Ngày Khí tượng thế giới (23.3):
Thời tiết "nổi loạn" do biến đổi khí hậu

02:03, 23/03/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Hiện nay, nhiệt độ Trái đất đã tăng lên thêm 1 độ  C so với đầu thế kỷ 20. Hơn lúc nào hết cộng đồng quốc tế đang gánh chịu hậu quả nặng nề của biến đối khí hậu.

TIN LIÊN QUAN

Thời tiết ngày càng cực đoan
 
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người. Phát thải khí nhà kính ngày một tăng lên, nhiệt độ bề mặt trái đất và đại dương cũng đang tăng dần trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay, nhiệt độ Trái đất đã tăng lên thêm 1 độ C so với đầu thế kỷ 20.
 
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, 70 năm qua, nhiệt độ ở Việt Nam thay đổi rất mạnh, tăng 0,7 - 0,8 độ C trong vòng chưa đến 1 thế kỷ, ở tất cả các vùng trong cả nước. 
 
Hậu quả của biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều này thể hiện rõ rệt ở cường độ của El Nino và mức độ khắc nghiệt, khó lường của các cơn bão. Bão nhiều lên ở một số vùng, có lúc, chúng ta “thót tim” khi liên tiếp nhận hung tin các siêu bão xuất hiện.
 
Thời tiết cực đoan ngày càng xuất hiện nhiều hơn với cường độ ngày càng mạnh hơn và bất thường, trái với mọi quy luật mà con người đã khám phá. Các quy luật mùa bị phá vỡ, lượng mưa giảm, hạn khốc liệt. 
 
Từ năm 2011 đến nay, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến thời tiết rõ rệt, minh chứng là sự “nổi loạn” của thời tiết. Các trận lũ lụt khiến nhiều nơi tê liệt, những cơn bão, bão tuyết, lốc xoáy chết người đến những đợt hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề đẩy nhiều người, nhiều khu vực lâm vào nạn đói. 
 
Ông Nhâm Xuân Sỹ- Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi dẫn chứng: Theo quy luật tự nhiên, đỉnh lũ sẽ rơi vào mùa mưa lũ, thì năm 2015, hoàn toàn ngược lại, đỉnh lũ do cơn lũ trái mùa vào tháng 3 được xác lập. 
 
Hay như từ tháng 9.2015 đến tháng 1.2016, những ngày mùa đông nhiệt độ như mùa hè, rét lịch sử lại xảy ra vào mùa xuân, thậm chí nhiều nơi xuất hiện băng tuyết như tại Ba Vì, phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An thay vì Sa Pa như thường thấy.
 
Trở lại câu chuyện lũ lụt. Số liệu thống kê tại Quảng Ngãi cho thấy: Trong vòng 23 năm (từ 1976- 1999) mới xảy ra một cơn lũ lịch sử, thế nhưng từ năm 2000- 2010 có tới 4 cơn lũ lịch sử, vượt cả đỉnh lũ lịch sử của năm 1999. Sông Trà Bồng tại cầu Châu Ổ bỏ xa đỉnh lũ năm 1999 tới 1,13 m.
 
Mưa lũ xảy ra không còn theo quy luật của tự nhiên.
Mưa lũ xảy ra không còn theo quy luật của tự nhiên.
 
Biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ mưa lớn và lũ lụt và cũng làm tăng nguy cơ hạn hán. Điển hình như năm 1983, đây là năm ghi nhận xảy ra El Nino mạnh, hạn hán đến khốc kiệt, nhưng mực nước của Sông Vệ tại An Chỉ vẫn ở mức trên 4m. Thế nhưng, từ năm 2010 đến nay, mực nước tại đây chưa có thời điểm nào đạt mốc 4 m, ngay thời điểm mùa mưa lũ, xu hướng ngày càng thấp dần.
 
Những thiên tai mà chúng ta đang gánh chịu nguyên nhân cũng từ con người. Cũng theo ông Nhâm Xuân Sỹ, do ảnh hưởng của El Nino cộng hưởng với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan sẽ tăng về cường độ và mức độ nếu chúng ta còn tiếp tục hủy hoại hành tinh xanh như bây giờ.
 
Nhận thức đúng để hành động
 
Trước thực tế hết sức cấp bách, Tổ chức Khí tượng thế giới chọn thông điệp cho Ngày Khí tượng thế giới năm 2016 là “Khí hậu: Nhận thức để hành động” với mục đích nhấn mạnh kiến thức về khí hậu tích lũy trong các thập kỷ vừa qua là nguồn dữ liệu vô giá và là điều kiện tiên quyết để các cơ quan chức năng ra những quyết định và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Chương trình hành động của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững đã đặt ra một cam kết mạnh mẽ nhằm chấm dứt tình trạng nghèo đói trên phạm vi toàn cầu. 
 
Tàn phá rừng phòng hộ đầu nguồn, nguyên nhân chính gây ra biển đổi khí hậu.
Tàn phá rừng phòng hộ đầu nguồn, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
 
Cam kết này bao gồm tăng cường an ninh lương thực, nước sạch và vệ sinh môi trường. Ngoài ra, cam kết này cũng kêu gọi tăng cường sử dụng năng lượng sạch và xây dựng các thành phố chống chịu với biến đổi khí hậu, đồng thời khuyến khích việc quản lý bền vững các hệ sinh thái tự nhiên.
 
Ứng phó với biển đổi khí hậu trong thời điểm hiện nay là vấn đề sống còn. Xây dựng các cộng đồng chống chịu với thời tiết, khí hậu là một phần không thể thiếu trong chiến lược toàn cầu nhằm đạt được phát triển bền vững. 
 
Những rủi ro này sẽ được giảm nhẹ nếu chúng ta nhận thức đúng để hành động ngay từ bây giờ nếu không muốn sự sống chúng ta sẽ lụi tàn. Con người cần thay đổi những thói quen, thay đổi những quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. 
 
Chỉ cần có những hành động thân thiện với môi trường như tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, thì đã làm giảm được phát thải do sử dụng năng lượng gây lên. Trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng cây xanh có ý nghĩa lớn với việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 
 
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 
 

.