Điểm tựa của những "vầng trăng khuyết"

03:05, 18/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tuy mới đi vào hoạt động được hai tháng, nhưng Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, ở thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành đã trở thành tổ ấm cho nhiều trẻ khuyết tật ở các địa phương trong tỉnh. Ở đây, các em được yêu thương, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy chữ và hướng nghiệp, dạy nghề để trở thành những con người có ích, hòa nhập cộng đồng.

TIN LIÊN QUAN

Đến với Trung tâm, chúng tôi bắt gặp ngay những lời chào lễ phép và nụ cười tươi của các em khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Mái ấm này là nơi chắp cánh ước mơ tương lai cho những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khuyết tật, không nơi nương tựa trên địa bàn tỉnh. Rất nhiều trẻ em được cưu mang ở mái ấm này mắc nhiều bệnh khác nhau như: Khiếm thính, bại liệt, thiểu năng trí tuệ… Ở đây, các em được chăm sóc rất chu đáo từ sức khoẻ đến việc ăn ở, học hành, tất cả đều hoàn toàn miễn phí.

Các em đang được giáo viên hướng dẫn học nghề.
Các em đang được giáo viên hướng dẫn học nghề.


Em Phạm Thị Bé, ở thôn Hà Nhai Bắc, xã Tịnh Sơn, dù đã 18 tuổi, nhưng em chưa biết chữ. Hằng ngày, ở trung tâm em được nuôi dưỡng, chăm sóc và học những chữ cái như những em bé lớp 1. Các cô giáo tại đây ai cũng yêu thương và cảm thông, giúp đỡ em. Bởi em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mồ côi cha, mẹ, Bé ở với ông bà nội đã già yếu. May có Trung tâm nuôi dạy miễn phí nên ông bà mới có điều kiện cho em đến trường, nếu không em mãi là cô bé mù chữ. Cứ thứ hai hằng tuần, ông nội em phải đạp xe đạp hàng chục cây số để đưa em đến trung tâm và cuối tuần lại lên đón em về. Thương ông bà, Bé ở Trung tâm rất chăm ngoan. Bé nói bằng ký hiệu, thông qua phiên dịch của cô giáo: “Ước mơ của em là được học và biết nghề để có thể tự lập nuôi sống bản thân và chăm sóc cho ông bà”. Và các cô giáo nơi đây đang ngày ngày tiếp sức cho em thực hiện ước mơ ấy.

Còn em Bùi Minh Quang, ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), trước đây sau khi học xong chương trình tiểu học tại Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh, Quang trở về nhà, không có điều kiện để tiếp tục học lên cao hơn. Khi trung tâm đi vào hoạt động, em được nhận vào học miễn phí. Giờ đây, em khá thành thạo với những thao tác may công nghiệp cơ bản mà giáo viên Trung tâm đã chỉ dạy. Sự tận tâm dạy dỗ của đội ngũ cán bộ, giáo viên nơi đây không chỉ trang bị cho các em kiến thức mà còn giúp các em gỡ bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti để hòa nhập cộng đồng. Đây là điều mà nhiều phụ huynh có con đang được nhận nuôi dạy tại Trung tâm không khỏi xúc động.

Bên cạnh việc học văn hóa, các em còn được tham gia các lớp dạy nghề như: Vi tính, may thêu, phần mềm, cơ khí, thủ công thiết kế…để sau này các em có nghề để có thể tự lao động, nuôi sống bản thân. Cô giáo Lý Thị Thảo, ở xã Tịnh Kỳ  (TP.Quảng Ngãi), sau khi nhận tấm bằng cử nhân tâm lý giáo dục đã về dạy tại trung tâm. Công việc hằng ngày của cô là dạy cho các em biết chữ và chăm lo cho các em từng miếng ăn, giấc ngủ. Như bao đồng nghiệp khi mới vào trung tâm, cô Thảo phải nỗ lực học ngôn ngữ của các em để có thể giao tiếp, truyền đạt kiến thức cho các học trò đặc biệt này.

“Ban đầu để dạy được cho các em hiểu và biết về cuộc sống, có kỹ năng, có kiến thức quả là việc không đơn giản. Nhưng tôi đã và đang từng bước làm được điều kỳ diệu đó, bởi tình yêu thương đối với những học trò thân thương của mình. Niềm vui của tôi chỉ đơn giản là dạy các em học nhận biết từng chữ cái, con số, những chữ ghép, phép tính cơ bản. Mỗi người trong Trung tâm chúng tôi đều cùng chung một hoài bão là làm sao cho các em có thể sớm hòa nhập với cộng đồng, đủ hành trang để bước vào đời”, cô Thảo trải lòng.

 Bà Trần Thị Thu Thủy - Phó giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm được khởi công xây dựng vào tháng 5.2014, với sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào sự đóng góp từ thiện của các tổ chức, cá nhân. Trẻ được nhận vào Trung tâm sẽ được nuôi dạy miễn phí. Trong đó, giai đoạn 1 này, Trung tâm đã tiếp nhận 30 trẻ.

Tháng 6 tới Trung tâm sẽ tiếp nhận 40 trẻ. Là trung tâm mới đi vào hoạt động, nên đơn vị còn gặp một số khó khăn ban đầu. Để duy trì tốt hoạt động dạy và chăm sóc cho các cháu nhỏ khuyết tật, đơn vị rất cần sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân. Mới đây, Công an tỉnh đã nhận tài trợ nuôi em Nguyễn Thị Trà Giang, lớp khiếm thính 4B, trong vòng 5 năm, với khoản tài trợ hằng năm là 25 triệu đồng. “Sắp tới Trung tâm định hướng vận động cộng đồng với chương trình dài hạn, đó là kêu gọi sự tài trợ tiếp theo từ các sở, ban, ngành, cơ quan trong và ngoài tỉnh. Mỗi đơn vị nuôi một, hai em, đến lúc các em có thể ra trường,  hòa nhập cộng đồng. Đây là chương trình mang tính bền vững, để trung tâm có điều kiện nâng bước các em trong cuộc đời”, cô Thủy nói.


Bài, ảnh: KIM NGÂN


 


.