Nỗi niềm giáo viên vùng cao

03:01, 07/01/2013
.

(QNg)- Bao năm qua, đối với nhiều giáo viên ở các huyện vùng cao miền núi trong tỉnh thì câu chuyện thưởng Tết khá xa vời.

TIN LIÊN QUAN


Giữa tháng 12, sau khi vượt hàng chục cây số đường rừng đèo dốc, chúng tôi đến được Trường tiểu học và trung học cơ sở Trà Xinh (Tây Trà). Ngôi trường có một dãy phòng học được xây dựng khang trang, nhưng cũng còn một vài phòng học chỉ được làm bằng những tấm phên tre, phía trên lợp tôn và nằm giữa lưng chừng một quả đồi.

 

Một lớp học ở huyện Tây Trà.
Một lớp học ở huyện Tây Trà.


Cô Nguyễn Thị Kim Anh - Hiệu phó nhà trường chia sẻ, giáo viên làm việc lâu nhất ở ngôi trường này cũng đã vài chục năm gắn bó nhưng trong suốt chừng ấy thời gian, phần thưởng Tết lớn nhất mà chúng tôi nhận được là những bó rau, ít măng rừng, một vài cây bánh tét hay ít cá niên của đồng bào CaDong, Hrê, Cor… tặng.  Còn về phía ngành giáo dục thì phần thưởng Tết mà chúng tôi nhận được là một ít dầu ăn, hạt dưa, nhưng cũng không đều đặn. "Có lẽ, phần thưởng lớn nhất của những giáo viên vùng cao như tụi tôi, đó là niềm vui khi ăn Tết xong, các em đến trường đầy đủ, không còn bỏ lớp, bỏ trường nữa", cô Anh nói.  

Còn cô giáo Huỳnh Thị Hải Vân chia sẻ, thấy học sinh còn khó khăn chúng tôi phải tự vận động quyên góp tiền mua gạo, quần áo cho các em. Thậm chí có người còn móc tiền túi từ đồng lương ít ỏi của mình mua cho học sinh từng đôi dép, bộ quần áo mới để học trò đón Tết.    

"Nghe một số doanh nghiệp, công sở… họ thưởng Tết vài ba chục triệu đồng thấy nghề giáo viên vùng cao như mình bùi ngùi. Nhưng so với cực khổ, khó khăn mà đồng bào ở đây đang phải đối mặt thì chẳng đáng là bao. Nên với giáo viên vùng cao như tụi tôi, chuyện không có thưởng Tết đến giờ cũng trở nên bình thường và chẳng còn quan trọng nữa. Có thì giáo viên chúng tôi san sẻ với các học sinh nghèo của mình, không có cũng vậy", cô giáo Nguyễn Thị Cương chia sẻ.


Không chỉ giáo viên ở huyện Tây Trà, nhiều giáo viên khác ở các huyện vùng cao như Minh Long, Sơn Tây, Ba Tơ… câu chuyện thưởng Tết cũng trở nên xa vời và thậm chí có giáo viên đã hơn 20 năm trong nghề nhưng chưa một lần nhận được phần thưởng Tết.

Cô giáo Huỳnh Thị Vân- Trường THCS Sơn Ba (Sơn Hà) cho biết: Với giáo viên vùng cao như chúng tôi, tuy không được thưởng Tết bằng vật chất nhưng cũng đủ ấm lòng, vui sướng khi được học sinh của mình băng rừng, vượt suối đến thăm trong những ngày Tết. Đó là phần thưởng cao quý nhất chúng tôi nhận được.

"Có những giáo viên giảng dạy ở vùng cao, vùng sâu mỗi buổi sáng phải lội bộ đường rừng 4 đến 5 cây số mới đến được các điểm trường lẻ, mới mang được cái chữ đến các em học sinh… Đối với họ, niềm vui lớn nhất là thấy học trò của mình đi học đông đủ, no ấm. Có người chỉ mong được thưởng Tết cho học sinh hơn bản thân mình", thầy Trần Duy Hùng- Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Ba tâm sự.

Ông Trần Ngọc Tựu-Chánh Văn phòng Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán tới, ngành giáo dục vẫn chưa có kế hoạch thưởng Tết cho giáo viên. Toàn tỉnh hiện có 16.000 giáo viên các cấp học, nếu chi thưởng tết cho mỗi giáo viên 200.000 đồng thì phải mất hơn 3,2 tỷ đồng nên rất khó thực hiện. "Thường những năm trước, để tạo nguồn quỹ thưởng Tết cho giáo viên, các trường phải tự cân đối nguồn tiết kiệm để mua quà cho giáo viên, chứ ngành giáo dục không có tiền để hỗ trợ. Chỉ duy nhất năm nay, ngành giáo dục chi khoảng 100 triệu đồng từ quỹ của chương trình văn nghệ "ấm áp mùa xuân", để hỗ trợ tiền ăn Tết cho những học sinh nghèo trong toàn tỉnh", ông Tựu nói.


Bài, ảnh: Kiều Tử Trực

 


.