Bước chuyển trong xây dựng nông thôn mới vùng cao

09:03, 29/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- So với đồng bằng, các địa phương ở miền núi gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, một phần vì điều kiện kinh tế và nhận thức của người dân còn thấp. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân vùng cao đã thay đổi cách nhìn nhận, hiến đất, góp sức xây dựng quê hương.

TIN LIÊN QUAN

Theo các già làng ở xã Sơn Tinh (Sơn Tây), trước đây, theo tập tục của đồng bào vùng cao, việc mai táng cho người qua đời tiện nơi nào thì chôn cất ở đó. Hiện nay, cán bộ xã vận động việc chôn cất phải tập trung để sau này không ảnh hưởng đến thi công, xây dựng các công trình trên địa bàn. Vì thế, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng, ngay cả người lớn tuổi như ông Đinh Văn Dộc, thôn Xà Ruông, cũng đã hiến đất lúa để làm nghĩa trang của xã.

Còn ông Đinh Văn Péo, thì đã hiến một sào đất ở gần đó. “Nhà nước đầu tư, người dân mình không đồng lòng thì công trình không triển khai được. Số vốn đó chuyển đến địa phương khác, người dân mình thiệt thòi thôi. Mỗi người đóng góp một ít sẽ làm nên việc lớn”, ông Péo nói.

Đường từ cầu Xà Ruông đi xóm Ông Diêm, ở xã Sơn Tinh (Sơn Tây) được mở rộng do người dân hiến đất.
Đường từ cầu Xà Ruông đi xóm Ông Diêm, ở xã Sơn Tinh (Sơn Tây) được mở rộng do người dân hiến đất.


Ở thôn Xà Ruông, nhiều đồng bào Ca Dong đã tích cực hiến đất để xây dựng các công trình, như hộ ông Đinh Văn Lý hiến 8.000m2 đất sản xuất để làm khu xử lý rác thải. Con đường từ cầu Xà Ruông qua xóm Ông Diêm đến nay đã bê tông được khoảng một cây số. Trước đây chỉ là con đường đất nhỏ, nhưng ông Đinh Văn Hía đã hiến đất để mở rộng đường, tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển hàng hóa, nông sản dễ dàng hơn.

Phong trào hiến đất làm đường ở vùng cao ngày càng lan tỏa ở nhiều địa phương. Ban đầu đồng bào chưa hiểu ý nghĩa, cho rằng làm đường, trường, trạm là việc của nhà nước. Nhưng sau này được cán bộ tuyên truyền, vận động, người dân đã dần thay đổi nhận thức. Bởi họ hiểu, chính họ là người được hưởng lợi trước tiên, nên họ là những người tiên phong đóng góp và vận động các hộ dân khác.

Đến nay, với nhiều địa phương vùng cao, giao thông được đầu tư giúp việc đi lại dễ dàng, kinh tế - xã hội phát triển. Đồng thời phát huy vai trò chủ thể của người dân, góp phần thiết thực vào phong trào xây dựng nông thôn mới.

Sơn Tinh là một trong những xã vùng sâu vùng xa, đi lại cách trở, nhưng đã đạt 12 tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh Phạm Như Tuấn cho biết: So với đồng bằng, người dân vùng cao không có điều kiện để đóng góp tiền, chủ yếu phát huy sức dân từ những điều kiện sẵn có. Nhiều hộ dân đã hiến đất, góp công làm đường, xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn xã, góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng cao ngày càng khang trang hơn.


Bài, ảnh: HUỲNH THẢO



 


.