Không nên đổ xô mua đồ tích trữ phòng dịch Covid-19

05:03, 08/03/2020
.
(Baoquangngai.vn) - Hai ngày qua, khi Việt Nam ghi nhận thêm 4 trường hợp nhiễm Covid-19, nhiều người đã đổ xô đi mua gạo, mì tôm, thực phẩm đóng hộp… về tích trữ.
Hãy nhấn vào đường link bên dưới để tải ứng dụng Báo Quảng Ngãi trên Google Play và App Store.
 
Gạo, mì tôm, đồ đóng hộp đắt hàng

Khảo sát tại các đại lý, cửa hàng kinh doanh mặt hàng này, hầu như khách hàng nào tới mua gạo cũng mua thêm vài thùng mì tôm.

Tại đại lý gạo Nguyễn Thịnh, ở đường Nguyễn Du (TP. Quảng Ngãi), hai ngày qua, cửa hàng đắt khách đến mức chủ cửa hàng và người làm công không có thời gian ăn trưa. Lượng khách hàng tăng lên 1,5 lần, số lượng hàng mua tăng từ 3 - 5 lần ngày thường.
 
Mặt hàng gạo đắt khách.
Các đại lý gạo nhộn nhịp khách hàng.
 
Chỉ trong ngày 7.3, cửa hàng đã bán được hơn 20 tấn gạo. Bình thường một khách hàng mua 15 - 20kg gạo dùng đủ cho gia đình trong một tháng thì qua nay nhiều người tới mua từ 50kg đến 3 tạ tích trữ.

“Mình là đảng viên, có ý thức giải thích với mọi người là dịch bệnh đang được Nhà nước kiểm soát tốt, hàng hóa dồi dào, giá bình ổn, người dân cần bình tĩnh, không nên lo lắng mua đồ tích trữ, nhưng nhiều người không nghe. Họ mua nhiều mà mình phát cáu” - ông Nguyễn Thịnh chủ cửa hàng nói.

Tại nhà phân phối mì tôm, thực phẩm đóng hộp Tuấn Huyền, ở đường Lê Đình Cẩn (TP.Quảng Ngãi) ngoài lượng khách hàng là đại lý mua sỉ về bán lẻ thì lượng khách hàng mua lẻ cũng tăng đột biến. Đây là những mặt hàng có hạn sử dụng đến 3 năm.

Ông Trần Thanh Tuấn, chủ cửa hàng kể: Ngày thường lượng hàng bán ra từ 700 - 800 thùng, qua nay tăng lên 1.000 - 1.200 thùng. Nhiều khách hàng mua lẻ từ 2 - 3 thùng về tích trữ trong nhà thay vì mua 1 thùng như trước.
 
a
Các mặt hàng thực phẩm đóng hộp cũng đắt khách.


Tại siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi, lượng khách hàng cũng tăng đột biến. Mặt hàng bán chạy nhất là thực phẩm dự trữ như mì tôm, gạo, đồ hộp, gia vị. Mỗi ngày, siêu thị đã bán ra gần 1.000 thùng mì tôm các loại.

Đẩy xe đầy ắp thực phẩm đóng hộp, mì tôm trong Siêu thị Co.op Mart, chị Minh Xuyên, một khách hàng ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) chia sẻ: “Mấy nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, tôi thấy hoang mang. Thấy hàng xóm đổ xô đi mua mì tôm, thịt, cá đóng hộp về dự trữ mình cũng xuống siêu thị mua cho đầy đủ về dự trữ”.

Đảm bảo đủ nguồn cung trong mọi tình huống

Trước sức mua tăng đột biến ở nhóm hàng thực phẩm dự trữ, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi Lê Hồng Ca khuyến cáo: Người dân không nên quá lo lắng, không cần thiết phải mua quá nhiều thực phẩm dự phòng, chỉ nên mua đủ sử dụng.

Siêu thị đảm bảo đủ nguồn cung cho khách hàng. Hàng hóa được nhập về hằng ngày, một số mặt hàng được cung ứng từ các nhà cung cấp ở khu vực miền Trung nên hàng tăng cường rất nhanh chóng, giá cả ổn định cùng với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá.
 
Không nên mua thực phẩm tích trữ.
Người dân không hoang mang mua thực phẩm tích trữ quá nhiều.
 
Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Võ Minh Tâm cho biết: Sau khi phát hiện ca 5 ca nhiễm Covid-19 liên tiếp làm cho tâm lý người dân có dao động. Một số người bị các thông tin không chính thống trên môi trường mạng và hiệu ứng đám đông, phản ứng dây chuyền đã tìm mua thực phẩm để dự trữ.

Lực lượng QLTT đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng làm việc với các ban quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các hộ kinh doanh nắm bắt tình hình.

Đồng thời kiểm tra niêm yết giá bán, không để xảy ra các hành vi lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng hóa trên thị trường để gom hàng hoặc lợi dung dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng.

“Qua làm việc với các đơn vị, lượng hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại và doanh nghiệp đầu mối đảm bảo nguồn cung phục vụ nhân dân trong mọi tình huống. Người dân không nên hoang mang, không đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ” - ông Tâm nói.
 
Bài, ảnh: A.KIỀU

.