Thành phố hướng đông

10:09, 22/09/2015
.

*Thanh Thảo


TIN LIÊN QUAN

(Baoquangngai.vn)- Tôi không phải nhà phong thủy, nhưng ngày mới chia tỉnh, nghe nói TP. Quảng Ngãi sẽ mở về phía… tây, tôi đã thấy có gì không ổn. Vì đây là thành phố bên bờ sông Trà, con sông Trà chảy về hướng đông, không lý gì thành phố “cặp đôi” với nó lại “chảy ngược” về phía tây.

Rất nhiều thành phố trên thế giới, khi được tọa lạc bên bờ sông, họ đều nhận là “trời cho” mình diễm phúc ấy, và đều thiết kế xây dựng thành phố theo hình thái thành phố cặp đôi hai bên sông một cách khá cân đối và hài hòa. Nối hai bên thành phố là những cây cầu được thiết kế đẹp, không chỉ có công năng giao thông, mà còn có giá trị nghệ thuật.

TP. Quảng Ngãi được công nhận đô thị loại 2, như vậy đã là thành phố “chính danh, chính hiệu”. Với 4 tiêu chí còn “thiếu nợ” trên tổng số 49 tiêu chí để được công nhận đô thị loại 2, chính phủ đã tin tưởng TP. Quảng Ngãi sẽ đạt đủ tiêu chí và sẽ phát triển mạnh mẽ. Về hướng đông. Vâng, TP. Quảng Ngãi bây giờ đã được quy hoạch phát triển về hướng đông, cùng hướng với dòng sông Trà, và cùng hướng ra phía biển.

 


Hai con đường “chiến lược” cặp hai bên bờ sông Trà đã được xây dựng với kinh phí mỗi con đường hàng nghìn tỉ đồng, sẽ giúp thành phố được mở rộng tiến nhanh hơn về hướng biển. Phải có hai con đường hoành tráng đó, mới có thể nói TP. Quảng Ngãi “hướng Đông mạnh mẽ”. Đô thị hai bên bờ sông sẽ mọc lên, những con đường xương cá kết nối các vùng đất từ nay thuộc thành phố sẽ được hình thành, và từ trung tâm, thành phố sẽ mở rộng ra một cách hợp lý và hiện thực.

Đã có dịp đi tới nhiều thành phố tỉnh lỵ (và cả không phải tỉnh lỵ) trong nước, tôi hoàn toàn có cơ sở để lạc quan mà không viễn vông, rằng thành phố quê hương mình sẽ phát triển. Hãy đi về “vùng ven” của TP. Quảng Ngãi vào ban đêm, ta sẽ thấy ánh điện đã bừng sáng trên những con đường còn khá chật hẹp. Từ hệ thống điện chiếu sáng ấy, cộng với dự án đưa nước sạch về vùng ven, nhiều vùng nông thôn của thành phố, những vùng đất còn khát nước sạch, còn nhiều khó khăn này sẽ dần dần được hưởng những tiện ích của đô thị.

Thành phố phi cổ điển

Không thể nào xây dựng trên toàn bộ đất đai của TP. Quảng Ngãi mở rộng một đô thị theo kiểu cổ điển, với ngang dọc những đường phố. TP. Quảng Ngãi sẽ phát triển theo hình thái “đô thị năng động” với một khu trung tâm và nhiều khu vực “vệ tinh”, với sự linh động về quy hoạch chi tiết phù hợp với từng vùng, với thế mạnh cần được duy trì và phát huy của từng khu vực.

Đã vùng biển thì phải đánh cá, phát triển ngư nghiệp và dịch vụ nghề cá, chứ không phải… trồng rau. Còn vùng nông nghiệp thì được quy hoạch trồng rau sạch, trồng hoa, và một phần sẽ được “du lịch hóa nông thôn” khi có dự án về du lịch ở đó. Có dịp đi khảo sát những “vùng ven” của TP. Quảng Ngãi mở rộng, thoạt đầu tôi có cảm giác những vùng đất ấy “miên man và rời rạc” nếu so nó với trung tâm thành phố. Nhưng nếu nhìn từ góc độ một thành phố mở, một thành phố hiện đại với “vành đai vàng” và những khu vực vệ tinh, ta lại thấy TP. Quảng Ngãi vẫn có thể đi lên từ chính “hình sông thế đất” vừa được mở rộng và quy hoạch của mình.

Đã tồn tại những mô hình thành phố kiểu này trên thế giới, nó có những điểm khác biệt với thành phố kiểu cổ điển, nó giao thoa linh động giữa các khu vực mang những nét đặc thù khác nhau, và nó hướng tâm bằng những giao diện cả hữu hình và vô hình. Nếu ta lên núi Ấn, từ khu mộ Huỳnh Thúc Kháng nhìn thẳng về núi Bút, ta sẽ thấy một đường thẳng như kẻ chỉ. Đó là đường huyền đạo, với giao diện vô hình. Thể hiện đường huyền đạo vô hình đó, là đường trục Phạm Văn Đồng hữu hình đang bị Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi “đóng nêm” ngay giữa tim đường(?!). Tôi đã nhiều lần đề nghị nên nghiên cứu chuyển Bảo tàng sang chỗ khác, và nối đường Phạm Văn Đồng chạy bên dưới đường huyền đạo linh thiêng tới thẳng bờ sông Trà.

