Kết nối đôi bờ Cửa Đại

07:05, 01/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trên mảng trời xanh, cầu Cửa Đại như chiếc vương miện kết nối đôi bờ hạ lưu sông Trà Khúc. Cây cầu hoàn thành mở ra triển vọng mới cho vùng đất này.
Giấc mơ thành hiện thực
 
Cổ Lũy cô thôn là một trong 12 cảnh đẹp của Quảng Ngãi đã đi vào sử sách. Nơi ấy là vùng cửa sông thuộc xã Tịnh Khê ở phía bắc và xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) ở phía nam sông Trà. Nhiều thế hệ người dân nơi đây tự hào về quê hương, gắn bó với sông, biển bao đời, cho đến một ngày cây cầu dây văng hơn 2 nghìn tỷ đồng xây dựng tại nơi cửa biển này, nối đôi bờ Cửa Đại. Người dân nơi đây nói rằng, công trình này là giấc mơ đã thành hiện thực. 
 
Cầu Cửa Đại trong giai đoạn hoàn thiện.
Cầu Cửa Đại trong giai đoạn hoàn thiện.
Cùng với tiến độ xây dựng cây cầu, thì diện mạo vùng quê này cũng đổi thay từng ngày. Dọc các tuyến đường bê tông trong thôn Cổ Lũy Bắc là những ngôi nhà tái định cư mới xây của các hộ dân nhường đất xây cầu. Những khu đất trước đây là ruộng lúa nay đã được san lấp mặt bằng, trồng cây xanh, làm đường nội bộ... Đây là những khu dân cư mới trong tương lai gần.
 
Ông Lê Bá Ngọc, có nhà gần đường dẫn phía nam lên cầu Cửa Đại, cho biết: Trước đây, khi con đường Trường Sa từ trung tâm TP.Quảng Ngãi chạy về Cửa Đại, dân làng chúng tôi đã thật sự vui mừng. Bởi cả làng không còn do ngập lụt vào mùa lũ. Giờ đây lại có thêm cây cầu ngay tại xóm này. Thật tình tôi có nằm mơ cũng không nghĩ đến một ngày quê mình có những công trình lớn như thế!”.
 
Bên bờ bắc cầu Cửa Đại, công trình Khu du lịch tâm linh Thiên Mã đang xây dựng. Anh Nguyễn Quang Vinh bộc bạch: "Bao đời nay, dân làng vùng cửa biển lam lũ làm ăn, việc đi lại cũng khó khăn. Giờ đây có đường, có cầu, không lâu nữa là nơi khách du lịch khắp nơi ghé đến. Người dân địa phương sẽ buôn bán, kinh doanh phục vụ du khách. Con em trong xóm cũng có cơ hội giao lưu với bên ngoài. Nghĩ đến đó không vui sao được".
"Bao đời nay, dân làng vùng cửa biển lam lũ làm ăn, việc đi lại cũng khó khăn. Giờ đây có đường, có cầu, không lâu nữa là nơi khách du lịch khắp nơi ghé đến. Người dân địa phương sẽ buôn bán, kinh doanh phục vụ du khách. Con em trong xóm cũng có cơ hội giao lưu với bên ngoài. Nghĩ đến đó không vui sao được".
 
Anh NGUYỄN QUANG VINH thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi)
Không còn cách trở
 
Hai bên bờ Cửa Đại cách nhau chừng 2km. Người dân phía bờ nam nói rằng, muốn qua bãi biển Mỹ Khê để tắm thì phải đi về khoảng 50km. “Nhìn thì gần vậy đó, nhưng để qua lại phải mất cả tiếng bơi ghe, vì phải đi vòng ra biển để tránh sóng lớn nơi cửa sông”, Trưởng thôn Cổ lũy Bắc Võ Đình Thọ cho hay.
 
Nhà nước đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng hai tuyến đường dọc sông Trà, rồi tiếp tục xây cầu đã làm thay đổi diện mạo nông thôn ở hai bên bờ cửa Đại. Hạ tầng đã mở đường cho đô thị hóa nơi đây khá mạnh mẽ. Nhiều gia đình đang tính đến việc kinh doanh các dịch vụ phục vụ du lịch trong tương lai. Những người gắn bó với sông nước dự định mở các nhà hàng phục vụ các món ăn nổi tiếng để quảng bá đặc sản của địa phương, vừa phát triển kinh tế.
 
Ông Lê Bá Ngọc nói thêm rằng, bây giờ đất nông nghiệp không còn và chúng tôi cũng đã lớn tuổi. Một bộ phận người dân vẫn giữ nghề truyền thống trên sông nước. Khi giao thông thuận lợi, là cơ hội để lớp trẻ tính chuyện làm ăn, buôn bán tại quê nhà.
 
Tháng Tư. Cửa Đại, nơi dòng nước sông Trà đổ ra biển nước xanh hiền hoà. Những rặng dừa nước bên dòng sông Kinh phía tả ngạn duyên dáng. Nét thơ mộng ấy giờ đây đã được điểm tô thêm những công trình lớn. Sự đổi thay thực sự đã đến ở vùng cô thôn này.
 
Cầu Cửa Đại khởi công vào cuối năm 2017, tổng vốn đầu tư 2.250 tỷ đồng. Cầu và đường dẫn có tổng chiều dài khoảng 3,7km, kết nối xã Tịnh Khê ở phía bắc và xã Nghĩa Phú ở phía nam. Công trình góp phần kết nối liên hoàn tuyến đường ven biển, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển hai bên bờ sông Trà Khúc, nhất là việc khai thác quỹ đất để hình thành những khu đô thị biển; tạo điểm nhấn cho đô thị hướng biển, thu hút đầu tư. Dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào tháng 7.2020.
 
Bài, ảnh: X.THIÊN
 
 
 
 
 

.