Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:
Học Bác từ những việc làm bình dị nhất- Kỳ 1: Gieo lòng nhân ái

04:05, 27/05/2013
.

(QNg)- Bác Hồ là một con người rất đỗi bình dị, giàu lòng nhân ái, biết hy sinh bản thân mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hình ảnh ấy của Bác giờ là tấm gương để mọi người noi theo.
 

TIN LIÊN QUAN

 

 Kỳ 1:  Gieo lòng nhân ái



 Dẫu cuộc sống đời thường còn bao điều phải lo toan, suy nghĩ, song họ vẫn lặng lẽ cống hiến, chia sẻ, yêu thương, đùm bọc những mảnh đời bất hạnh, vì tương lai của các con...



 Thơm thảo một tấm lòng

Bỏ ngoài tai những lời dèm pha, ông Đỗ Thanh Bình (59 tuổi) ở đội 6, thôn Đoàn Kết, xã Tịnh Ấn Đông (Sơn Tịnh) đã không quản ngại khó khăn, mưa nắng lặng lẽ trèo đèo, lội suối tìm cây thuốc chữa bệnh cho người nghèo và làm từ thiện. Thời trai trẻ ông làm nghề chẻ đá nên thường xuyên bị đau lưng, bong gân tay chân. Vì thế, ông đã mày mò học được những bài thuốc dân gian để tự chữa bệnh khớp, đau cột sống, đau dây thần kinh cho bản thân. "Thấy những bài thuốc dân gian mang lại hiệu quả nên năm 2004 nhà tôi trở thành điểm chữa bệnh xương khớp của người dân nghèo không chỉ ở trong huyện"- ông Bình kể. Những gia đình nghèo, ông chữa miễn phí; gia đình có điều kiện kinh tế, ông vận động người thân của họ ủng hộ người nghèo thông qua thùng từ thiện đặt tại nhà ông.

Quỹ Tấm lòng vàng của báo Lao động trao quà cho gia đình ngư dân gặp nạn.
Quỹ Tấm lòng vàng của báo Lao động trao quà cho gia đình ngư dân gặp nạn.


Việc làm đó của ông Bình đã gieo lòng nhân ái cho rất nhiều người. Cũng từ đó, thùng từ thiện của ông Bình ngày càng có nhiều người tham gia, trở thành điểm tựa của người nghèo, những mảnh đời kém may mắn. Định kỳ hằng tháng, hoặc có khi hằng tuần, ông mang số tiền vận động được đến những gia đình nghèo thăm hỏi, động viên họ vượt qua khó khăn. Cuộc sống của gia đình tuy còn khó khăn, nhưng tôi thấy nhiều người còn khổ hơn mình, họ rất cần được chia sẻ, giúp đỡ”- ông Bình bộc bạch. Từ suy nghĩ đó, hằng tuần ông dành 1 triệu đồng từ tiền khám bệnh, quyên góp qua thùng từ thiện để đi giúp người nghèo. Tuần nào không đủ, ông trích một khoản thu nhập  từ việc đan giỏ sắt để bán. Đến nay ông đã hỗ trợ, giúp đỡ cho 60 gia đình nghèo ở khắp nơi trong tỉnh, với tổng số tiền 58,5 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn phối hợp với nhóm từ thiện ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) đi làm từ thiện giúp người nghèo ở nhiều nơi trong tỉnh.

"Chia sẻ, giúp đỡ người nghèo khó là truyền thống quý báu của dân tộc. Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng truyền thống này thì không lẽ nào mình không quan tâm. Vả lại, vợ chồng tôi hiếm muộn đường con cái nên lấy việc làm từ thiện làm niềm vui của tuổi già"-ông Bình nói.

