Tạo bước đột phá trong phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

03:02, 05/02/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 5/2, tại TP.Quy Nhơn, Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư vùng.
[links()]
 
Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 
 
Về phía lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh và đại diện lãnh đạo một sở, ngành của tỉnh.
 
Với chủ đề “Liên kết – Đột phá từ kinh tế biển – Phát triển nhanh và bền vững”, hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của 14 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Đây là khu vực có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là Chiến lược phát triển bền vững về kinh tế biển.
 
Mở ra không gian phát triển mới
 
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm 28,9% diện tích của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước và nhiều cảng nước sâu, các đảo, cụm đảo và quần đảo quan trọng như: Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Cù Lao Chàm... 
Trước giờ khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã cắt băng khánh thành Triển lãm ảnh Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ "Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển – Phát triển nhanh và bền vững" do Bộ KH&ĐT phối hợp Bộ VH,TT&DL tổ chức; tham quan khu trưng bày nông sản và sản phẩm thủ công đặc trưng Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đã có bước phát triển tích cực, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực còn thấp hơn mức trung bình cả nước.

 
Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá…
 
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập; đổi mới tư duy phát triển, tạo sự đồng thuận và phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, cũng như các địa phương trong vùng, ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 
 
Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, ngày 29/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ các mục tiêu xây dựng và phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030: "Trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hoá, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường".
 
Tầm nhìn đến năm 2045: "Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hoá, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường".
 
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng công bố Nghị quyết số 168 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng công bố Nghị quyết số 168 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị.
Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của nghị quyết. Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra.
 
Chương trình hành động của Chính phủ thể hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đổi mới về tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương trong vùng; tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động từ các cơ quan trung ương, các bộ, ngành tới các địa phương trong vùng.
 
Tập trung phát triển các ngành kinh tế biển theo Quy hoạch Vùng và quy hoạch từng địa phương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với các vùng khác trong nước; coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển, nghiên cứu tổ chức không gian phát triển vùng theo các tiểu vùng: Tiểu vùng Bắc Trung Bộ, Tiểu vùng Trung Trung Bộ và Tiểu vùng Nam Trung Bộ.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của Quảng Ngãi trước khi dự hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của Quảng Ngãi.
Chương trình hành động xác định 17 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7-7,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 156 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành); tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 30%; kinh tế số trong GRDP vùng đạt khoảng 30%. Thu ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 20 -25% cả nước; tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 47- 48%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 75%. Tỉ lệ hộ nghèo giảm 1- 1,5%/năm; đạt 11 bác sĩ/vạn dân. Tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 54%.

Nghị quyết số 168 của Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị; Hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; Phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông.

Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển toàn diện văn hoá - xã hội vùng; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.

Chương trình hành động của Chính phủ cũng đề ra 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng để phát triển bứt phá, gồm các dự án có tính kết nối vùng: đường cao tốc trục Bắc Nam, đường cao tốc trục ngang kết nối Đông - Tây, đường bộ ven biển, đường sắt, cảng biển, các dự án nâng cấp, xây mới các cảng hàng không hiện có trong vùng; đồng thời đã phân công các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện với lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể.

Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của 14 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của 14 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
 
Tư tưởng chỉ đạo và nội dung Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168 về Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều quan điểm định hướng mới, ý tưởng mới và tầm nhìn mới có tính đột phá trong phát triển của Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
 
"Chúng ta có thể tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và ý chí, khát vọng phát triển của người dân trong vùng, chúng ta có thể biến khó khăn, thách thức thành cơ hội mới, biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển để Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đột phá, phát triển nhanh và bền vững xứng đáng với vai trò, vị trí chiến lược và các tiềm năng và lợi thế của Vùng", Bộ trưởng bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
 
Đưa vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thành vùng đất giàu có, giàu bản sắc văn hóa 
 
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các tổ chức, đối tác phát triển, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước thảo luận nêu bật các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; chương trình, hành động và giải pháp đột phá để liên kết vùng, tạo đột phá về kinh tế biển, thúc đẩy vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển nhanh và bền vững.
 
Các đại biểu khẳng định Chương trình hành động của Chính phủ cụ thể hóa Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của vùng.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi để phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
 
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, với diện tích tự nhiên 95.860 km2, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, đối ngoại và quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế;…
 
Vùng có hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ loại hình; tài nguyên, khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn; tài nguyên độc đáo, hấp dẫn cho phát triển nhiều loại hình du lịch. Đặc biệt là có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc, có 5 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và 6 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; nguồn lực to lớn về con người, người dân thân thiện, hiền hòa, cần cù, năng động, sáng tạo; có nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, chính trị nổi tiếng, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương xem tham quan khu vực triển lãm ảnh Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương tham quan khu vực triển lãm ảnh Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ "Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển – Phát triển nhanh và bền vững".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ trăn trở về cả 3 đột phá chiến lược của vùng. Theo đó, hạ tầng kết nối, gồm cả hạ tầng cứng và mềm, cả liên kết nội vùng, liên vùng và với cả nước, với thế giới; kết nối về thể chế, ý tưởng, đổi mới sáng tạo… nhất là kết nối hạ tầng giao thông; việc phát triển hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội… còn hạn chế. Đồng thời, Thủ tướng đặt vấn đề khai thác, phát huy tối đa nguồn lực con người như thế nào. Cùng với đó là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. 
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết, Chính phủ đã có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị để phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, việc quan trọng hiện nay là phải tổ chức thực hiện thật tốt để Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thành vùng đất giàu có, giàu bản sắc văn hóa, nhiều đột phá hơn nữa.
 
Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và 14 địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ. Tập trung hoàn thiện thể chế, quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng, trong đó phải xây dựng, vận hành cơ chế điều phối vùng; tổ chức chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tập trung vào chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy kinh tế du lịch, phát triển kinh tế rừng; phát triển kinh tế nông nghiệp.
 
Tập trung vào 3 động lực tăng trưởng bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; phát triển mạnh hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông, trong đó có hệ thống đường bộ cao tốc các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối với Tây Nguyên.
 
Các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố phải quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư “Dự án đầu tư kho vận SIS Quảng Ngãi”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư “Dự án đầu tư kho vận SIS Quảng Ngãi”.

QUẢNG NGÃI TRAO GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ CHO NHIỀU DỰ ÁN

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư “Dự án đầu tư kho vận SIS Quảng Ngãi”, tổng vốn đầu tư 17,1 triệu USD cho Công ty TNHH Sembcorp Development Vietnam; trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy sản xuất thép dây cuộn chất lượng cao Hòa Phát Dung Quất, với tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng cho Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất và trao Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án Khu công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP II Quảng Ngãi, với tổng mức đầu tư dự kiến 270  triệu USD cho Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi.

Về đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thấm nhuần quan điểm “hợp tác và phát triển” trong thu hút đầu tư, đảm bảo “bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; tập trung tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông thu hút đầu tư, phát triển; thúc đẩy các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch; thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, dựa trên chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường.

Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam nói chung và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói riêng.
 
Các đối tác, nhà đầu tư cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác, tuân thủ luật pháp Việt Nam, trên tinh thần “đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có hiệu quả đo đếm, nhìn thấy được; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; trao giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận đầu tư, biên bản ghi nhớ đầu tư giữa các Bộ, tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ với các đối tác, doanh nghiệp.
 
N.ĐỨC
 

.