không ngừng tích cực vận động, tạo mọi điều kiện để trẻ dưới 5 tuổi được ra lớp.

Các cháu ở điểm Trường mẫu giáo Sơn Thượng (Sơn Hà).
Các cháu ở điểm Trường mẫu giáo Sơn Thượng (Sơn Hà).


Để đến được điểm trường, các cháu phải được cha mẹ đưa đi từ sáng sớm, vượt qua những đoạn đường đầy cách trở. Vậy mà cháu nào cũng được ăn mặc sạch sẽ, mạnh dạn múa, hát. Dù phát âm tiếng phổ thông vẫn chưa rành mạch, nhưng cháu nào cũng đều thuộc nằm lòng các bài hát, múa do cô giáo dạy. "Nếu như cách đây 5 năm, tại xã có 6 lớp mẫu giáo, nhưng chỉ có 3 phòng học, các em phải học ghép, cơ sở vật chất thiếu thốn nhiều, thì nay các em được học ngày hai buổi, phòng học đầy đủ tiện nghi, các cháu có điều kiện vui chơi, học tập tốt hơn. Chính vì vậy mà hiện toàn xã có 100% trẻ 5 tuổi đến lớp" - cô giáo Nguyễn Thị Linh chia sẻ.

Rời điểm Trường mẫu giáo Sơn Thượng, chúng tôi đến điểm Trường mẫu giáo Sơn Trung, đây là một trong những điểm trường được đầu tư xây dựng trong năm 2012. Công trình đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 6,2 tỷ đồng, đến tháng 12 này sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Sau đó, trường sẽ có điều kiện chuyển sang mô hình trường mầm non theo hình thức bán trú. Vì vậy, phụ huynh địa phương an tâm hơn và đỡ vất vả trong việc đưa đón con em đến lớp.

Hiện nay, mạng lưới trường lớp mẫu giáo, mầm non được phân bố đều khắp các xã, thị trấn trong huyện. 100% các xã của huyện có trường mẫu giáo. Toàn huyện có 145 phòng học mầm non thì có gần 130 phòng kiên cố, đạt chuẩn theo quy định. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi phục vụ các hoạt động học tập, vui chơi của trẻ trong vài năm gần đây ngày càng được tăng cường và cơ bản đáp ứng được các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ; tỷ lệ phòng học kiên cố dần được nâng cao đã tạo điều kiện rất lớn cho công tác chăm sóc, giáo dục đối với bậc học này.

Ông Đặng Ngọc Dũng- Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, ngân sách chi cho giáo dục tăng lên rất nhiều và thậm chí "bao cân" tất cả. Đó là sự ưu tiên các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình đầu tư cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, chương trình kiên cố hóa trường - lớp học của Chính phủ… Huyện đã ưu tiên đầu tư kinh phí lớn nhất cho giáo dục và giao cho Phòng Giáo dục trực tiếp quản lý điều hành, quản lý đầu tư xây dựng các công trình. Hơn ai hết, những người làm công tác giáo dục hiểu mình đang thiếu những gì, cần đầu tư ở đâu, có như vậy mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Hiểu được những tâm tư của con em địa phương đang ngày ngày băng rừng, vượt suối, khao khát cái chữ, từ năm 2010 đến nay, huyện đã tập trung đầu tư nguồn kinh phí gần 36 tỷ đồng để từng bước hoàn thiện về cơ sở vật chất phát triển giáo dục trên địa bàn huyện. Riêng bậc học mầm non, huyện đã phân bổ nguồn vốn hơn 27 tỷ đồng để xây dựng nhiều trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên và các hạng mục phụ trợ khác. Chính nhờ vậy mà đến nay, trẻ 5 tuổi ra lớp trên địa bàn huyện đạt 90,3%. Trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày đạt 74%. Có 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ chuyên môn.

Ông Nguyễn Hữu Liệu- Phó Trưởng Phòng giáo dục Sơn Hà cho rằng: Để giáo dục mầm non phát triển, chúng tôi  tập trung ưu tiên đầu tư kinh phí theo đúng tiến độ trong đề án để xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non tại các xã. Tiếp tục tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy học, từng bước xóa phòng học tạm bợ. Đồng thời, tăng cường đào tạo giáo viên người dân tộc thiểu số, bởi hơn ai hết họ là người hiểu về ngôn ngữ, phong tục tập quán của địa phương.


    Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.