Chủ động trước mùa bão, lũ

02:09, 06/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đối với các địa phương ven sông, ven biển có nguy cơ sạt lở, việc chủ động phòng chống bão lũ, sạt lở luôn được người dân đặt lên hàng đầu. Tại các xã Tịnh Kỳ, Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), thời gian qua chính quyền địa phương và người dân đã ra sức làm bờ bao, bờ kè để hạn chế tình trạng sạt lở ở các vùng ven sông, ven biển.

TIN LIÊN QUAN


Những ngày này, ông Đoàn Văn Hoạt và đông đảo bà con ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đang ra sức dùng đất, đá để kè chống đoạn bờ biển có nguy cơ sạt lở trước nhà. Theo ông Hoạt thì năm nào cũng vậy, cứ trước mùa mưa vài tháng là bà con lại tìm những nơi có đá lớn rồi vận chuyển về, để kè chống cho thêm kiên cố.

Chỉ tay về phía bờ đá vừa kè năm vừa rồi, ông Hoạt nói: “Người dân ở đây không chủ động kè đất, đá thì sóng đánh và ăn sâu tới tận nhà dân rồi. Hồi trước dùng phên tre, nhưng không hiệu quả, dùng đá mới chắc ăn”.

Chủ động tạo bờ kè để hạn chế sạt lở đang được người dân ở một số địa phương ven biển thực hiện.
Chủ động tạo bờ kè để hạn chế sạt lở đang được người dân ở một số địa phương ven biển thực hiện.


Giống như ông Hoạt, đoạn bờ biển trước nhà bà Phạm Thị Nhị có nguy cơ sạt lở cao, nên cách đây hai tháng, bà Nhị và nhiều hộ dân ở đây đã “hùn” tiền, sau đó tìm mua đá dăm ở các nơi khác để kè chống lại cho an toàn. Đến nay, đoạn bờ biển dài gần 200m trước nhà bà cơ bản đã được chằng, chống kiên cố.

Bà Nhị chia sẻ: “Hồi trước, đoạn bờ biển này cũng được bê tông kiên cố, nhưng không chịu nổi với sóng to, nên hư rồi. Thấy vậy, chúng tôi góp tiền, mua đá dăm rồi thuê xe chở về, mỗi người mỗi tay kè chống lại cho chắc chắn. Nhưng cũng rất mong các cấp quan tâm và hỗ trợ để xây dựng bờ kè được kiên cố hơn”.

Không chỉ bà con ở xã Tịnh Kỳ, mà đông đảo người dân ở xóm Khê Tân, thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê cũng vậy. Sống gần sát cửa Đại và mép sông, nguy cơ sạt lở trong những trận mưa lớn là điều khiến nhiều người lo sợ. Chính vì thế, việc chủ động phòng tránh và dùng các biện pháp thủ công để chằng chống, hạn chế sạt lở là điều bà con ở đây đã và đang tiến hành.

Bà Nguyễn Thị Hiền (73 tuổi), xóm Khê Tân cho biết: “Cách đây mấy năm, xung quanh cửa Đại của thôn tuy được kè chống bằng cọc tre, nhưng sau đó bị sóng đánh hư mất. Rồi người dân sống sát mép sông Kinh dùng cọc tre, bao cát chằng chống cho khỏi bị sạt lở. Năm nào cũng kè chống, nên không còn nguy hiểm nữa”.

Còn đối với những hộ gia đình có tên trong danh sách di dời đến vùng tái định cư mới của thôn Cổ Lũy, nhưng chưa có điều kiện xây nhà cửa ở nơi mới, trước mùa mưa lũ, họ cũng đã chuẩn bị đầy đủ nhiều phương án “phòng thân” cho gia đình. Chị Lê Thị Viên, xóm Khê Tân cho biết: “Như những năm trước, hễ thấy mưa lũ to quá, mình cùng với gia đình di chuyển đến các nơi kiên cố hơn để ở nhờ, chờ hết mưa rồi quay về. Còn mưa nhỏ thì vẫn ở, vừa kè chống cho kiên cố”.

Nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao, nên những năm trở lại đây người dân xã Tịnh Khê, Tịnh Kỳ đã chủ động phối hợp cùng lãnh đạo các cấp trong công tác phòng tránh thiên tai. Trước mùa mưa bão, lãnh đạo các địa phương đã chủ động đề ra những phương án, kế hoạch sẵn sàng khi có bão, lũ xảy ra. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, nên các địa phương kiến nghị các cấp cần có sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa để hạn chế tối đa tình trạng sạt lở, xâm thực ở các xã này.

Ông Võ Minh Vương – Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ cho hay: Khi bão hình thành thì mức độ rủi ro đối với các xã ven biển là tương đối cao. Chính vì thế, ngay từ đầu, chính quyền địa phương cũng đã xây dựng các phương án và kế hoạch để bà con chủ động ứng phó với các đợt mưa, bão. Đối với các địa phương có nguy cơ sạt lở, chính quyền xã cũng đã có những phương án di dời đến những nơi an toàn, nhằm đảm bảo tốt nhất về tính mạng và tài sản của người dân.


 Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU



 


.