Tiềm năng nuôi trồng thủy sản ở hồ thủy điện Đăkđrinh

04:03, 22/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặt hồ khá rộng, nước trong xanh, khí hậu phù hợp, vì thế ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa hồ thủy điện Đăkđrinh vào quy hoạch hồ, đập nuôi trồng thủy sản (NTTS). Song hiện nay, huyện Sơn Tây chưa tận dụng được lợi thế ấy để phát triển nghề NTTS nước ngọt.

TIN LIÊN QUAN


Kể từ năm 2014, hồ thủy điện Đăkđrinh chính thức vận hành. Hồ chứa nước của thủy điện này có quy mô lên đến 248 triệu m3 nước, đây là điều kiện rất thích hợp để NTTS.

Đánh bắt tự nhiên là chính

Theo khảo sát của phóng viên Báo Quảng Ngãi, hiện khu vực hồ ở các xã Sơn Long, Sơn Dung, Sơn Liên (những xã trực tiếp ảnh hưởng của dự án) chưa thấy triển khai mô hình nuôi cá nào. Hầu hết các loại cá nước ngọt được bán tại các chợ trên địa bàn huyện đều từ đánh bắt tự nhiên ở lòng hồ. Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết, xã đã đi khảo sát, tìm hiểu và nhận thấy khu vực lòng hồ thủy điện có điều kiện khá tốt để nuôi cá lồng bè.

Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khác nhau mà nhiều năm qua vẫn chưa thể triển khai được. “Thời gian tới, xã sẽ tìm hiểu các mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện ở các địa phương khác về triển khai thí điểm ở xã. Nếu được huyện chấp thuận, xã sẽ thực hiện ngay”, ông Vượt nói.

Hồ thủy điện Đăkđrinh có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng thủy sản.
Hồ thủy điện Đăkđrinh có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng thủy sản.


Được biết, từ khi lòng hồ thủy điện Đăkđrinh chính thức vận hành, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Ngãi đã thả 10 nghìn con cá giống như trắm, trôi, mè, chép... để tăng tính đa dạng thủy sản và tạo sinh kế cho người dân qua việc đánh bắt. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, ngoài nguyên nhân do đợt lũ lụt vừa qua một lượng lớn cá trôi khỏi lòng hồ, thì tình trạng đánh bắt quá mức đã khiến cho sản lượng thủy sản dần cạn kiệt. Để đa dạng hóa và tạo nguồn lợi thủy sản, huyện Sơn Tây vừa đề nghị Chi cục Thủy sản thả thêm 20 nghìn con cá giống.

Ông Đinh Văn Tuấn, người đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện cho biết, cá trên lòng hồ rất nhiều, nhưng tình trạng người ta bắt cá lớn lẫn cá bé nên tôi sợ chỉ thời gian ngắn nữa sẽ không còn cá mà bắt. “Bà con chúng tôi cũng nghĩ đến việc nuôi cá bằng lồng bè rồi, nhưng chưa biết làm như thế nào và một phần là do vốn đầu tư lớn quá nên chưa dám triển khai”, anh Tuấn nói.

Cần phát huy lợi thế

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay khu vực lòng hồ thủy điện Đăkđrinh thuộc địa phận xã Đăk Nên, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum rất nhiều hộ dân đã tiến hành nuôi cá bằng lồng bè và bước đầu cho kết quả rất khả quan. Trong khi đó, ở phía huyện Sơn Tây, thì hiện nay vấn đề này vẫn chỉ là ý tưởng. Trong đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020”, thì huyện Sơn Tây đề ra mục tiêu ổn định diện tích NTTS 11ha, với sản lượng nuôi trồng đạt khoảng 26 tấn. Đồng thời, định hướng phát triển các đối tượng thủy sản truyền thống có giá trị như các loại cá trắm, trôi, chép... qua đó, tăng sản lượng khai thác trong lòng hồ thủy điện Đăkđrinh đạt khoảng 20 tấn.

Chủ tịch UBND xã Sơn Liên Trần Đông Phong cho rằng, do chưa có quy chế phối hợp giữa thủy điện và địa phương, nên xã chưa biết triển khai NTTS như thế nào. “Phải phân định sớm diện tích nào của thủy điện quản lý, phần nào địa phương quản lý thì mới có thể triển khai được. Tôi cho rằng, tận dụng lợi thế mặt nước NTTS là rất tốt, vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, người dân sẽ giám sát không cho người khai thác thủy sản tự do đánh bắt bằng xung điện. Nếu các khó khăn được giải quyết, xã sẽ lập phương án kiến nghị hỗ trợ từ khuyến nông, khuyến ngư để phát triển mô hình tiềm năng này”, ông Phong cho hay.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 


.