Phục hồi và thúc đẩy phát triển KT-XH sau dịch Covid-19: Những vấn đề cấp bách đặt ra

04:05, 03/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều chỉ tiêu, mục tiêu trọng yếu được tỉnh đề ra trong năm 2020 có khả năng không đạt được và ít nhiều ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Nhiệm vụ quan trọng đang đặt ra hiện nay là cần rà soát, đánh giá toàn diện tác động của dịch Covid-19 tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, tính toán các phương án, kịch bản tăng trưởng và triển khai các giải pháp phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh.
 
Nhà máy lọc dầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng
 
Tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy mới đây, lãnh đạo Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đề nghị tỉnh Quảng Ngãi đồng hành, hỗ trợ BSR và cùng với PVN có ý kiến kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương có những chính sách hỗ trợ kịp thời để ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các nhà máy lọc dầu (NMLD) trong nước, nhất là NMLD Dung Quất. 
 
Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đưa ra nhiều kịch bản để vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đưa ra nhiều kịch bản để vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
 
Chủ tịch Hội đồng quản trị BSR Nguyễn Văn Hội cho biết: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trên thế giới đã sụt giảm nghiêm trọng. Cung vượt cầu, các doanh nghiệp (DN) đang tìm mọi cách để đẩy hàng, giảm tồn kho. Vì thế mà giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas, Mỹ) giao tháng 5.2020 rơi xuống mức -37,63 USD/thùng.
 
Trong bối cảnh đó, việc nhập khẩu xăng dầu của nước ta thời gian qua lại tăng là một nghịch lý, tạo thêm sức ép cho tiêu thụ xăng, dầu trong nước, đẩy các NMLD vào tình trạng đối mặt với khủng hoảng kép. “Đứng trước khó khăn, chúng tôi đã đưa ra nhiều kịch bản cho vận hành NMLD Dung Quất nhằm ứng phó với dịch Covid-19, trong đó có tính đến phương án tạm dừng vận hành nhà máy một thời gian”, ông Hội thông tin.
 
Hiện nay, NMLD Dung Quất đang vận hành với khoảng 60% dầu thô trong nước. Trong quý I/2020, mặc dù sản xuất, kinh doanh thua lỗ trên 2.300 tỷ đồng, nhưng BSR đã nộp ngân sách nhà nước hơn 1.732 tỷ đồng. Nếu NMLD Dung Quất phải dừng hoạt động thì ảnh hưởng rất lớn đến an toàn cho các mỏ dầu của Việt Nam. Đặc biệt là, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở KH&ĐT đang tham mưu xây dựng các kịch bản phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19. Song, cũng chưa nghĩ đến việc phải dừng hoạt động của NMLD Dung Quất, bởi nếu Nhà máy dừng hoạt động sẽ tác động rất lớn đến việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế và thu ngân sách của tỉnh.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng nhấn mạnh: Mặc dù nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của đại dịch Covid-19, song tin tưởng rằng sẽ sớm vực dậy và phục hồi sau đại dịch. Với NMLD Dung Quất, là trọng điểm kinh tế của tỉnh nên tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ BSR bằng tất cả khả năng để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trong đó, tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ có những cơ chế, chính sách hợp lý để “cứu” các NMLD trong nước. Đồng thời, mong muốn BSR cố gắng duy trì hoạt động của NMLD Dung Quất.
 
"Thời gian qua, Quảng Ngãi đã đề ra nhiều giải pháp cấp bách, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, với "mục tiêu kép" là vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; vừa phát triển kinh tế, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân và an sinh xã hội". 
 
Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN NGỌC CĂNG
Nhiều chỉ tiêu kinh tế bị sụt giảm
 
Từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do những tác động của đại dịch Covid-19. Bên cạnh một số kết quả tích cực như: Giá trị sản xuất công nghiệp (CN) đạt gần 40 nghìn tỷ đồng (tăng 1,1%), sản lượng thủy sản đạt trên 65.600 tấn (tăng 6,3%), kim ngạch xuất khẩu khoảng 390 triệu USD (tăng 109,5%) so với cùng kỳ năm 2019, thì cũng có nhiều lĩnh vực giảm mạnh.
 
