Chuyện “vác tù và” ở Gò Da

08:10, 20/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách trung tâm xã một con sông và hơn 4 giờ đồng hồ đi bộ, vì thế thôn Gò Da (xã Sơn Ba-Sơn Hà) được xếp vào diện: Địa bàn dân cư xa nhất huyện Sơn Hà. Ấy vậy mà ở Gò Da, mọi chủ trương, chính sách đều được “phủ sóng” nhờ có  những người “vác tù và hàng tổng” rất nhiệt tình…

TIN LIÊN QUAN

“Giao liên của làng”

Nhiều lần lên xã Sơn Ba (Sơn Hà) công tác tôi đã gặp già làng Đinh Văn Dớ, thôn Gò Da có mặt ở trụ sở UBND xã. Gặp nhiều thành quen, già Dớ cởi mở chuyện trò về việc nước, việc làng ở Gò Da cho tôi nghe. Ông bảo: “Năm nay gia đình mình được người dân trong thôn cử làm giao liên. Hàng tuần, cứ thứ 2, 4, 6 phải đi từ nhà đến UBND xã nắm thông tin về thông báo lại cho người dân trong thôn”. Nói rồi già Dớ đưa cho tôi xem giấy mời gửi cho thôn Gò Da mà ông vừa nhận từ UBND xã Sơn Ba để dự họp triển khai chương trình hỗ trợ cây, con giống theo Chương trình 30a; giấy mời Hội phụ nữ xã gửi Chi hội phụ nữ thôn Gò Da dự họp triển khai bình xét chọn hộ nghèo xây dựng nhà tình thương. “Không thể gửi bằng đường liên lạc nào khác cả, mọi công văn, giấy tờ trực tiếp người dân ở thôn phải xuống xã để mang về” – già Dớ phân trần.

Nghe từ “thôn đến xã” tưởng gần, nhưng với Gò Da thì lại quá xa. Miệt mài chống gậy, đội nắng, phơi mưa, xuyên rừng, lội suối cả buổi đường mới tới được trung tâm xã. Mỗi lần xuống xã là phải mang theo cơm nắm để ăn trưa. Ghé qua xã nhận thông tin xong, già Dớ lại trở về trường THCS và tiểu học Sơn Ba để nắm tình hình học tập, sức khỏe của con em Gò Da đang theo học. Đôi lúc thay mặt gia đình, già Dớ cõng gạo xuống cho học trò Gò Da nuôi chữ. Nếu có học sinh nào đau ốm, già đưa đến trạm y tế xã gửi gắm cho cán bộ y tế chăm sóc. “Nhiệm vụ không nặng nề nhưng đòi hỏi phải có trách nhiệm cao. Nếu sơ suất, thiếu sót là dân làng buồn mình đấy!”-già Dớ bảo thế.

 

Một góc thôn Gò Da hôm nay.
Một góc thôn Gò Da hôm nay.


Chuyện thôn Gò Da bình chọn, cử “giao liên” của làng được thực hiện từ nhiều năm nay. Cứ mỗi năm, Gò Da lại cử đại diện một hộ dân có điều kiện sức khỏe để làm nhiệm vụ này. Lần lượt hết hộ này đến hộ khác và được coi như đóng góp nghĩa vụ cho việc chung của làng. Người được chọn làm giao liên cho làng trong cả năm không phải ra rẫy, xuống ruộng, lên rừng làm việc nhà mà chỉ tập trung một việc là xuống xã hằng tuần để nắm bắt chủ trương, chính sách, thông tin về thông báo, triển khai trong nhân dân Gò Da. Việc nhà đã có những người dân trong thôn chia nhau gánh vác. “Ồ, họ đi làm việc cho dân làng thì làng phải làm việc nhà cho họ chứ!” – già làng Đinh Phia, thôn Gò Da khẳng định. Để làm thay việc nhà cho “giao liên”, các hộ dân còn phải “đóng” 30 ngày công/năm cho gia đình người giao liên ấy.

Ở nơi tình làng tỏa sáng

Chúng tôi theo chân già Dớ về Gò Da vào một buổi sáng cuối tuần cùng đám học trò nhỏ rời trường về thăm bố mẹ. Xa và khó đi thật. Mệt nhưng vui vì tôi lại có thêm một trải nghiệm quý về tình người nơi miền sơn cước. Dốc thẳng đứng, suối sâu, mỗi lần qua được suối, vượt được núi là già Dớ lại nắm tay tôi lắc lắc động viên “giỏi thật, giỏi thật”. Quá trưa, mới đến ngọn đồi cuối cùng dẫn về làng bạt ngàn sim tím. Cuối làng là những thửa ruộng bậc thang và những cây chè xanh vào hàng cổ thụ. Già Dớ chỉ tay về phía những đám ruộng bảo: “Ruộng tình nghĩa của làng mình đấy!”. Rồi giải thích: Những người già đơn chiếc không đi xa nổi, được dân làng ưu tiên cấy lúa ở ruộng gần nhà. Ai không làm nổi, thì dân làng tập trung làm hộ, để nhà nào cũng có lúa, có gạo ăn.

 

Cuối tuần học sinh Gò Da theo chân “giao liên” về thăm nhà.
Cuối tuần học sinh Gò Da theo chân “giao liên” về thăm nhà.


Về tới đầu làng, một bé trai gần mười tuổi chạy ra mừng đón chúng tôi. Già Dớ lại được dịp giới thiệu: “Đây là cậu bé bị bệnh tim bẩm sinh vừa được làng đề nghị hỗ trợ mổ tim miễn phí. Nay nó khỏe rồi, tương lai sẽ lại làm giao liên cho dân làng đấy”. Đây quả là một minh chứng cho sự nắm bắt kịp thời thông tin xã hội của Gò Da. Ở nơi xa tít thế này mà người dân cũng biết đến Quỹ mổ tim miễn phí để mang lại nhịp đập khỏe mạnh cho trái tim trẻ thơ nghèo.
 
Ở Gò Da tuy xa, nhưng tất cả trẻ em đến độ tuổi vào lớp 1 đều được đến trường. Trước đây, vì đường quá xa xôi, dân làng làm chòi cho các em ở lại gần trường bám lớp. Sau đó, trường cùng nhà hảo tâm xây dựng phòng học bán trú cho các em. Thế là toàn bộ học sinh xuống núi tìm chữ đã bớt đi nỗi nhọc nhằn. Người làng mỗi khi đau ốm, sinh đẻ được hàng xóm khiêng võng hoặc cõng đến trạm y tế xã rất kịp thời.

Hôm về Gò Da đúng vào dịp người dân được cấp phát cây giống để trồng rừng. Nhiều người khá giả đã nhường lại cho hộ khó khăn số cây giống được cấp, để “hàng xóm mình trồng rừng, có thêm điều kiện sớm thoát nghèo”. Bí thư Chi bộ thôn Gò Da Đinh Văn Vôi bảo: “Làng mình đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau như người ruột thịt. Nhiều lần kẻ xấu xâm nhập, gây mất đoàn kết trong làng đều bị dân làng phát hiện, buộc xuống núi, cam kết không được trở lại Gò Da làm phiền dân làng nữa”.

Để tạo thuận lợi cho người dân Gò Da, năm 2009, huyện Sơn Hà đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng khu tái định cư Mang Pô di dời 37 hộ dân Gò Da xuống núi. Hiện nay, khu tái định cư này đã hoàn thiện. Về nơi ở mới gần trung tâm xã hơn, chắc chắn những người “vác tù và” ở Gò Da sẽ không còn phải nhọc nhằn như trước nữa…


Ghi chép của THANH NHỊ
 


.