Lời khẩn thiết ở một khu dân cư

09:10, 11/10/2012
.

  * Ghi chép của Đức Nguyễn


(QNĐT)- Những ngày qua, một số hộ dân ở tổ 23, phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi rất bức xúc trước việc nguồn nước giếng bỗng nhiên bị ô nhiễm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt thường ngày.
    

TIN LIÊN QUAN


* Bất an vì nguồn nước sinh hoạt

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Lê Đình Tạo (81 tuổi) tỏ ra lo lắng về nguồn nước ở đây. Ông Tạo kể: "Trước kia, nguồn nước giếng đào và giếng đóng ở khu vực này rất ngon. Nhưng từ năm 2011 đến nay thì có dấu hiệu bị nhiễm phèn và ngày càng nghiêm trọng. Nước nấu uống có vị lợ. Còn tắm thì có cảm giác như vừa tắm nước biển... Chúng tôi già rồi thì sao cũng được. Chỉ sợ tụi nhỏ sử dụng nguồn nước này lâu ngày rồi sinh bệnh, khổ thân".

Tuy nói thế nhưng ông Tạo không thật sự an tâm khi sử dụng nguồn nước giếng để nấu ăn, uống hằng ngày. Giữa năm 2011, nước giếng nhà dùng không được, ông Tạo lắp đường ống qua giếng ông Bùi Phụ Soán rồi đặt mô tơ bơm về dùng. Đến nay thì giếng ông Soán cũng không dùng được, ông Tạo đành mua nước bình và nhờ con cháu chở nước từ xóm ngoài về nấu ăn. Tắm giặt hằng ngày thì dùng nguồn nước giếng.

"Gia đình tôi hiện chỉ có 3 khẩu nhưng trung bình mỗi tháng phải mua từ 4-6 bình nước lọc để dùng. Giá 15.000đ/bình, vị chi mỗi tháng tốn từ 60.000đ- 90.000đ. Trong khi vợ chồng già làm không ra tiền"- ông Tạo xót xa.

Hàng ngày, ông Soán đều phải đi xin nước ở xóm bên về dùng
Hàng ngày, ông Soán đều phải đi xin nước ở xóm bên về dùng



Còn gia đình cụ ông Bùi Phụ Soán cũng không khá gì hơn. Ở cái tuổi thất thập mà ngày nào ông cũng phải đèo chiếc thùng nhựa trên chiếc xe đạp qua xóm bên để xin nước về dùng. Ông Soán đưa tay chỉ xuống  giếng nổi lớp váng màu vàng trên mặt nước nói: "Ngày trước, giếng nước tôi ngon nhất nhì ở đây. Thế mà nay đành phải bỏ".

Thế sao gia đình không bắt nước máy để dùng?- Tôi hỏi. Ông Soán gượng gạo đáp: Thích lắm chứ! Nhưng tìm đâu ra hơn chục triệu đồng để lo chi phí lắp đặt? Mang tiếng ở thành phố nhưng đa phần người dân ở đây sống phụ thuộc vào nông nghiệp và buôn bán nhỏ nên thu nhập chỉ đắp đổi qua ngày thì làm gì có dư.

Cũng theo ông Soán, ở xóm này mới chỉ có duy nhất hộ bà Hai Cường bắt nước máy mà thôi. "Tết rồi, con bà Hai Cường làm ăn xa về dùng nước giếng của gia đình để tắm đã bị dị ứng. Tụi nhỏ buộc phải bỏ trên 10 triệu đồng để đưa nước máy về dùng": ông Soán kể.

* Tự bỏ tiền kiểm định nguồn nước

Theo một số hộ dân ở đây cho biết, nếu năm 2011 chỉ có vài giếng bị ô nhiễm thì đến nay có trên 20 giếng. Nhiều hộ đã phải đóng giếng vài ba lần nhưng đều không thể dùng để nấu ăn, uống được. Điều đó làm cho người dân ở đây thật sự bất an.


Xót trước cảnh có nước mà không dùng được, một số hộ dân đã tự bỏ tiền hợp đồng với Chi Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở KH&CN Quảng Ngãi) để kiểm định chất lượng nguồn nước. Kết quả hàm lượng Clorua trong nước giếng của 3 hộ đều cao gần gấp đôi so quy định.


Anh Bùi Đình Hiền chia sẻ: Kết quả trên đã giúp người dân biết được chất lượng nguồn nước trong khu dân cư. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng làm rõ đâu là nguyên nhân gây ra.


Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Hiệp và nhiều hộ dân khác thì nghi phạm làm hàm lượng Clorua trong nước giếng tăng có khả năng là Công ty TNHH.MTV Dịch vụ- Thương mại Châu Hân- chuyên sản xuất muối iốt. Công ty này thuê một phần mặt bằng của HTX Nông nghiệp Quảng Phú để sản xuất từ tháng 12/2009, nằm bên cạnh khu dân cư.

