Tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ

03:03, 11/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Không may bị khuyết tật ở chân, gia cảnh lại nghèo khó, nhưng bà Nguyễn Thị Giáo, ở thôn Tú Sơn, xã Đức Lân (Mộ Đức), đã vượt lên số phận, mở thành công một xưởng may gia công tại nhà. Chẳng những tự tạo việc làm cho chính mình, người phụ nữ 58 tuổi giàu nghị lực này còn dang rộng vòng tay nhận những phụ nữ cùng cảnh ngộ vào làm việc.
30 năm bươn chải nơi đất khách
 
Mới 2 tuổi đã bị teo chân phải sau một cơn bạo bệnh, bà Nguyễn Thị Giáo lớn lên với sự tự ti, mặc cảm vì đi đứng không được bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Đến năm 30 tuổi, sau nhiều năm vẫn không tìm được một công việc ổn định ở quê nhà, bà quyết định rời quê hương vào TP.Hồ Chí Minh kiếm việc.
 
“Lúc ấy nhà ba má tôi đông con, lại nghèo khổ quá, nên tôi đi thành phố với hy vọng kiếm được một chỗ may có mức lương ổn định, để có thể gửi tiền về đỡ đần ba má, chứ không mong gì hơn”, bà Giáo tâm sự. 
Xưởng may gia công của bà Nguyễn Thị Giáo đã trở thành mái nhà chung của nhiều thợ may khuyết tật ở huyện Mộ Đức.
Xưởng may gia công của bà Nguyễn Thị Giáo đã trở thành mái nhà chung của nhiều thợ may khuyết tật ở huyện Mộ Đức.
Đặt chân đến TP.Hồ Chí Minh với hai bàn tay trắng, tài sản mang theo chẳng có gì ngoài nghề may trong tay, cô gái bị teo chân khi ấy đã nhẫn nại gõ cửa từng công ty may để xin việc, nhưng lần lượt bị chối từ. “Các công ty may ngày ấy yêu cầu khi vào chỗ may thì không được mang dép, nhưng chân phải của tôi bị teo, lúc nào cũng phải xỏ dép mới đi đứng được. Thế nên, chuyện xin việc ở các công ty may vừa manh nha đã thất bại”, bà Giáo cười buồn nhớ lại.
 
Xin việc ở các công ty không thành, bà Giáo tìm về xóm Nhà Cháy ở quận Tân Bình theo lời mách nước của đồng hương người Quảng ở TP.Hồ Chí Minh, để xin may tại các xưởng may gia công do người Quảng Ngãi mở. May mắn đã mỉm cười với người phụ nữ khuyết tật đầy nghị lực, khi bà được một người chủ xưởng may quê ở huyện Bình Sơn nhận vào làm. Những ngày tháng sống xa quê của bà Giáo từ đó gắn chặt với đường kim mũi chỉ.
 
Gần 30 năm sống bằng nghề may nơi đất khách quê người, người phụ nữ khuyết tật ấy đã nếm trải bao khó khăn, vất vả. Đó là những ngày chủ xưởng chậm trả lương, bà phải tằn tiện chia đôi một gói mì tôm ra làm hai bữa trưa và tối. Là những tháng năm bà phải ở trọ trong những căn nhà tập thể, chỗ thuê chỉ vừa đủ trải chiếc chiếu nằm ngả lưng để dành dụm tiền gửi về cho gia đình; rồi hằng ngày khó nhọc dùng đôi chân tật nguyền đạp xe đạp đến chỗ may.
 
Bao phen ốm đau, gặp tai nạn gãy tay, bà vừa phải chạy vạy khắp nơi để vay mượn tiền phẫu thuật cứu lấy đôi tay mình, vừa một thân một mình tự chăm sóc bản thân... Những cơ cực ấy, người bình thường không dễ dàng vượt qua, vậy mà bà Giáo đã một mình bươn chải, nhẫn nại bước qua hết thảy. Để rồi đến đầu năm 2019, sau gần ba thập kỷ ly hương và tích cóp được một số vốn, bà Giáo về lại quê nhà xây cho người cha nay đã bước qua tuổi 92 của mình một ngôi nhà cấp 4 khang trang, rồi tự mở cho mình một xưởng may gia công tại nhà.
 
