Thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi: Cần bước đột phá

02:05, 05/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong giai đoạn 2017 - 2020, với phương châm xem sự thành công của doanh nghiệp (DN) là thành công của tỉnh, Quảng Ngãi đã thu hút được nhiều dự án lớn vào đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
“Quả ngọt” thu hút đầu tư
 
Nhờ sự nỗ lực của tỉnh, sự kết nối, giới thiệu của các DN đang đầu tư hiện hữu, cùng với việc ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi thuận lợi, công tác thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi thời gian qua đã mang lại những “quả ngọt”. Tính đến hết tháng 3.2020, trên địa bàn tỉnh có 64 dự án (DA) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 1,869 tỷ USD và 650 DA đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 296.760 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. 
 
Chuyên gia làm việc tại dự án Thép Hòa Phát Dung Quất.
Chuyên gia làm việc tại dự án Thép Hòa Phát Dung Quất.
Nổi bật trong các DA được thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi giai đoạn 2017 - 2020 là Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, với tổng vốn trên 60 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm này, DA đã giải ngân khoảng 49 nghìn tỷ đồng. Theo Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất Đinh Văn Chung, DA sau khi hoàn thành sẽ mang lại giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 60 nghìn tỷ đồng/năm. Đến nay, Hòa Phát Dung Quất đã tuyển dụng 9.150 lao động.
 
Ngoài DA Thép Hòa Phát Dung Quất, Quảng Ngãi đã cấp phép đầu tư cho nhiều DA trong và ngoài nước, với số vốn đầu tư khá lớn. Điển hình là các DA sản xuất công nghiệp trong KCN VSIP Quảng Ngãi; các DA phát triển du lịch - dịch vụ của Tập đoàn FLC...
 
Những vấn đề đặt ra
 
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác thu hút đầu tư của Quảng Ngãi thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là so với một số tỉnh, thành phố trong khu vực có lợi thế so sánh thấp hơn Quảng Ngãi. Theo một số chuyên gia kinh tế, nguyên nhân do tỉnh chưa phát huy hết các lợi thế sẵn có để mời gọi đầu tư. Một số cơ quan hành chính nhà nước chậm giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh vẫn còn xảy ra. Tình trạng nhà đầu tư năng lực không đảm bảo tranh thủ “vẽ” DA và xí phần đất đai, làm mất cơ hội đầu tư của nhà đầu tư khác cũng phổ biến...
 
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), mặc dù Quảng Ngãi có nguồn lao động tương đối dồi dào, nhưng thiếu lao động có trình độ chuyên môn và kỹ thuật cao. Môi trường đầu tư còn những bất cập; cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Vì thế, một trong những yêu cầu đặt ra hiện nay là phải cải thiện và nâng cao hiệu quả quản trị công ở địa phương. Trong đó, cần xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân, phục vụ DN, đóng vai trò “bà đỡ” cho các hoạt động kinh tế của người dân để thúc đẩy sự phát triển.
 
Năm 2020, Quảng Ngãi ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực cảng biển và hệ thống logistics; DA công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, du lịch và dịch vụ. Đối với các DA FDI, bên cạnh tập trung thu hút DA từ các quốc gia truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... Quảng Ngãi còn chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư từ các nước Mỹ, Pháp, Đức...
 
Để thực hiện đạt mục tiêu, định hướng trên, UBND tỉnh đưa ra 5 giải pháp chính, đó là: Đầu tư phát triển hạ tầng, tiện ích, đất đai và đô thị. Tổ chức xúc tiến đầu tư các ngành, nghề có lợi thế so sánh, nhất là các ngành nghề liên quan đến sử dụng cảng biển nước sâu, các DA có nhu cầu quỹ đất rộng, các DA hạ tầng KCN, cảng biển. Tăng cường xúc tiến đầu tư theo quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hỗ trợ DN.
 
 Đặc biệt, tập trung hỗ trợ các DA có quy mô lớn, có tính chất quan trọng như: DA Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, DA KCN VSIP Quảng Ngãi mở rộng, DA Khu đô thị Công nghiệp Dung Quất, DA KCN nhẹ Bình Hòa - Bình Phước, DA Tổ hợp Khí điện từ mỏ khí Cá Voi Xanh của EVN, Tập đoàn Sembcorp, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép của Tập đoàn Hòa Phát, các DA của Tập đoàn FLC, các DA do Tập đoàn Vingroup đăng ký... và các DA thứ cấp trong KCN VSIP Quảng Ngãi.
 
Bài, ảnh: PHẠM DANH
 
 
 

.