Mở rộng TP. Quảng Ngãi: Cú huých cho thành phố phát triển toàn diện

03:03, 25/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, diện mạo TP.Quảng Ngãi có nhiều khởi sắc. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị được cải tạo và nâng cấp. Cùng với đó là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 123/CP về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố sang bờ bắc sông Trà và xuôi về hướng đông đã tạo cú huých để TP. Quảng Ngãi phát triển toàn diện.

TIN LIÊN QUAN


Nới rộng chiếc áo cho thành phố…

Thành phố Quảng Ngãi hiện tại là đô thị loại III, có diện tích trên 3.700ha, 114 ngàn nhân khẩu, với 10 đơn vị hành chính trực thuộc. So với các đô thị khác trong khu vực và cả nước thì diện tích tự nhiên của TP.Quảng Ngãi thuộc loại nhỏ. Hiện nay, thành phố đã sử dụng hết 99,3% diện tích tự nhiên và 65,8% diện tích dành cho phát triển đô thị.

Do đó, việc mở rộng thành phố là một nhu cầu tất yếu, đáp ứng yêu cầu quỹ đất dành cho phát triển đô thị, bố trí các công trình hạ tầng, phát triển công nghiệp và an sinh xã hội, nhằm bắt kịp với xu thế phát triển chung của các đô thị trong khu vực.

Thực tế, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đều chọn lợi thế về phía biển để mở rộng thành phố và đã mang lại hiệu quả nhất định thì Quảng Ngãi cũng không thể khác được.

Một góc TP. Quảng Ngãi hôm nay. Ảnh: Nguyễn Triều
Một góc TP. Quảng Ngãi hôm nay. Ảnh: Nguyễn Triều

Ông Phạm Tấn Hoàng - Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho rằng: Mở rộng thành phố là cần thiết, nhằm phát triển không gian đô thị và tạo điều kiện để nâng cao đời sống người dân ngoại thành. Cũng từ đây, hình thành được một quỹ đất dịch vụ, đô thị có giá trị, kết nối và tạo động lực quan trọng cho các khu vực xung quanh phát triển.

Tuy nhiên, tiêu chí để xét đạt đô thị loại II vào năm 2015 là trên nền tảng của thành phố chưa mở rộng, nên việc thực hiện Nghị quyết 123/CP về mở rộng địa giới thành phố không có ảnh hưởng gì.

Với tầm nhìn chiến lược, TP.Quảng Ngãi sẽ mở rộng không gian về phía bắc và phía biển, đây là cơ hội để thành phố  phát triển toàn diện. Các xã, thị trấn được sáp nhập về thành phố đều nằm liền kề với thành phố, có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

“Việc mở rộng địa giới hành chính thành phố về phía đông - bắc là phù hợp với quy hoạch tổng thể thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, tạo điều kiện phát triển KT-XH và trở thành một đô thị tổng hợp, gồm trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, dịch vụ, du lịch sinh thái biển”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Đánh thức tiềm năng để phát triển

Theo Nghị quyết số 123, Chính phủ điều chỉnh trên 12 ngàn ha diện tích với gần 146 ngàn nhân khẩu của 13 xã, thị trấn của huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa về TP.Quảng Ngãi quản lý. Thành lập phường Trương Quang Trọng thuộc TP.Quảng Ngãi trên cơ sở thị trấn Sơn Tịnh.

Như vậy, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố sẽ có trên 16 ngàn ha diện tích tự nhiên và trên 260 ngàn nhân khẩu. Với 23 đơn vị hành chính cấp xã, phường trực thuộc, bao gồm 9 phường và 14 xã.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi cho biết: Một thành phố có núi, có sông, có biển không chỉ tạo ra không gian đô thị thoáng đãng, trữ tình, mà còn hứa hẹn sẽ đánh thức tiềm năng còn đang bỏ ngỏ về phát triển kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ,...

Do đó, việc mở rộng không gian đô thị, đưa thành phố vươn ra bờ bắc và hướng biển là bước đi hợp lý, liên kết không gian đô thị với khu du lịch biển Mỹ Khê, biển Nghĩa An, cảng Sa Kỳ và tuyến kinh tế ven biển Dung Quất- Sa Huỳnh.

 

Đường Mỹ Trà- Mỹ Khê góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, nhất là dịch vụ và du lịch khu vực bác sông Trà.
Đường Mỹ Trà- Mỹ Khê góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, nhất là dịch vụ và du lịch khu vực bắc sông Trà.

Bên cạnh đó, việc liên kết với KCN Tịnh Phong, Khu VSIP, KKT Dung Quất và khu đô thị Vạn Tường... sẽ hình thành một chuỗi đô thị liên hoàn, hiện đại với những trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ sầm uất. Sông Trà Khúc sẽ là một điểm nhấn quan trọng của thành phố.

