Cử tri Quảng Ngãi: Gửi gắm niềm tin đến Quốc hội

04:01, 04/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hoạt động của Quốc hội khóa XIII đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ, chất lượng, nhiều ý kiến đóng góp của cử tri được lắng nghe và thực hiện, đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân. Sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, cử tri trong tỉnh tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến và kiến nghị đến Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm giải quyết đến nhiều vấn đề quốc kế, dân sinh.

TIN LIÊN QUAN

Năm 2015, cử tri và nhân dân cả nước vui mừng vì kinh tế đất nước có bước phát triển, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; kết cấu hạ tầng được Nhà nước quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc… Cử tri bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tuy vậy, trong thực tế cuộc sống, nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước vẫn còn một số bất cập cần được giải quyết.

Từ chuyện quốc kế…

Thời gian qua, tình hình Biển Đông luôn căng thẳng, đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền biển, đảo của nước ta. Cử tri mong muốn Chính phủ tìm kiếm giải pháp hữu hiệu, đấu tranh mạnh mẽ để bảo vệ an ninh trên biển, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đối với giáo dục, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, trong thời gian qua, người dân lo lắng về tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống ở giới trẻ ngày càng nghiêm trọng, gây nên hậu quả xấu cho xã hội. Cử tri cho rằng, nguyên nhân có phần của ngành giáo dục; công tác giảng dạy còn nặng về chuyển giao kiến thức, xem nhẹ về giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HSSV. Cử tri kiến nghị ngành giáo dục rà soát, cân đối chương trình giảng dạy phù hợp với từng cấp để vừa rèn đức luyện tài, tăng cường đào tạo kỹ năng sống để các em trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội, tạo nguồn lực cho đất nước.

Ông Vũ Trọng Kim - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ĐBQH khóa XIII tỉnh Quảng Ngãi nói chuyện với cử tri xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh).
Ông Vũ Trọng Kim - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ĐBQH khóa XIII tỉnh Quảng Ngãi nói chuyện với cử tri xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh).


Cử tri trong tỉnh cũng lo lắng, thời gian qua, có quá nhiều trường đào tạo ngành sư phạm, nhưng chưa chú trọng đến đào tạo toàn diện, nên sinh viên ra trường thừa về số lượng, nhưng thiếu giáo viên có chất lượng, đáp ứng chuyên môn, kỹ năng, đạo đức người thầy; gây lãng phí nguồn lực xã hội và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Chương trình giáo dục mầm non quy định không được dạy chữ, trong khi chương trình lớp 1 lại yêu cầu học sinh phải biết đọc, biết viết, gây khó khăn cho học sinh và lo lắng cho phụ huynh. Cử tri cũng cho rằng, môn lịch sử có vị trí, ý nghĩa rất quan trọng trong hệ thống giáo dục phổ thông, là yếu tố quyết định nhân cách, truyền thống của con người Việt Nam, nhưng thời gian qua việc dạy và học môn lịch sử chưa được quan tâm đúng mức, có dấu hiệu đi xuống, học sinh mơ hồ về kiến thức lịch sử nước nhà.

Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát, sắp xếp lại các trường Sư phạm trên cả nước, chỉ cho phép hoạt động một số trường sư phạm trọng điểm, có đủ điều kiện đào tạo giáo viên các bậc học, để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; nghiên cứu lại chương trình học của cấp học mầm non và tiểu học để có sự chuyển tiếp hợp lý giữa hai cấp học; không tích hợp môn lịch sử vào các môn học khác, cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy để môn lịch sử hấp dẫn hơn đối với  học sinh.

Đến vấn đề dân sinh

Phần đông người dân Quảng Ngãi sống bằng nông nghiệp, nên đời sống còn nhiều khó khăn, do thu nhập từ sản phẩm nông nghiệp bấp bênh. Có chính sách kiểm soát giá đối với vật tư nông nghiệp, thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tạo sự ổn định giá nông sản, giúp người nông dân có lãi từ sản phẩm làm ra, yên tâm sản xuất, cải thiện đời sống là mong mỏi của cử tri Quảng Ngãi kiến nghị đến Chính phủ trong thời gian đến. Cùng với đó, cử tri rất lo lắng về ATVSTP, tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc tăng trưởng… trong trồng trọt khá phổ biến, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Cử tri đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo mạnh công tác kiểm tra ATVSTP, có cách giúp người dân nhận biết những sản phẩm độc hại và lựa chọn những loại thực phẩm an toàn để sử dụng.

Về xây dựng nông thôn mới, người dân hoan nghênh và đồng tình ủng hộ chủ trương của Nhà nước, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân tăng lên. Tuy nhiên, cử tri cũng kiến nghị, giữa vùng nông thôn và thành thị còn thiếu công bằng về hệ thống điện chiếu sáng công cộng. Họ cho rằng, ở đô thị, Nhà nước đầu tư hệ thống chiếu sáng công cộng, người dân đô thị được hưởng lợi. Trong khi ở nông thôn, người dân tự đóng góp kinh phí để xây dựng hệ thống điện thắp sáng đường quê, lại phải chịu chi phí thêm tiền điện, nên không công bằng. Do vậy, cử tri đề nghị Nhà nước có cơ chế hỗ trợ kinh phí để xây dựng đường điện chiếu sáng công cộng ở nông thôn và miễn tiền điện chiếu sáng, để người dân vùng nông thôn có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong lĩnh vực y tế, việc thực hiện chính sách BHYT toàn dân vừa qua đã phát sinh nhiều bất cập. Chẳng hạn, trong gia đình có thành viên đi làm ăn xa, ít về địa phương, khi tham gia BHYT theo quy định thì việc khám, chữa bệnh BHYT rất khó khăn, khó thực hiện được. Cử tri kiến nghị cần nghiên cứu theo hướng để người dân được lựa chọn nơi tham gia BHYT phù hợp với điền kiện làm ăn, sinh sống, để khuyến khích người dân tham gia, góp phần thực hiện thành công chủ trương BHYT toàn dân.
 

X. THIÊN
 


.