Hàng Việt Nam chất lượng cao vào chợ truyền thống: Đường đi khó

08:03, 25/03/2012
.

(QNg)- Sản phẩm khi được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao (VNCLC) thì sản phẩm đó đã tạo được sự tin cậy đối với người tiêu dùng. Trong khi đó, chợ truyền thống là nơi cung cấp hàng hóa chủ lực cho người tiêu dùng nhưng lại vắng mặt hàng VNCLC. Tại sao hàng VNCLC chưa thể bén duyên với chợ truyền thống khi cả hai đều có đầy đủ các yếu tố thuận lợi trên? Giải quyết được bài toán này sẽ giúp cho kênh phân phối hàng VNCLC phong phú hơn, đồng thời giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm chất lượng.

TIN LIÊN QUAN


Theo thống kê của Sở Công thương, Quảng Ngãi hiện có trên 150 chợ và 2 siêu thị. Nếu như việc người tiêu dùng mua được sản phẩm "gắn" mác hàng VNCLC tại các siêu thị là chuyện quá dễ dàng, thì tại chợ truyền thống điều này là khá vất vả. Có một thực tế đáng phải suy nghĩ là, phần lớn hàng VNCLC tại chợ đều bị làm giả.

CHỢ TRUYỀN THỐNG KHÓ "CHỐNG" HÀNG GIẢ

Chợ truyền thống phân bổ rộng khắp trên địa bàn 14 huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây, mọi hoạt động buôn bán của người dân diễn ra rất sôi nổi. Nhiều nơi chợ là kênh phân phối hàng hóa chủ yếu cho người dân, nhất là người dân sống ở nông thôn, miền núi. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các chợ trung tâm huyện như: Chợ Châu Ổ (Bình Sơn), chợ Đồng Cát (Mộ Đức), chợ Thu Lộ, Nghĩa Lộ (TP Quảng Ngãi)... hầu như thiếu vắng hàng VNCLC, đặc biệt là quần áo.

Trong khi đó, các chợ này lại đang là mảnh đất màu mỡ của hàng giả, hàng nhái. Tất cả các thương hiệu, từ có tên tuổi đến các sản phẩm có đăng ký như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, văn hóa phẩm giả được sản xuất tinh vi, hình dáng rất giống hàng thật. Nhiều hàng VNCLC của các công ty may mặc có uy tín như Việt Tiến, Việt Thắng; các sản phẩm để làm "đẹp" như Kềm Nghĩa, nước hoa Sài Gòn... là những thương hiệu bị nhái rất nhiều. Đến các chợ này, không khó lắm để tìm mua sản phẩm nhái các nhãn hiệu trên với giá chỉ bằng một nửa so với giá của sản phẩm thật.

Người tiêu dùng ở huyện miền núi Ba Tơ chọn mua hàng VNCLC do Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi bày bán theo chương trình
Người tiêu dùng ở huyện miền núi Ba Tơ chọn mua hàng VNCLC do Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi bày bán theo chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn".


Sự nhập nhằng giữa hàng thật và hàng giả cũng không khiến người tiêu dùng bận tâm. Người mua sắm ở chợ cho rằng, điều khiến họ quan tâm không phải là chất lượng hàng hóa ra sao, thương hiệu nào mà chủ yếu giá cả phải... rẻ. Và dường như, các thương hiệu có uy tín cũng đành chấp nhận sống chung với hàng giả.

Như lời ông Trần Chấn Diệp- Giám đốc Sở KHCN, thành viên Ban Chỉ đạo 127 tỉnh thì, doanh nghiệp rất ngại thông tin chuyện hàng hóa của mình đã bị làm giả. Vì như thế, khác nào thừa nhận mua hàng của họ rất có thể mua phải... hàng giả. Doanh nghiệp mất rất nhiều tiền cho việc đăng ký kinh doanh, xây dựng hình ảnh sản phẩm, thương hiệu công ty và khó khăn hơn cả là vào được siêu thị. Vậy mà, tên tuổi vừa được biết đến thì ngay lập tức bị làm giả tràn lan gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.

ĐỂ HÀNG VNCLC BÉN DUYÊN VỚI CHỢ TRUYỀN THỐNG

Lý giải việc nhiều loại hàng hóa tại các chợ truyền thống là hàng giả, ông Nguyễn An - Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Nguyên nhân chính là có nhiều doanh nghiệp buôn bán không đàng hoàng, sản xuất những mặt hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có tâm lý sống chung với hàng giả, phó mặc cho cơ quan chức năng; đồng thời cố gắng duy trì kênh phân phối chính thức của mình như tại hệ thống các siêu thị hoặc đại lý phân phối trực tiếp.

Theo đại diện siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi, hiện siêu thị bày bán khoảng 95% hàng hóa là hàng Việt. Còn tỷ lệ này ở chợ truyền thống chưa đến 50%. Tại sao kênh phân phối truyền thống với trên 150 chợ lớn, nhỏ ở Quảng Ngãi, chiếm gần 70% thị phần bán lẻ, lại bị hầu hết các doanh nghiệp hàng VNCLC thờ ơ? Nhiều doanh nghiệp lập luận, họ chấp nhận giảm sản lượng, chỉ sản xuất theo đơn hàng ở siêu thị chứ không đưa hàng vào chợ, vì doanh nghiệp không thể để sản phẩm của mình mang tiếng là hàng... chợ. Sản phẩm khi vào siêu thị thì mặc nhiên sản phẩm đó đã có chứng chỉ an toàn về chất lượng và uy tín. Còn nếu đưa hàng vào chợ cũng đồng nghĩa với việc tự hạ đẳng cấp sản phẩm của mình. Hơn nữa, hàng VNCLC có phân khúc thị trường riêng, nếu xác định sai phân khúc tiêu thụ thì doanh nghiệp sẽ dễ gặp thất bại.

Ông Nguyễn An cho biết: Doanh nghiệp không muốn đưa hàng vào chợ có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân lớn nhất chính là chợ truyền thống chưa đáp ứng nhu cầu cần thiết của một kênh phân phối khi điều kiện cơ sở vật chất chưa cao, thiếu thẩm mỹ trình bày hàng hóa, không ổn định về giá. Nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên ngành, sự hợp tác của doanh nghiệp và tiểu thương, việc nâng cấp và biến chợ truyền thống thành một kênh phân phối uy tín đối với hàng Việt thì sẽ đạt hiệu quả lớn. Bởi nếu bỏ qua kênh phân phối truyền thống này, không chỉ hàng VNCLC bị thiệt thòi, mà phần đông người tiêu dùng cũng cảm thấy bị "bỏ rơi".


Bài, ảnh: ĐÌNH NGUYÊN
 


.