 “Việc bố trí không gian, cảnh quan kiến trúc thành phố theo mô hình thành phố bên sông, lấy trục sông Trà Khúc làm trung tâm, phát triển đô thị theo hai bờ bắc, nam, mở ra hướng phát triển mới của thành phố theo 4 vùng chức năng: Vùng trung tâm TP, vùng mặt tiền bờ sông, vùng công viên sinh thái và vùng bờ biển”, ông Dũng khẳng định.

Chặng đường phát triển đô thị của TP.Quảng Ngãi vẫn còn dài. Nhưng những gì đã và đang được triển khai xây dựng, tin rằng trong tương lai không xa, TP.Quảng Ngãi sẽ là một đô thị văn minh, hiện đại ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi Nguyễn Chín:

Việc Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể TP.Quảng Ngãi đến năm 2020 mở rộng sang 10 xã, thị trấn của huyện Sơn Tịnh và 3 xã của Tư Nghĩa được nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Đây là tín hiệu tốt, là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của TP.Quảng Ngãi.

Trước đây thành phố chưa đặt ra vấn đề trọng tâm của phát triển du lịch, nhưng nay thành phố mở rộng về phía biển thì việc khai thác tiềm năng du lịch của bãi biển Mỹ Khê… là vấn đề hết sức quan trọng mà thành phố phải tính đến.

Để làm được việc này, thành phố sẽ tính toán, tìm hiểu trước đây các dự án đầu tư ra sao, vùng nào đã giao, vùng nào chưa giao, quy hoạch ở đó ra sao để tổ chức thực hiện một cách thật bài bản, hiệu quả, có chất lượng. Từ đó, Thành uỷ sẽ có Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch...

Ông Lê Thành Tâm- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh:

Việc sáp nhập một số xã, thị trấn của huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa để mở rộng TP.Quảng Ngãi là sự kiện lịch sử lớn của tỉnh. Việc mở rộng sẽ giúp TP.Quảng Ngãi phát triển xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Là người con của quê hương Sơn Tịnh, tôi rất mừng vì gần như một nửa diện tích và một nửa dân số của huyện sáp nhập và trở thành một phần của thành phố. Đây là cơ hội để phần đất phía đông Sơn Tịnh và Tư Nghĩa phát triển.

Tôi mong muốn, sau khi sáp nhập, chính quyền thành phố quan tâm đầu tư cho các xã ở xa, ven biển như Tịnh Kỳ, Tịnh Khê, Tịnh Hòa… để các địa phương này phát triển đồng đều với các xã, phường khác của thành phố. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quan tâm đầu tư, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các cơ sở công nghiệpở các xã còn lại của Sơn Tịnh vì phần lớn các xã này thuần nông, điều kiện phát triển khó khăn.

Ông Đỗ Hồng Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An:

Nghĩa An là xã có đội tàu thuyền lớn nhất của tỉnh, với gần 1.000 chiếc, tổng công suất 220.000 mã lực. Phần lớn trong số đó là tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Với đội thuyền hùng hậu, giúp cho 90% dân số của xã có cuộc sống khấm khá từ biển. Đây là nguồn lực về kinh tế rất lớn sẽ góp phần làm giàu cho TP.Quảng Ngãi trong tương lai.

Khi sáp nhập vào thành phố, với chủ trương chung của Nhà nước là tiếp tục ưu tiên cho kinh tế biển nên không ảnh hưởng gì lớn về chính sách cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Tin tưởng chính quyền thành phố sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đối với ngư dân, đưa ngành kinh tế mũi nhọn ở đây tiếp tục đi lên, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

* Ông Trương Thanh Thảo- Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê:

Lâu nay, với điều kiện thuận lợi về phát triển du lịch tại bãi biển Mỹ Khê, các di tích lịch sử như: Khu Chứng tích Sơn Mỹ, Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, rừng dừa nước,… nhưng vẫn chưa thu hút được khách tham quan nhiều.

Nguyên nhân là chưa có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, việc quản lý khai thác về du lịch rất manh mún. Các dịch vụ chủ yếu là ẩm thực do người dân tự làm, nên hiệu quả từ du lịch, dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng.

Sáp nhập vào thành phố, chắc chắn thành phố sẽ quan tâm đầu tư đồng bộ về hạ tầng, cũng như có sự quản lý, khai thác tốt các lợi thế để phát huy được thế mạnh, tiềm năng từ các địa điểm du lịch trên địa bàn, biến nơi đây thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

       

Bài, ảnh: Bá Sơn- Xuân Thiên


.