Theo biên bản lấy mẫu nước và phiếu kết quả thử nghiệm do Chi Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện ngày 7/9/2012 thì:  Hàm lượng Clorua (CL-) nước giếng đào của hộ ông Lê Đình Đạo là 727/ 300 (mức quy định theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống), nước giếng đào của hộ ông Bùi Phụ Soán là 560/300 và nước giếng đóng của hộ ông Lê Đình Hiệp là 518/300.
      

Riêng mẫu người dân tự lấy ở giếng ông Soán đưa đi kiểm nghiệm thì có hàm lượng Clorua 1418/300.

*Đâu là nghi phạm?

Làm việc với chúng tôi, anh Bạch Quang Hà- GĐ Công ty TNHH.MTV Dịch vụ- Thương mại Châu Hân- chuyên sản xuất muối iốt, cho rằng: Người dân có thông tin cho công ty về kết quả thử nghiệm một số giếng nước, nhưng tôi không tin rằng nguyên nhân là do công ty sản xuất muối. Bởi lẽ, quy trình sản xuất được thực hiện theo một quy trình khép kín. Hằng năm, công ty đều thực hiện quan trắc môi trường. Kết quả kết luận từ các cơ quan chức năng là công ty thực hiện đảm bảo các quy định của Nhà nước.

k
Bể đựng nước lọc xây dựng sơ sài



Mặt khác, giữa năm 2011, người dân ở đây cũng đã khiếu nại cho rằng công ty sản xuất muối làm ô nhiễm nguồn nước giếng. Qua kiểm tra, Phòng TN&MT thành phố khẳng định, công ty chưa có dấu hiệu gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Anh Hà cho biết thêm, nếu kết quả hàm lượng Clorua trong một số  giếng của người dân cao là thật thì có thể do trong năm 2011công ty mua khoảng 400 mét khối đá vôi sống về đổ trong khuôn viên này để bán và phối cây cảnh. Trước khi dùng, công ty đã dùng một lượng nước lớn rửa nhiều lần để hết độ mặn nên lâu ngày có khả năng thấm vào lòng đất. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có kết luận của cơ quan chức năng nên nhận định đó chỉ là phỏng đoán. "Tôi cũng mong cơ quan chức năng kiểm tra để làm rõ bức xúc của dân"- anh Hà, nói.

gh
Bể rữa muối của C.ty Châu Hân


Theo báo cáo của Phòng TN&MT thành phố, chất thải rắn trong quá trình sản xuất được công ty ký hợp đồng với Công ty CP Môi trường- Đô thị Quảng Ngãi thu gom và xử lý. Nhưng tế thì không phải vậy. Trong quá trình nghiền rửa muối, công ty đã thải ra một lượng bùn không nhỏ, nhưng sau đó đưa ra chất đống, vứt bừa bãi ở phía trước công ty và khu vực sân bay. Anh Hà cũng đã thừa nhận điều này.

Như vậy thì không thể nói là công ty đã đảm bảo môi trường trong quá trình sản xuất. Người dân cũng không thể an tâm với việc đổ chất thải kiểu này và cách đánh giá tác động môi trường của các cơ quan chức năng.

Còn bể đựng nước lọc dùng trong quá trình rửa muối thì xây dựng còn sơ sài, tường 15 cm, thấp hơn mặt bằng khu sản xuất khoảng 30 - 40 cm và cao hơn mặt bằng đất khuôn viên công ty khoảng 20 cm. Do đó, chỉ cần một lượng mưa lớn là nước có thể tràn vào bể, rồi tiếp tục tràn ra ngoài khu dân cư là điều khó trách khỏi.

    Tuy nhiên, theo anh Hà, nguồn nước trong bể này không thải ra ngoài môi trường. Ngoài việc tiếp tục bơm quay trở lại để nghiền rửa muối thì còn có thể bán cho các cơ sở sản xuất đậu khuôn. Nếu điều anh Hà nói là sự thật thì ai đó đã một lần chứng kiến quan cảnh xung quanh bể nước này chắc chắn rằng sẽ không bao giờ ăn đậu khuôn.

Không những thế, với quy mô sản xuất 125 tấn muối tươi/ tháng cho ra 110 tấn muối iốt thành phẩm/tháng thì cần diện tích ít nhất là 1 ha đất và đầu tư bài bản thì mới có thể đảm bảo môi trường. Trong khi đó, khuôn viên hiện tại của công ty chỉ khoảng 1000m2.

Hàng ngày, ông Soán đều phải đi xin nước ở xóm bên về dùng
Muối nhập về không có kho để chứa


Do đó, khoảng 350 tấn muối nhập về để sản xuất không có kho để bảo quản mà chất đống ngoài hành lang lối đi vào khu dân cư và ngoài sân công ty rồi dùng tấm bạt che bảo quản khi có mưa. Đây là lý do khiến người dân rất lo ngại./.

    
 


.