Dự án thủy điện Đăkđrinh: Sớm cấp gạo hỗ trợ cho dân

02:06, 07/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo quy định, mỗi người dân nhường đất thi công dự án thủy điện Đăkđrinh sẽ được cấp hỗ trợ gạo tùy theo diện tích đất bị thu hồi. Thế nhưng, đến nay người dân mới chỉ nhận gạo hỗ trợ của năm 2014, còn hai năm 2015 và 2016 chưa được nhận. Đó là trường hợp của người dân nằm trong diện thu hồi đất để xây dựng thủy điện Đăkđrinh ở xã Sơn Long (Sơn Tây).
 

Hai năm ăn gạo mua

Theo quy định của dự án, bên cạnh tiền đền bù và tái định cư, định canh, người dân nhường đất để xây dựng thủy điện Đăkđrinh sẽ được hỗ trợ gạo để ổn định đời sống. Phương án hỗ trợ gạo cho người dân bị thu hồi đất: Thu hồi diện tích dưới 30% tổng diện tích đất sản xuất đang có thì được hỗ trợ gạo một năm, với số lượng 30kg/khẩu. Hộ bị thu hồi từ 30-70% được hỗ trợ 24 tháng; hộ bị thu hồi trên 70% sẽ được hỗ trợ 36 tháng và hộ bị thu hồi 100% diện tích đất canh tác sẽ được hỗ trợ gạo trong 48 tháng.

Toàn xã Sơn Long có 104 hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất được hỗ trợ gạo. Tuy nhiên, ông Đỗ Thanh Vượt- Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết, hiện chỉ có 98 hộ được nhận hỗ trợ gạo trong năm 2014, số gạo hỗ trợ còn lại của hai năm 2015 và 2016 vẫn chưa nhận được, dù người dân kiến nghị nhiều lần.

 

Khoảng 6ha đất trồng lúa (chuyển đổi từ đất lâm nghiệp), nhưng cây lúa phát triển còi cọc, khiến người dân phải chạy ăn từng bữa trong lúc chờ gạo hỗ trợ.
Khoảng 6ha đất trồng lúa (chuyển đổi từ đất lâm nghiệp), nhưng cây lúa phát triển còi cọc, khiến người dân phải chạy ăn từng bữa trong lúc chờ gạo hỗ trợ.

Là đối tượng được hỗ trợ gạo theo quy định và nhận được gạo trong năm 2014, nhưng trong hai năm 2015 và 2016 ông Đinh Minh Rê, cho biết vẫn chưa nhận được gạo hỗ trợ. “May nhà tôi nhận tiền đền bù nhiều, nên mới có tiền mua gạo ăn quanh năm. Còn nhiều hộ nhận tiền đền bù ít hoặc tiêu hết, giờ phải chạy ăn từng bữa rất khổ sở”, ông Rê nói.

Để đảm bảo ổn định cuộc sống người dân sau TĐC và giải quyết việc thiếu đất sản xuất, UBND xã Sơn Long đã kiến nghị UBND huyện đầu tư xây dựng khu tái định canh, với diện tích khoảng 6ha đất lâm nghiệp trở thành ruộng bậc thang để sản xuất lúa nước, ngay cạnh khu TĐC Anh Nhoi 2. Tuy nhiên, do ruộng mới làm và chân đất khá hốc, nên dù hệ thống nước thủy lợi kéo đến ruộng, nhưng cây lúa vẫn không thể phát triển.

Dẫn chúng tôi ra đồng ruộng bậc thang vừa hoàn thành cấp cho dân sản xuất lúa nước, anh Đinh Văn Dũng, khu TĐC Anh Nhoi 2 bảo: Nhà tôi thiếu gạo ăn (do gạo hỗ trợ hai năm còn lại chưa được cấp) nên khi được cấp đất trồng lúa nước, gia đình tôi đã tập trung làm đất, bón phân và gieo sạ. Tuy nhiên, do đất quá hốc lại pha cát, nên bao nhiêu nước tưới đều rút vào lòng đất khiến cây lúa mọc lên còi cọc rồi chết dần.

Trồng lúa không được, một số người dân chuyển sang trồng mì, đậu, bắp nhưng các loại cây này cũng phát triển rất èo uột. “Đất có, nhưng trồng không cây gì lên được, trong khi gạo hỗ trợ chưa nhận được, nên tôi phải đi làm keo kiếm tiền nuôi gia đình hằng ngày. Còn cây lúa rẫy thì thời tiết thay đổi thất thường mấy năm qua, thu hoạch không được bao nhiêu. Mong Nhà nước sớm cấp phát gạo hỗ trợ theo quy định để người dân đỡ phải chạy ăn từng bữa”, anh Dũng tâm sự.

Sớm cấp gạo hỗ trợ cho dân

Toàn xã Sơn Long có 98 hộ nằm trong diện giải tỏa phải TĐC, nhưng chỉ có 33 hộ đăng ký vào ở trong khu TĐC tập trung, số còn lại tái định cư tự do. Ở khu TĐC mỗi hộ dân được cấp 400m2 đất ở và 600m2 đất vườn. Trong số 33 hộ TĐC tập trung thì có 15 hộ được cấp đất sản xuất lúa nước với diện tích 4.000m2.

Xã Sơn Long từng là nơi xuất hiện nhiều "triệu phú" và số hộ thoát nghèo cũng tăng nhanh chóng khi nhận tiền đền bù dự án thủy điện Đăkđrinh. Nhưng từ khi nhận tiền đến nay, số tiền ấy đã được người dân sử dụng không đúng mục đích, dẫn đến nhiều người sau khi giàu lên nhanh chóng đã trở về trắng tay. Theo thống kê của UBND xã Sơn Long, trong số 33 hộ TĐC tập trung thì có đến 29 hộ nằm trong diện hộ nghèo, 3 hộ còn giữ được tiền đền bù nên thoát nghèo, một hộ giàu.

Ông Đỗ Thanh Vượt- Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết, trước tình trạng người dân thiếu gạo ăn, UBND xã Sơn Long phải dùng nguồn gạo dự trữ lũ lụt trữ trong kho để cấp cho người dân, cộng với nguồn gạo hỗ trợ dành cho người nghèo.

Ông Đinh Quang Ven- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây thừa nhận đúng là hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân nằm trong diện hỗ trợ gạo từ hai năm trở lên vẫn chưa được nhận gạo. Nguyên nhân là do đất của người dân bị thu hồi nhưng chưa được cấp sổ đỏ; rồi đất người dân bán cho người khác nữa, nên chưa thể xác định được là hộ dân ấy có tổng cộng bao nhiêu đất sản xuất và bị thu hồi bao nhiêu, để quy về phần trăm mà chi hỗ trợ...

“Chúng tôi đang tập trung kiểm tra, kiểm đếm số liệu cụ thể của từng hộ dân mới có thể triển khai cấp gạo hỗ trợ được. Cái này phải tính toán cẩn thận, chi tiết, vì nếu không tính toán kỹ lưỡng rất dễ xảy ra sai sót”, ông Ven nói.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 

.