Những hệ lụy đáng buồn từ… rượu ở vùng cao

10:12, 30/12/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Rượu đã, đang trở thành “kẻ sát nhân” đáng sợ ở các huyện vùng cao. Nó vô hình trung biến đồng bào thành những con nghiện không có lối thoát.
 
Chết vì… rượu!
 
Câu chuyện ấy chẳng xa lạ gì với người dân ở vùng sâu vùng xa. Mới đây nhất, cái chết tức tưởi của nạn nhân Phạm Thị Hương (58 tuổi) trú thôn Vẩy Ốc, xã Ba Khâm (Ba Tơ) làm rúng động cả khu dân cư nghèo. Nguyên nhân gián tiếp vẫn là... rượu.

Theo điều tra ban đầu từ phía cơ quan chức năng, vào tối ngày 20.11, bà Hương cùng các đối tượng trai tráng tổ chức uống rượu tại nhà anh Phạm Văn Bút (23 tuổi) ngụ tại thôn nước Giáp. Khi men say ngấm vào người, bà Hương ngủ thiếp đi. Lợi dụng nạn nhân mất kiểm soát, nhóm thanh niên kéo lê bà Hương xuống chân cầu thang rồi thượng cẳng tay, hạ cẳng chân vào người bà. Sau đó, bọn chúng thản nhiên bỏ về nhà. Tận sáng hôm sau, nghi có điều chẳng lành, gia đình vội đi kiếm, phát hiện và đưa bà Hương về nhà. Vài giờ sau thì bà tử vong.

Từ sự việc này, đã có nhiều luồng dư luận trái chiều đưa ra. Số thì trách mắng nhóm thanh niên, số thì cười chê bà Hương. Họ cho rằng, nếu người phụ nữ xấu số ấy biết lượng sức mình, không uống rượu và lo về với gia đình thì đâu xảy ra kết cục buồn đến vậy.

Rượu đang dần trở thành thức uống không thể thiếu của người dân vùng cao.
Rượu đang dần trở thành thức uống không thể thiếu của người dân vùng cao.
 
Trường hợp khác là bà Phạm Thị Min (50 tuổi), trú xã Ba Xa. Bà nổi tiếng cả làng không phải vì nhan sắc hay tài giỏi, mà được mệnh danh là Min "quậy", Min "rượu". Chỉ cần có chút men là người đàn bà này đến nhà hàng xóm gây sự. Chính quyền địa phương đã nhiều lần khuyên răn, động viên nhưng bà vẫn chứng nào tật ấy. 
 
"Tức nước vỡ bờ", thấy vợ mình suốt ngày cứ là ngà vì rượu, chồng bà Min bực tức trong người. Một hôm, ông chồng sang gọi vợ về thì hai bên lời qua tiếng lại, kết quả vị hôn phu bị bà Min rút dao đâm chết. Bây giờ, ngồi trong song sắt bà Min cảm thấy ân hận vô cùng. Nỗi nhớ chồng con, bản làng cứ day dứt khôn nguôi.
 
14 năm tù là phù hợp với những gì mà bà gây ra cho chồng mình. Nhưng tội ác lương tâm thì suốt đời chẳng thể xóa nhòa. Ngày hoàn lương như chẳng còn kịp với người phụ nữ đã đi hết nửa cuộc đời. Tất cả cũng chỉ vì nhận thức kém về tác hại mà rượu gây ra.
 
Ông Trần Trung Triết- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết: “Cái chết của bà Hương là một trong những trường hợp thương tâm gần nhất xảy ra trên địa bàn huyện trong những năm gần đây, mà nguyên nhân sâu xa chủ yếu xuất phát từ rượu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, kìm hãm đến công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Từ những vụ án như thế này, địa phương xác định đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân, làm sao vừa lưu giữ được những giá trị truyền thống, vừa hạn chế được tình trạng say xỉn của đồng bào”.
         
Vui cũng uống, buồn cũng uống
 
Có mặt vùng cao Tây Trà vào mùa lễ hội, chúng tôi mới thấy được cảnh đồng bào "nghiện" rượu là như thế nào. Rượu cần cho đến rượu gạo bày la liệt, kèm theo đồ nhấm là ít thịt bò, thịt trâu nuôi được. Cứ vậy, từ đàn ông cho đến đàn bà, chụm lại uống cả ngày lẫn đêm, thậm chí kéo dài gần cả tuần lễ. Chuyện lên nương, lên rẫy tạm lãng quên.

Nếu như trước đây, bà con chỉ biết đến rượu cần thì nay đường xá thuận tiện, miền ngược miền xuôi chỉ cách nhau vài giờ đồng hồ chạy xe máy. Rượu gạo của người Kinh đã xâm nhập và dần chiếm thế độc tôn thay cho rượu cần qua hình thức mua bán, trao đổi.

“Tình trạng uống rượu gạo từ miền xuôi mang lên lây lan rất nhanh ở cộng đồng vùng cao. Ở một số bản làng, từ già đến trẻ, đàn ông hay phụ nữ, ai cũng uống rượu”, anh Hồ Văn Lập- Phó Chủ tịch UBND xã Trà Phong, bày tỏ.

 

Ép rượu trong lễ hội đâm trâu của người Cor.
Ép rượu trong lễ hội đâm trâu của người Cor.
 
Vui tìm đến rượu đã đành. Khi gặp chuyện buồn thì bà con vùng cao lại càng tìm đến rượu nhiều hơn với lý do "giải sầu". Điển hình như trường hợp của một gia đình ở xã Trà Khê (Tây Trà). Vịn cớ thương nhớ người vợ trẻ yểu mệnh chết sớm, sau khi an táng xong, anh H.V.T cùng hàng xóm tụ tập, tìm đến “ma men” trút bầu tâm sự. Ngồi cùng bàn còn có những phụ nữ trạc tuổi vợ anh. Họ đồng thanh hô hào cạn ly y thể những cánh mày râu thực thụ.
 
Bà H.T.L, 70 tuổi, thôn Trà Niu, xã Trà Khê, một người hàng xóm anh T cho hay: “Gia đình mình khó khăn, nương rẫy không có nhiều, ai thuê gì làm nấy. Lúc rãnh rỗi không biết làm gì thì mình tìm đến rượu thôi. Vợ anh T mất, chúng tôi tới uống để chia buồn cùng anh. Cứ uống, không có tiền thì ký sổ, chừng nào thu hoạch lúa thì đem lúa ra đổi cho chủ quán”.
 
Chính vì một số lao động chính trong gia đình nghiện rượu, lười lao động nên dẫn đến cảnh đói nghèo triền miên, con cái thiếu ăn, thiếu mặc, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai người còn lại. Cùng với đó kéo theo nhiều hệ lụy đáng buồn khác.
 
Bà Hồ Thị Hưng- Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Tây Trà, chia sẻ: “Chỉ trong vòng đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra gần 10 vụ hòa giải nghiêm trọng, phần lớn do trong gia đình có người uống rượu, chè chén. Đó là chưa kể nhiều trường hợp từ cơ sở chưa kịp thống kê".
 
Những cái chết thương tâm xảy ra ở vùng cao thời gian qua là hậu quả trước mắt mà rượu mang lại. Sức khỏe giảm sút, vấn nạn bạo lực gia đình, tình hình an ninh trật tự ở vùng cao, tai nạn giao thông… ngày càng diễn biến phức tạp, xa hơn nữa cái vòng lẩn quẩn đói nghèo vẫn cứ bám riết lấy người dân, chính là thực trạng đáng báo động hiện nay ở vùng cao.
 
 Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.