Vụ phá rừng phòng hộ ở xã Ba Liên (Ba Tơ): Sẽ xử lý nghiêm đối tượng phá rừng

08:10, 23/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước thực trạng rừng phòng hộ đầu nguồn ở xã Ba Liên (Ba Tơ) bị tàn phá mà báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để xử lý nghiêm đối tượng phá rừng.

TIN LIÊN QUAN

Cùng với đó, huyện tăng cường đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, tìm sinh kế lâu dài cho người dân Ba Liên và  nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh.

Không để vụ việc kéo dài

Trên thực tế, việc phá rừng phòng hộ không chỉ ở Tiểu khu 366, mà tại Tiểu khu 370, 385 cũng đã xảy ra tình trạng phá rừng phòng hộ.

Các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm đối tượng phá rừng, cũng như tìm biện pháp tạo sinh kế lâu dài cho người dân thiếu đất sản xuất.
Các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm đối tượng phá rừng, cũng như tìm biện pháp tạo sinh kế lâu dài cho người dân thiếu đất sản xuất.


Theo đó, tại Tiểu khu 370, cơ quan chức năng phát hiện 3 vị trí có rừng phòng hộ bị phá, với tổng diện tích  11.745m2. Vụ việc được BQL rừng phòng hộ khu Đông phát hiện vào ngày 8.9, sau đó đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Ba Tơ, UBND xã Ba Liên tổ chức bắt giữ. Tuy nhiên, đối tượng phá rừng manh động, chống đối quyết liệt, nên không bắt được.

Về vụ việc này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Huỳnh Thương đã có kết luận, giao trách nhiệm xử lý cho từng cơ quan là BQL rừng phòng hộ khu Đông, UBND xã Ba Liên... đồng thời đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo BQL rừng phòng hộ khu Đông tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên thẩm quyền được giao, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để dẫn đến mất rừng; tiếp tục phối hợp, hướng dẫn địa phương trong quá trình xử lý các vi phạm, không để kéo dài, gây mất trật tự trên địa bàn huyện.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi Nguyễn Đại, cho biết: "Về tình trạng phá rừng phòng hộ ở xã Ba Liên, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành điều tra. Theo báo cáo của BQL rừng phòng hộ khu Đông, tại vị trí bị phá thuộc Tiểu khu 366 lô 30, khoảnh 5 và lô 7, khoảnh 6, trữ lượng gỗ bị thiệt hại trên 43m3, gỗ nhóm V-VIII. Chúng tôi đang tiến hành đo đếm hiện trường, lập hồ sơ, sau đó sẽ chuyển qua cơ quan điều tra xử lý hình sự. Còn tại vị trí thứ 2 thuộc lô 6, khoảnh 7, trữ lượng gỗ bị thiệt hại là 13m3, hiện đang điều tra xác minh đối tượng và sẽ xử lý hành chính. Việc ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, phá rừng phòng hộ để trồng keo ở Ba Liên nói riêng và ở nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh nói chung được UBND tỉnh chỉ đạo xử lý rất quyết liệt".

Tạo sinh kế lâu dài cho dân

Thực tế, diện tích đất rừng sản xuất ở xã Ba Liên chỉ có trên 405ha (số liệu 2016), chiếm 14% so với diện tích đất rừng phòng hộ là 2.889ha (số liệu 2016). Vì thiếu đất sản xuất, nên dẫn đến tình trạng người dân phá rừng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Huỳnh Thương, cho biết: "Huyện đã đối thoại với người dân xã Ba Liên để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con. Đồng thời, chúng tôi cũng giải thích những thắc mắc mà người dân đề cập. Từ đó mới đưa ra những biện pháp giữ rừng hiệu quả, cũng như tạo sinh kế lâu dài cho họ. Hiện nay, huyện đang phối hợp với Sở NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, rà soát lại diện tích đất sản xuất trước kia của người dân đã nhường cho việc quy hoạch rừng phòng hộ là bao nhiêu, của hộ nào, từ đó sẽ có những giải pháp bền vững hơn".

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi Nguyễn Đại cho hay, cơ quan chức năng sẽ rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất với diện tích khoảng 18.000ha, sau đó sẽ giao lại cho các địa phương cấp cho dân, nhằm giúp họ có đất sản xuất. Trong đó, ưu tiên cho các hộ dân thiếu đất. Việc chuyển đổi này thực hiện trên quy mô toàn tỉnh, dự kiến đến giữa năm 2018 mới hoàn thành. Song song với đó là điều chỉnh lại hồ sơ giao rừng cho các ban quản lý làm rõ trên thực địa và hồ sơ.

Để phân biệt được giữa quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất, UBND tỉnh cũng giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm thí điểm mô hình trồng vành đai cây xanh, nhằm phân định ranh giới giữa rừng phòng hộ và sản xuất thay thế cho cọc mốc bê tông.


 Bài, ảnh: NGỌC VIÊN

 


.