“Chị Nguyễn Thị Giáo là một trong những tấm gương phụ nữ khuyết tật tiêu biểu của tỉnh. Bằng nghị lực và tấm lòng nhân ái của mình, chị đã mở được xưởng may gia công với trang thiết bị hiện đại, quy mô; tạo được việc làm cho bản thân và cho nhiều phụ nữ khuyết tật khác”.
 
Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh PHAN THÀNH CHUNG
Dựng "mái nhà chung" cho người khuyết tật
 
Nhìn 11 máy may công nghiệp và các máy vắt sổ... với tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu đồng đang hoạt động hết công suất tại nhà mình, bà Nguyễn Thị Giáo nói trong hạnh phúc: “Thoạt đầu, tôi chỉ nhận hàng từ TP.Hồ Chí Minh về may một mình tại nhà. Dần dà, khi các chị em phụ nữ trong thôn đến hỏi may, tôi có thêm động lực và mạnh dạn sắm thêm máy may về, rồi mở xưởng. Xưởng may này chính là kết quả của nỗ lực vượt lên sự tự ti, nhút nhát của bản thân tôi bấy lâu”.
 
Không chỉ mở xưởng may để tạo việc làm cho bản thân, bà Giáo còn dang rộng vòng tay nhận và hướng dẫn những phụ nữ khuyết tật như mình vào làm việc. Xưởng may gia công của bà Giáo có tổng cộng 10 thợ may, thì đã có 4 người là phụ nữ khuyết tật.
 
Chia sẻ niềm vui khi có một công việc ổn định, chị Lê Thị Cửu, ở xã Đức Tân (Mộ Đức) vui mừng bảo: “Phụ nữ khuyết tật chúng tôi luôn gặp nhiều rào cản, khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Vậy nên, khi được một đàn chị cùng chung cảnh ngộ nhận vào làm, rồi hướng dẫn, dìu dắt, tôi cảm thấy rất ấm lòng. Và trên hết, là tôi có được nguồn thu nhập ổn định từ 1 - 3 triệu đồng mỗi tháng, tùy thuộc vào sản phẩm mà mình may được”.
 
Khuyết tật, nhưng không khuyết quyết tâm, bà Nguyễn Thị Giáo không chỉ vượt lên nghịch cảnh của cuộc đời mình, mà còn đồng cảm, sẵn sàng hỗ trợ những phụ nữ kém may mắn khác. Các chị em phụ nữ khuyết tật xem xưởng may của bà Giáo không đơn thuần chỉ là nơi làm việc, mà còn là nơi để mọi người sẻ chia cùng nhau bao chuyện vui buồn. Mọi người bảo, họ xem bà Giáo là tấm gương sáng, là động lực để mỗi người bớt tự ti, mặc cảm và mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống.
 
Không muốn người khác khổ như mình
 
Bà Nguyễn Thị Giáo mộc mạc chia sẻ: “Ngày xưa, khi đi may thuê ở TP.Hồ Chí Minh, ngoài may tại xưởng may gia công, tôi còn chịu khó nhận thêm hàng bên ngoài về nhà trọ may buổi tối. Có lúc, tôi phải may xuyên đêm cả tháng trời để kịp giao hàng. Vậy mà nhận được hàng xong, người ta bỏ đi mất dạng, không trả cho tôi một đồng nào. Khổ cực, uất ức nếm đủ rồi, nên tôi ưu tiên nhận các chị em đồng cảnh ngộ vào may là vì muốn các chị em có một công việc để làm, có một nơi để tin tưởng, chứ không muốn thấy người khác phải khổ cực như mình”.

 

Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 
 
 
 

.