Nỗi niềm giáo viên "cắm bản"

02:02, 28/02/2013
.

(QNg)- Hành trình đến trường của các thầy cô giáo "cắm bản" không phải ca-táp, áo dài, xe máy, mà đó là dép nhựa lội bộ, mì tôm, gạo, mắm, dầu, bột ngọt… Từng ngày qua đi, những giáo viên cắm bản thầm lặng hy sinh, với bao nhọc nhằn không thể tả hết!
 

TIN LIÊN QUAN

Cuộc sống "lắm không"!

Chúng tôi về điểm trường tiểu học ở Làng Tốt (Ba Lế - Ba Tơ) vào một ngày đầu xuân. Dãy phòng cũ kỹ, rêu phong nằm bên suối, được xây dựng cách đây hơn 10 năm chính là "trụ sở" của điểm trường này. Học tại đây có 30 học sinh "trình độ" từ mầm non đến lớp 5, với 5 giáo viên được phân công giảng dạy.

 

Thầy trò lớp ghép - điểm lẻ Làng Tốt (Ba Lế, Ba Tơ).
Thầy trò lớp ghép - điểm lẻ Làng Tốt (Ba Lế, Ba Tơ).


Điểm trường Làng Tốt không có nhà công vụ, nên 1 phòng học đã được chuyển sang chức năng làm phòng ở của giáo viên. Cả 5 thầy cô giáo gồm 2 giáo viên nữ và 3 giáo viên nam ở chung một căn phòng chật hẹp, ọp ẹp, ẩm thấp, trống trải. Tấm ri-đô được bố trí ở góc cuối phòng làm buồng thay quần áo của hai cô giáo trẻ. Không có điện thắp sáng, nước sinh hoạt phải đi ra tận suối xách về. Thầy giáo Đặng Ngọc Hiền - giáo viên điểm trường Làng Tốt ngậm ngùi bảo rằng: "Vào đây dạy học, chúng tôi phải sống một cuộc sống khác và dường như bị tách khỏi thế giới bên ngoài vì không điện, không sóng điện thoại, không có phương tiện nghe nhìn, không có giao thương hàng hóa. Nếu không có cái tâm với nghề thì khó lòng trụ nổi".

Trời nắng ráo, mỗi tuần, các giáo viên cắm bản ở Làng Tốt về thăm nhà một lần. Trong số 5 thầy, cô, chỉ có một mình thầy Đặng Ngọc Hiền là "liều mình" chạy xe máy. Còn lại đều cùng nhau "cuốc bộ" từ Làng Tốt về nhà ít nhất là 4 tiếng đồng hồ. Trời mưa, họ buộc lòng phải ở lại vì nước sông, suối dâng cao, chảy xiết, rất nguy hiểm.

Dạy dồn - học ghép

Rời Làng Tốt, chúng tôi về xã Ba Giang. Đây là xã mới thành lập, công tác dạy và học còn khó khăn gấp bội phần so với xã Ba Lế. Trường tiểu học Ba Giang có 6 điểm lẻ ở 6 thôn chót vót trên đỉnh núi. Trong đó xa nhất, đường khó đi nhất là điểm trường thôn Gò Xuyên. Điểm trường Gò Xuyên chỉ có duy nhất 1 giáo viên cắm bản là Phạm Văn Đôn, người dân tộc Hrê; 5 học sinh, gồm 3 "trình độ" lớp 1, lớp 3 và lớp 5. Những học sinh này học chung một lớp, một thầy giáo và được gọi là "lớp ghép".

Việc đầu tiên khi bắt đầu giờ học của "lớp ghép", thầy giáo Phạm Văn Đôn chia tấm bảng đen ra làm 3 phần bằng nhau tương ứng với 3 trình độ học sinh của lớp. Giáo án cũng theo đó mà phải có 3 cuốn của 3 trình độ mỗi ngày. Để các em khỏi "học nhầm", thầy Đôn thường lập thời khóa biểu theo kiểu lớp "xen kẽ": lớp 1 đánh vần, thì lớp 3 tập chép, lớp 5 làm tập làm văn.

 Thầy giáo Nguyễn Văn Vũ - Chủ tịch công đoàn Trường tiểu học Ba Giang giãi bày: "Dạy dồn, học ghép chất lượng rất hạn chế. Thế nhưng không thể đưa các em về học tập trung tại điểm trường chính được, vì đường quá xa. Đưa giáo viên lên cắm bản cũng thật gian nan, vất vả, nhưng trong tình hình hiện tại không thể làm khác được". Chỗ ở của giáo viên các điểm trường lẻ của xã Ba Giang đều phải "dựa" vào sức dân. Nhưng dân lại quá nghèo, nên cùng lắm cũng chỉ giúp các thầy làm một cái chòi nhỏ lợp lá tạm bợ. Mưa xuống phải "sơ tán" đến nhà dân núp.

Cuộc sống khó khăn, sinh hoạt tạm bợ; học sinh đến lớp theo kiểu giã gạo, nên giáo viên cắm bản dạy thì ít mà đi vận động ra lớp thì nhiều. Đến mùa gặt, mùa đót, mùa gieo lúa, trồng keo, lớp học lại vắng teo.  

Thay "cắm bản" bằng "nội trú"


Bảo vệ quyền được đến trường học tập của trẻ em miền núi là một chủ trương đúng. Thế nhưng nhiều nơi trong tỉnh, việc thực hiện chủ trương này mới chỉ dừng lại ở mức độ "không để học sinh phải bỏ học", còn mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục thì vẫn còn xa lắm! Tình trạng "đôi đũa lệch" giữa chất lượng giáo dục vùng đồng bằng với miền núi như một lẽ hiển nhiên. Vì vậy, cần thiết phải thay đổi việc đưa giáo viên "cắm bản" lên non bằng cách đưa học sinh xuống núi tìm chữ theo cách "học nội trú" ở những nơi có điều kiện.

Bài học về "học nội trú miễn phí" mà Trường tiểu học Sơn Ba có thể là hay nhất về đổi mới chủ trương cắm bản, đưa chất lượng giáo dục miền núi ngày càng đi lên. Ở ngôi trường này, nhiều năm qua, Ban giám hiệu nhà trường đã xóa được điểm lẻ ở thôn Gò Da - thôn xa cách điểm trường chính 5 tiếng đồng hồ đi bộ. Học sinh ở điểm trường này đã được trường đưa xuống núi, "nhập" vào Trường tiểu học Sơn Ba thông qua mô hình học nội trú miễn phí. Bằng phương pháp vận động xã hội hóa giáo dục khéo léo, hiện tại 28 học sinh thôn Gò Da đã được trường xây phòng học nội trú, nuôi ăn học miễn phí tại trường. Phụ huynh rất đồng tình; chất lượng học tập của các em được nâng lên. Giáo viên cắm bản cũng chẳng còn phải vất vả lên non để dạy chữ nữa.

Hiện tại, chính sách dành cho học sinh thiểu số vùng đặc biệt khó khăn đã được quan tâm hơn. Mỗi tháng các em đều được nhận một khoản tiền nhất định. Số tiền hỗ trợ này cộng với sự chung tay của cộng đồng thì hoàn toàn có thể thực hiện được mô hình "Học nội trú miễn phí như ở Sơn Ba". Cái còn lại là quyết tâm của chính quyền và ngành giáo dục tỉnh nhà.
    

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.