Gánh chữ cho con

Còn ở thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn) không ai không biết gia đình ông Đinh Tiên Hoàng- một người dân tộc Cor đã lặng lẽ "hy sinh đời bố” để các con ông được đến trường, học giỏi, chăm ngoan. Chúng tôi đến thăm ông trong một ngày trung tuần tháng 5, khi mặt trời đã đứng bóng, vợ chồng ông vẫn tranh thủ dọn bờ ruộng để kịp xuống giống gieo sạ vụ hè thu 2013. Nhìn những giọt mồ hôi lăn trên trán và nụ cười tươi cũng đủ biết vợ chồng ông là người tảo tần và hạnh phúc với các con của mình như thế nào!  Căn nhà của ông tuy nhỏ, nhưng rất ấm cúng. Ông kể: Cha mất sớm, nên ông học đến lớp 7 thì phải nghỉ học để phụ giúp mẹ. Năm 1988, ông lập gia đình rồi lần lượt hạ sinh bốn đứa con trai. Để nuôi con ăn học, vợ chồng ông phải làm mọi việc, từ lên rừng kiếm củi đem xuống thị trấn Châu Ổ bán, đi làm thuê, đến vỡ hoang đất đồi trồng mì, keo... "Ở đời này không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền mà thôi..."- ông Hoàng nói.

Siêng năng, tảo tần là vậy, nhưng cái đói, cái nghèo luôn đeo bám gia đình. Đã vậy, ở xóm Hố Dài này, đa phần các hộ gia đình lam lũ làm ăn nên chuyện học hành của con em ít được quan tâm, nhiều gia đình phó mặc cho thầy, cô giáo. Nhưng vợ chồng ông thì khác, ông nghĩ, muốn bớt đi đói khổ thì phải cho con ăn học. Chính vì vậy nên dù vất vả đến mấy vợ chồng ông cũng không để các con bỏ học.

Ông Hoàng nhớ lại: Ngày má của tụi nhỏ bị gãy chân, tôi phải đối mặt với bao khó khăn. Một mình tôi vừa lo chạy vạy tiền chữa trị cho vợ, vừa lo tiền cho con ăn học. Thấy cha mẹ vất vả, Đinh Tiên Vương khi đang học lớp 10 xin nghỉ học để phụ giúp, nhưng tôi không cho. Khi đứa lớn vào Đại học Y Huế, đứa thứ 2 vào Học viện Phòng không-Không quân, trong nhà chẳng còn gì nên tôi phải bán nương keo mới 3 năm tuổi cho con mang theo ăn học. Tôi nghĩ, ở nhà vợ chồng đói khổ còn chịu được, chứ con cái đi học xa thì sống thế nào. Do khó khăn nên mỗi tháng tôi chỉ gửi mỗi đứa có mấy trăm ngàn để chúng ăn học, nhưng bù lại chúng nó ngoan và học giỏi nên gia đình vui lắm!

Nhờ chăm chỉ và siêng năng trong việc học tập nên Đinh Tiên Vương, SV năm thứ sáu Trường Đại học Y Huế luôn được nhận học bổng. Đinh Tiên Vĩ thì đã tốt nghiệp Học viện Phòng không - Không quân được điều về công tác ở Quân khu V. Cháu thứ ba là Đinh Tiên Đại đang học lớp 12 và đứa con út là Đinh Tiên Huynh học lớp 7 cũng đều chăm ngoan, học giỏi. Anh Hoàng bộc bạch: "Vợ chồng tôi lúc nào cũng căn dặn các con phải biết thương người, biết tự lực vươn lên, đừng trông chờ, ỷ lại vào sự đãi ngộ, hỗ trợ của Nhà nước. Và chúng đã làm được điều đó".

Không chỉ chăm lo cho con chu đáo, ông Hoàng còn tích cực phát triển kinh tế gia đình. Ông tiên phong trồng keo nguyên liệu, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa nước, trồng mì, đậu phụng... Vì thế các loại cây trồng, vật nuôi đều cho năng suất, sản lượng cao, đem lại nguồn thu nhập cho gia đình ông từ 40-50 triệu đồng/năm. Nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình ngày một khấm khá. Ông cũng đứng ra vận động bà con trong xóm chăm lo việc học hành cho con em, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.


Bài, ảnh: Bá Sơn

* Kỳ 2: Nặng lòng với biển cả 
 


.