Trong đó, sản xuất công nghiệp tuy duy trì được sự phát triển nhưng còn thấp so với mục tiêu đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực kinh tế nhà nước giảm 3,2% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,8%. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông sản xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Trong vụ đông xuân 2020, toàn tỉnh  trồng khoảng 1.000ha dưa hấu và 1.100ha ớt. Từ đầu tháng 3 đến nay, dưa bắt đầu thu hoạch trên diện tích khoảng 431,3ha, năng suất ước đạt 292 tạ/ha, sản lượng 12.595 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dưa chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa, chưa xuất khẩu được, ứ đọng nhiều, giá bán thấp...
 
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 9%; doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ giảm 3,92% so với cùng kỳ năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, du lịch lữ hành và dịch vụ vui chơi, giải trí trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Đối với tín dụng ngân hàng, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 54.400 tỷ đồng, giảm 0,21% so với cuối năm 2019; tổng dư nợ ước khoảng 49.100 tỷ đồng, giảm 0,25% và tỷ lệ nợ xấu chiếm khoảng 2,24% tổng dư nợ. Trước tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN gặp khó khăn, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, không thực hiện phạt lãi suất khi quá hạn cho từng khách hàng để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN.
 
Trong những tháng qua, số lượng DN đăng ký thành lập mới cũng giảm đáng kể. Từ đầu năm đến nay, chỉ có 203 DN đăng ký thành lập mới (giảm 20,1%), trong khi đó có tới 188 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động và 33 DN giải thể tự nguyện. Cũng do đại dịch Covid-19, một số DN FDI, ngành dệt may, điện tử, giày da thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào do chủ yếu nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Nhiều sản phẩm công nghiệp xuất khẩu bị ngưng trệ sản xuất và giảm tiêu thụ như tinh bột mì, thủy sản chế biến, dăm gỗ nguyên liệu giấy, bánh kẹo các loại...
 
Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh
 
Trước những tác động và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đối với các DN trên địa bàn, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền về chính sách giảm một số khoản phí, lệ phí nhằm giảm chi phí đầu vào của sản xuất, kinh doanh cho DN, chi phí liên quan đến người lao động; cắt giảm chi phí logistics…Cùng với đó là đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ kết nối tiêu thụ mặt hàng nông sản xuất khẩu với thị trường Trung Quốc và tìm kiếm, giới thiệu các thị trường khác ngoài thị trường Trung Quốc để tiêu thụ nông sản.
 
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại nâng hạn mức tín dụng nhằm tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành hướng dẫn thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc cho các dự án, công trình, DN lớn, trọng điểm, cấp thiết, trong đó có dự án thép Hòa Phát và NMLD Dung Quất.
 
Tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động của DN và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là rất lớn. Vì vậy, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần khẩn trương xây dựng các kịch bản, phương án, kế hoạch phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19. Trong đó, cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng và có phương án điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020.
 
Đối với các sở, ban, ngành, địa phương và mỗi DN trên địa bàn tỉnh cần chủ động xây dựng các phương án để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh; rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến của dịch bệnh. Đặc biệt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; quyết liệt chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay và sau khi kiểm soát được dịch Covid-19.
Hụt thu nội địa khoảng 5.500 tỷ đồng
 
Công tác thu ngân sách của tỉnh  gặp nhiều khó khăn và khó đạt kế hoạch do tác động của dịch Covid-19. Đến nay, toàn tỉnh mới thu được 5.297 tỷ đồng, bằng 28,5% dự toán năm; dự kiến trong năm 2020, tỉnh sẽ hụt thu nội địa khoảng 5.500 tỷ đồng so với dự toán giao đầu năm.
 
Bài, ảnh: PHẠM VINH
 
 

.