Trồng rừng ngập mặn: Còn nhiều khó khăn

02:11, 25/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, tỉnh ta đã tập trung triển khai nhiều dự án khôi phục và trồng mới rừng ngập mặn (RNM), nhằm tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái ven bờ và tạo sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 
[links()]
 
Rừng ngập mặn bàu Cá Cái ở xã Bình Thuận (Bình Sơn).                                 Ảnh: Thanh Trung
Rừng ngập mặn bàu Cá Cái ở xã Bình Thuận (Bình Sơn). Ảnh: Thanh Trung
Thời điểm năm 2014, bàu Cá Cái, xã Bình Thuận (Bình Sơn) chỉ là vùng đầm lầy trơ trọi, các loại thủy sản ven bờ cạn kiệt do không có nơi trú ngụ. Đến khi triển khai Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” tại Quảng Ngãi, do Quỹ Khí hậu xanh (GCF-UNDP) tài trợ cùng với nguồn kinh phí của tỉnh, bàu Cá Cái từng bước được phủ xanh bởi những vạt đước, cóc bản địa trên diện tích rộng cả trăm hécta.
 
Từ khi RNM bàu Cá Cái được “hồi sinh”, nhiều loại thủy sản cùng những đàn chim, cò, vạc về đây trú ngụ. Kể từ năm 2019, nhiều gia đình ở xã Bình Thuận mở dịch vụ chở khách du lịch tham quan RNM bàu Cá Cái, góp phần nâng cao thu nhập. Anh Phạm Duy Nghĩa, ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận chia sẻ, vùng quê này được bao bọc bởi sông nước. Vào mùa mưa bão, ruộng đồng bị bồi lấp, nhà cửa bị sạt lở. Những năm gần đây, nhờ có RNM che chắn nên tác hại của bão giảm đi đáng kể.
 
Không chỉ góp phần hỗ trợ phòng, chống bão, RNM còn đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. “Rừng ngập mặn đem lại nhiều lợi ích nên người dân sẽ bảo vệ RNM để hưởng lợi lâu dài”, ông Nguyễn Phương, thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận bày tỏ.
 
Thời gian qua, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu của Trung ương, Quảng Ngãi đã phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện các dự án trồng RNM ven biển. Cụ thể, trồng mới và phục hồi hơn 100ha RNM ven biển xã Bình Thuận; trồng hơn 45ha RNM ven biển các xã Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương (Bình Sơn). Cây trồng RNM chủ yếu là cóc, bần, dừa nước... Những dự án này sau khi được nghiệm thu, đã bàn giao lại cho người dân tham gia quản lý, hưởng lợi, góp phần nâng trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ diện tích RNM.
 
Trước tác động tiêu cực của thiên tai, gây sạt lở, xâm thực nghiêm trọng các địa phương ven biển, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, thì việc khôi phục, trồng mới RNM là giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, với diễn biến ngày càng cực đoan của thời tiết, việc khôi phục và bảo vệ RNM gặp nhiều khó khăn. 
 
Do ảnh hưởng của những đợt mưa bão vừa qua, nhiều diện tích cây rừng ngập mặn trồng năm 2019 bị chết.
Do ảnh hưởng của những đợt mưa bão vừa qua, nhiều diện tích cây rừng ngập mặn trồng năm 2019 bị chết.
Điều phối viên dự án GCF-UNDP Nguyễn Thị Thùy Dung cho biết, qua kiểm tra, đánh giá thực địa vào năm 2020 cho thấy, 23ha RNM trồng năm 2019 đã đạt tỷ lệ sống gần 100%. Hy vọng diện tích RNM sẽ góp phần đáp ứng đủ tiêu chí để bàu Cá Cái trở thành vùng du lịch sinh thái cộng đồng. Thế nhưng do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt mưa bão năm 2020 và năm 2021 đã gây ngập sâu, khiến diện tích cây trồng năm 2019 bị chết trên 50%.
 
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đại, để trồng được những dải RNM, ngành chuyên môn đã tính toán đắp đất tạo líp, luống cho phù hợp với mực nước tại nơi trồng. Song với tần suất mưa kéo dài trong  thời gian qua, số cây mới trồng chưa phát triển đến độ trưởng thành đã bị ngập úng, thối gốc. Khi thời tiết thuận lợi, ngành nông nghiệp cùng với thành viên dự án sẽ trồng dặm lại đối với diện tích RNM bị thiệt hại do mưa bão. Cùng với đó, để khôi phục, bảo vệ và phát triển RNM, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần triển khai thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh theo chủ trương của Chính phủ.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.