Những người "vác tù và hàng tổng"

10:05, 06/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người dân yêu quý gọi họ là những người "vác tù và hàng tổng”. Bởi tất cả chuyện lớn nhỏ, từ giải quyết mâu thuẫn gia đình, an ninh trật tự đến làm đường dân sinh, xây dựng nếp sống mới... đều có công sức đóng góp của họ.

TIN LIÊN QUAN

Đó là Trưởng thôn Điện An 1, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) Nguyễn Văn Năm và Bí thư Chi bộ tổ dân phố 10, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) Trương Văn Son, những người đã tận tụy với "việc làng" đã hơn 30 năm.

Hết lòng vì dân

Từng đảm nhận một số công việc ở địa phương, đến năm 1989, ông Năm được nhân dân tin tưởng bầu làm phó trưởng thôn Điện An 1 và kiêm công an viên. Sau 12 năm làm phó trưởng thôn, ông được bà con tin tưởng bầu làm trưởng thôn. Ông Năm chia sẻ: "Đã hơn 30 năm tôi gắn bó với công việc thôn xóm, trong đó gần 20 năm làm trưởng thôn.

Thôn Điện An 1 xưa kia là vùng quê nghèo, đường đất lầy lội, thì đến nay gần 100% đường nông thôn đã được bê tông. Cuộc sống của bà con ngày càng no ấm, đầy đủ hơn. Trong chặng đường đổi thay ấy, tôi may mắn được chứng kiến và đóng góp chút công sức".

 Trưởng thôn Điện An 1, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) Nguyễn Văn Năm bên con đường do ông huy động xây dựng.
Trưởng thôn Điện An 1, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) Nguyễn Văn Năm bên con đường do ông huy động xây dựng.


Khiêm tốn chia sẻ là "đóng góp chút công sức", nhưng bất kỳ việc lớn, nhỏ trong thôn xóm đều đến tay ông Năm. Hầu hết các tuyến đường bê tông, đều có dấu ấn của ông, từ việc bà con tin tưởng, nhờ cậy để tính khối lượng bê tông, dự trù kinh phí cho đến huy động sức dân hiến đất mở đường...

Ở thôn Điện An 1, không hiếm những con đường dài gần 1km, nhưng do người dân sống không tập trung, nên số tiền đóng góp mỗi hộ lên đến 5 - 10 triệu đồng. Dù tiền đóng góp lớn, thế nhưng chỉ cần ông Năm họp dân, bàn bạc các phương án, kế hoạch làm đường, thì người dân đều hưởng ứng. Vì vậy mà các tuyến đường ở thôn từ khi phát động đến lúc thi công chỉ mất chưa đến một tháng.

“Sau khi tính toán chi phí làm đường, tôi cùng ban vận động do người dân bầu ra để hỗ trợ, giám sát việc thực hiện, còn việc tiền bạc, chọn nhà thầu thi công đều do người dân trên tuyến đường quyết định. Mọi việc đều được công khai, rõ ràng ngay từ đầu, nên tạo được niềm tin trong nhân dân”, ông Năm chia sẻ.

Không chỉ kêu gọi, huy động sức dân để làm đường, ông Năm còn đích thân đi vận động, xin tiền của mạnh thường quân, con em xa quê hỗ trợ, nhằm giảm bớt phần nào kinh phí làm đường, kéo điện cho bà con.

Ông Nguyễn Đức Vương, người dân trong thôn, phấn khởi cho biết: "Ngày trước đoạn đường đi qua nghĩa trang ở khu dân cư Nam An 1 không có điện đường nên tối lắm. Các cháu học sinh không dám tự đi mà phụ huynh phải đưa đón. Từ khi ông Năm kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ gần 20 triệu đồng để thắp sáng hơn 300m đường, thì người dân chúng tôi ai cũng phấn khởi. Các cháu nhỏ yên tâm đi học về khi trời tối. Để có điện đường, bà con chúng tôi cùng góp tiền để bảo dưỡng và đóng tiền điện hằng tháng".

Cả đời tận tâm

Nay đã 84 tuổi, nhưng Bí thư Chi bộ tổ dân phố 10, phường Chánh Lộ Trương Văn Son vẫn tận tụy và nhiệt tình với các công việc của địa phương. Bốn mươi năm qua, ông Son đảm nhận cương vị bí thư chi bộ tổ dân phố, thì cũng là bấy nhiêu thời gian chi bộ luôn đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.

Dù tuổi đã cao nhưng Bí thư chi bộ Tổ dân phố 10, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) Trương Văn Son vẫn tận tụy với công việc của địa phương.
Dù tuổi đã cao nhưng Bí thư chi bộ Tổ dân phố 10, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) Trương Văn Son vẫn tận tụy với công việc của địa phương.


Nhớ về những giai đoạn trước, ông Son chia sẻ: "Cách đây gần hai mươi năm, các con hẻm ở tổ dân phố cũng như những con đường nông thôn, nắng bụi mưa bùn... Vào thời điểm đó, tôi cùng ban vận động đến từng nhà kêu gọi bà con đóng góp làm đường, rồi thuyết phục họ hiến đất mở đường. Ở thành phố “tấc đất là tấc vàng”, vận động có khó khăn, nhưng chỉ cần mình kiên trì, phân tích những điều đúng thì bà con cũng sẽ hưởng ứng".

Gần một đời làm công tác tuyên truyền, dân vận, nên ông Son có rất nhiều kinh nghiệm và cách làm hay trong công tác hòa giải ở cơ sở. Có nhiều vụ việc chính quyền không thể hòa giải, thì khi ông Son "ra tay", mọi việc đều êm xuôi. Điển hình như vài năm trước, có vụ kiện tụng, tranh chấp đất đai của hai nhà sát nhau ở trong tổ. Chỉ vì sửa nhà vô tình lấn qua phần đất của gia đình sát bên mà hai gia đình xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Dù chính quyền địa phương nhiều lần mời hai bên lên phân tích, thương lượng, nhưng suốt nhiều tháng vẫn không hòa giải được.

Khi "hết cách", chính quyền nhờ đến ông Son và ông đã nhiệt tình tham gia hòa giải. “Lựa buổi tối khi họ thảnh thơi thì tôi đến nhà nói chuyện. Tôi gặp riêng từng gia đình, lắng nghe họ nói rồi đưa ra cách hòa giải hợp tình hợp lý nhất. Khi mỗi gia đình lắng nghe, nhường nhịn, thì tôi để hai bên gặp nhau thương lượng. Mất khoảng gần 8 buổi tối đi hòa giải thì mọi việc êm xuôi. Gia đình bên lấn chiếm chỉ mất 5 triệu đồng để đền bù và hai bên giải quyết trong sự vui vẻ”, ông Son kể lại.

Bài, ảnh: H.THU


 


.