Nếu dự án tôn tạo núi Bút được thực hiện cùng với dự án “ba tầng Thiên Ấn” mà cách đây 10 năm tôi cùng anh Nguyễn Đình Oanh đề xuất, thì từ hai điểm nối mang tính thiêng liêng và thân thiết với người Quảng Ngãi ấy, ta sẽ có một giao diện mang tính lịch sử-văn hóa, kết nối với những “vùng ven” vệ tinh của TP. Quảng Ngãi mở rộng.

Về những kế hoạch nhằm phát triển TP. Quảng Ngãi, thì tôi đọc được trong “Báo cáo chính trị của Thành ủy khóa XIV trình đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XV”, xin trích một đoạn: “Đối với thành phố mở rộng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (giá trị tăng thêm) giai đoạn 2013 - 2015 là 11,95%, trong đó dịch vụ 14,43%; công nghiệp - xây dựng 11,74%; nông nghiệp 4,04%. Cơ cấu kinh tế trên địa bàn (giá trị tăng thêm) thương mại - dịch vụ chiếm 48,71%; công nghiệp - xây dựng chiếm 37,08%; nông nghiệp chiếm 14,21%. Cơ cấu lao động dịch vụ 47,54%; công nghiệp-xây dựng 25,89%; nông nghiệp 26,57%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 1.730 USD/người/năm”.
 
Với thu nhập bình quân đầu người khiêm tốn này, TP. Quảng Ngãi không chỉ còn “thiếu” tiêu chí với Trung ương, mà còn “thiếu nợ” với chính nhân dân mình. Một thành phố không thể bằng lòng với mức thu nhập bình quân thấp như thế (trong khi bình quân thu nhập đầu người/năm của cả nước là 2.000USD, và bình quân thu nhập của một cư dân đô thị loại 2 là 3.000USD/năm.).

Nhưng nếu có tư duy đúng, lại biết hợp tác và khéo làm, thì những "vùng ven” TP. Quảng Ngãi không hề là “phần vất vả” của thành phố, mà ngược lại, sẽ vươn lên bằng chính thế đất, lực người của mình-những khu vực vệ tinh đặc thù-để đóng góp GDP ngày một tốt hơn cho thành phố. Chẳng hạn, sắp tới có dự án rất lớn hơn 1,8 tỉ USD nâng cấp và mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thì nếu những vùng đánh cá biển, vùng trồng rau chăn nuôi của thành phố được quy hoạch để cung cấp thực phẩm sạch, cộng với những đầu mối dịch vụ tốt, TP. Quảng Ngãi hoàn toàn có thể đảm nhiệm việc cung ứng thực phẩm sạch đúng chuẩn cho “đại công trường” nâng cấp-mở rộng NMLD Dung Quất. Ngư dân và nông dân thành phố sẽ có thu nhập tốt hơn từ cơ hội kết nối làm ăn này, và bình quân thu nhập nhất định sẽ tăng lên, tạo “cú hích” cho sự phát triển bền vững của những vùng đất còn khó khăn của thành phố.

Thành phố năng động và thân thiện

Quyết tâm xây dựng, phát triển TP. Quảng Ngãi trở thành đô thị “năng động và thân thiện” đã đi vào nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP. Quảng Ngãi. Dĩ nhiên, không dễ dàng để có được một thành phố “năng động và thân thiện”. Nhưng đó là việc phải làm, vì sự phát triển bền vững của thành phố.

Trước Quảng Ngãi, Đà Nẵng đã làm, đang làm, và họ làm tốt tới mức họ vừa nhận được tài trợ của CHLB Đức về dự án “Quy hoạch nhanh - quản lý cơ sở hạ tầng, môi trường và nguồn tài nguyên bền vững tại các thành phố năng động”. Dự án được thực hiện bởi Liên hiệp các tổ chức công tư của CHLB Đức với sự tài trợ của Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức và UN-Habitat. Đà Nẵng là một trong ba thành phố trên thế giới được nhận dự án này-dự án có số tiền lên tới hơn 400.000 euro.

Nhưng mỗi thành phố có những đặc điểm khác nhau, những vấn đề nhiều khi không trùng hợp, dù mục tiêu xây dựng thành phố năng động và thân thiện là mục tiêu chung. Vậy xin bắt đầu từ xây dựng con người, trước khi nói tới xây dựng cơ sở hạ tầng. Tôi thấy, cái khó nhất của TP. Quảng Ngãi, chính là ở con người. Chúng ta có một lực lượng làm việc có bằng cấp, thậm chí là bằng cấp cao. Nhưng cái chúng ta thiếu, chính là sự năng động. Mà có năng động mới có sáng tạo, để tìm ra cái mới và hết lòng vì cái mới.

Phải bắt đầu từ con người thân thiện và năng động, để có thể xây dựng một thành phố năng động và thân thiện. Nhưng người Quảng Ngãi cũng có những nhược điểm hạn chế rất lớn tới sự năng động và thân thiện. Đó là quan niệm “xưa bày nay làm”, và như thế, rất thiếu năng động. Vì vậy, muốn Quảng Ngãi đi lên, phải bắt đầu từ văn hóa.

Truyền thống văn hóa, nếu tích cực phải hết sức phát huy, nếu tiêu cực phải kiên quyết từ bỏ. Xây dựng văn hóa, phải bắt đầu từ chủ thể văn hóa, là con người. “Con người Quảng Ngãi đương đại” có thể trở thành chủ đề cho một hội thảo khoa học.

Thành phố Quảng Ngãi mà tôi mường tượng trong tương lai, là một thành phố đẹp./.
 


.