Người có uy tín ở Minh Long: Góp sức xây dựng đời sống văn hóa mới

01:01, 08/01/2013
.

(QNg)- Minh Long là huyện miền núi có 2/3 dân số là người dân tộc Hrê. Trong những năm qua, người có uy tín tiêu biểu ở đây đã có những đóng góp tích cực trong công tác XĐGN, xây dựng đời sống văn hóa mới.

TIN LIÊN QUAN


Ông Đinh Vót ở thôn Thiệp Xuyên, xã Long Hiệp là một trong những người tiêu biểu luôn được mọi người trong thôn quý mến và tin tưởng. Bởi lẽ, khi trong thôn, thậm chí trong xã có gia đình nào xảy ra những bất hòa,  nhưng khi có tiếng nói của ông Vót là mọi chuyện trở nên êm đẹp. Ngoài việc tham gia tuyên truyền để người dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… ông Vót vận động bà con không nghe và không làm theo lời kẻ xấu, những điều trái pháp luật.

 

Ông Đinh Vót thường xuyên đến nhà từng hộ gia đình trong thôn để trò chuyện.
Ông Đinh Vót thường xuyên đến nhà từng hộ gia đình trong thôn để trò chuyện.



Trước đây, người dân Thiệp Xuyên còn giữ nhiều hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, chữa bệnh.  Nhưng với sự tham gia của ông và cán bộ thôn, xã trong công tác tuyên truyền nên những hủ tục trên được xóa bỏ, xây dựng được khối đoàn kết ở khu dân cư và gia đình văn hóa. Ông Đinh Vót chia sẻ: "Qua hòa giải thấy bà con đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất những lúc gặp hoạn nạn khó khăn là mình vui lắm rồi". Ghi nhận những đóng góp vì cuộc sống cộng đồng, ông Vót đã được UBND tỉnh công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

 Với ông Đinh Xông ở xã Long Mai, nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện Minh Long, từ ngày về hưu, ông không an phận tuổi già mà càng tích cực hơn với công tác hòa giải trong thôn, xã và cũng là một trong những người tiên phong trong việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày, ông vẫn dành thời gian đọc báo, nghe đài để nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bằng vốn sống, sự hiểu biết và kinh nghiệm nhiều năm công tác, ông đã tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết trong cuộc sống, lao động sản xuất; giữ gìn những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp; vận động người dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất để xóa đói giảm nghèo. Tuy không được gia đình ủng hộ, nhưng ông Xông vẫn tham gia xây dựng mô hình trồng mía trên đất gò đồi đầu tiên trong huyện và đã đạt được hiệu quả kinh tế cao.

Từ mô hình của ông đã giúp người dân trong xã, huyện có cái nhìn lạc quan hơn với phương thức canh tác mới này. Để bà con nghe và tin mình, thì trước khi vận động một việc gì đó phải đặt mình vào vị trí của họ để xử lý các tình huống bảo đảm công bằng. Đồng thời, phải hiểu rõ các phong tục, tập quán của đồng bào và nắm rõ pháp luật của Nhà nước thì mới có thể nói cho họ hiểu được", ông Xông nói.

Việc làm của ông Vót và ông Xông có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và củng cố khối đại đoàn kết, chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xóm làng bình yên.


Bài, ảnh: Xuân Hiếu

 


.