Hiểm họa từ đường ngang dân sinh

08:02, 28/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có 130 đường ngang dân sinh qua đường sắt, trong đó có 41 đường ngang hợp lệ, còn lại 89 đường chưa đảm bảo an toàn. Vì thế, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt thương tâm.

TIN LIÊN QUAN


Cuối tháng 1.2018, một vụ tai nạn giữa tàu hỏa số hiệu D114339 và người điều khiển xe máy xảy ra tại km 920 + 300 tuyến đường sắt Bắc - Nam có đường ngang dân sinh cắt ngang thuộc thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên (Bình Sơn), khiến người điều khiển xe máy biển kiểm soát 76C1 - 26597 là bà Hồ Thị Loan (43 tuổi, trú ở huyện Phù Mỹ, Bình Định) tử vong. Đường ngang dân sinh này dẫn vào thôn Trì Bình.

"Điểm đen" giao thông đường sắt

Thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên có hơn 500 hộ dân sinh sống. Hằng ngày, để ra được đường chính, người dân trong và ngoài thôn chỉ có thể đi qua tuyến đường ngang duy nhất này. Tuyến đường này có độ dốc khá cao. Bên cạnh đó, tuyến đường Trì Bình-Dung Quất đang thi công, nên xe tải qua lại rất nhiều, khiến mặt đường lầy lội, gập ghềnh, ảnh hưởng rất lớn đối với các phương tiện tham gia giao thông.

Đường vào thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên (Bình Sơn) là điểm đen về tai nạn giao thông đường sắt.
Đường vào thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên (Bình Sơn) là điểm đen về tai nạn giao thông đường sắt.

Ông Nguyễn Đình Đỉnh (55 tuổi) ở thôn Trì Bình, cho biết: "Cuối năm trước, tại đường ngang dân sinh này cũng xảy ra tai nạn giữa tàu hỏa với nam thanh niên ở trong thôn khi đang điều khiển xe máy băng qua đường, khiến nam thanh niên tử vong tại chỗ. Chúng tôi đã nhiều năm kiến nghị, bố trí gác chắn và còi báo hiệu để tránh tai nạn, nhưng ngành chức năng vẫn chưa thực hiện nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm".

Đường ngang dân sinh ở thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh (Đức Phổ) cũng là một trong những điểm đen về tai nạn giao thông đường sắt. Giữa tháng 10.2017, tại đoạn đường sắt thuộc km 983 + 450 đi qua thôn Diên Trường đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt khiến ông Nguyễn Đức Lưu (62 tuổi), ở thôn Diên Trường điều khiển xe máy mang biển kiểm soát 76HB - 1458 băng qua đường bị tàu SE4 chạy hướng Nam - Bắc tông, khiến ông Lưu tử vong tại chỗ. Tại tuyến đường ngang dân sinh này không có rào chắn, đèn tín hiệu, còi báo hiệu giao thông mà chỉ có biển cảnh báo nguy hiểm.

Cần sự phối hợp của toàn xã hội

Tai nạn giao thông đường sắt tại các điểm đường ngang dân sinh, là một thực trạng rất đáng lo ngại hiện nay. Theo Phó Giám đốc Chi nhánh Khai thác Đường sắt Nghĩa Bình Nguyễn Thanh Sang, tai nạn đường sắt thường xảy ra tại các điểm giao nhau giữa đường sắt với đường bộ (đường ngang dân sinh hay còn gọi là lối đi tự mở). Nguyên nhân xảy ra tai nạn là do người tham gia giao thông không chú ý, quan sát kỹ biển báo tàu hỏa; khoảng cách hành lang giữa đường bộ và đường sắt quá gần (theo quy định khoảng cách đảm bảo an toàn là 15m). Do vậy, một số người tham gia giao thông tranh thủ chạy qua khi tàu đang đến gần.

"Để giảm thiểu tai nạn đường sắt, ngành đường sắt cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đã ban hành các quy định đối với người lái tàu, chẳng hạn như giảm tốc độ và tích cực kéo còi tàu khi đến gần các đường ngang dân sinh. Tuy nhiên, để chấm dứt tai nạn giao thông đường sắt thì cần phải có sự phối hợp giữa ngành đường sắt với chính quyền địa phương và người dân cũng cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông", ông  Sang cho biết.

Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Phạm Văn Thanh, bày tỏ lo ngại: Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra rất nghiêm trọng. Năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra ba vụ tai nạn giao thông đường sắt. Trước tình hình đó, Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với 27 địa phương có đường sắt chạy qua, tổ chức tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông qua đường sắt. Đồng thời, gắn thêm biển báo hiệu "Chú ý tàu hỏa" ở các đường ngang dân sinh; nghiêm cấm người dân tự ý mở các lối đi qua đường sắt. Cũng theo ông Thanh, để chấm dứt tai nạn đường sắt thì cần xóa bỏ đường ngang dân sinh, hình thành các tuyến đường có rào chắn an toàn.


Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG

 


.