Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận các dự án luật

10:11, 02/11/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 1/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự. Tổ 4 gồm các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bạc Liêu. 
[links()]
Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng chủ trì phiên họp.
 
Quang cảnh phiên họp tổ 4 vào chiều 1/11. Ảnh:  QH
Quang cảnh phiên họp tổ 4, chiều 1/11. Ảnh: QH
 
Tham gia thảo luận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, bày tỏ về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Phòng thủ dân sự cũng như phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo luật.
 
Theo đại biểu Vũ Thị Liên Hương, từ “trang bị” tại Khoản 4, Điều 4 vể “Tăng cường trang bị, phương tiện lưỡng dụng cho lực lượng vũ trang” được hiểu là trang bị phòng thủ dân sự đã bao gồm phương tiện nói chung, trong đó có phương tiện lưỡng dụng. Do đó, đề nghị điều chỉnh Khoản 4, Điều 4 thành “tăng cường trang bị, đặc biệt là phương tiện lưỡng dụng cho lực lượng vũ trang”.
 
Cùng với đó là, điều chỉnh Khoản 2, Điều 19 về “Kiểm tra trang bị, phương tiện, vật tư hiện có; bổ sung trang bị, phương tiện, vật tư cho các khu vực trọng yếu” thành “Kiểm tra trang bị phòng thủ dân sự hiện có, bổ sung trang bị phòng thủ dân sự cho các khu vực trọng yếu”. 
 
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu thảo luận. Ảnh: Qh
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu thảo luận. Ảnh: QH
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương cho rằng, Điểm b, Khoản 2, Điều 8 về “Tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ thảm họa” là chưa đầy đủ và rõ ràng. Vì vậy, cần bổ sung cụm từ “khắc phục hậu quả” sau từ “hỗ trợ” thành “Tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ khắc phục hậu quả thảm họa”.
 
Ngoài ra, đại biểu Vũ Thị Liên Hương đề nghị điều chỉnh Điểm c, Khoản 1, Điều 39 thành “Tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố khi được huy động; được bồi thường, hoàn trả vật tư, phương tiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản; hưởng tiền công lao động khi tham gia phòng thủ dân sự theo lệnh huy động của người có thẩm quyền; nếu bị thương, bị chết được hưởng chế độ, chính sách tại Khoản 2, Điều 46”.
 
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương phân tích, rủi ro do thảm họa, sự cố thường xảy ra trên diện rộng, vượt quá khả năng chi trả của các doanh nghiệp bảo hiểm và gây hậu quả nặng nề cho nhiều đối tượng. Thực tế các loại bảo hiểm hiện hành, cũng như thông lệ bảo hiểm quốc tế các trường hợp này đều nằm trong điều khoản loại trừ bảo hiểm; việc khắc phục các rủi ro này thường mang tính xã hội, cần phải có trợ cấp của Nhà nước hoặc hỗ trợ của quốc tế.
 
Do đó, bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự có khó có tính khả thi. Ngoài ra, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có bảo hiểm phi nhân thọ gồm các loại hợp đồng bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thiệt hại… Vì vậy, đại biểu đề nghị bỏ Điều 47 về “Bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố”.
 
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tham dự phiên họp chiều 1/11. Ảnh: Qh
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tham dự phiên họp, chiều 1/11. Ảnh: QH
Góp ý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, tại Khoản 1, Điều 5 của dự thảo luật có quy định: “Trường hợp thật cần thiết, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của tổ chức kinh tế hợp tác thì được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Việc thanh toán, bồi thường phải bảo đảm lợi ích của tổ chức kinh tế hợp tác và không phân biệt đối xử giữa các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác”.
 
Việc quy định như dự thảo luật là chưa rõ ràng, cần quy định rõ trong Luật trường hợp thật cần thiết vì lý do gì để phù hợp với quy định tại Khoản 3, Điều 32 của Hiến pháp 2013 là: “Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”. Mặt khác, Hiến pháp còn quy định rõ giá bồi thường tài sản bị trưng mua, trưng dụng “theo giá thị trường” tại thời điểm trưng mua, trưng dụng tài sản. 
 
Vì vậy, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị Cơ quan soạn thảo chỉnh sửa lại quy định tại Khoản 1, Điều 5 của dự thảo luật để phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013.
 
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tham gia ý kiến tại phiên họp. Ảnh: QH
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tham gia ý kiến tại phiên họp. Ảnh: QH
 
Theo đại biểu Trần Thị Hồng An, dự thảo Luật quy định việc chuyển đổi tổ hợp tác, là tổ chức không có tư cách pháp nhân, thành hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân, với chế định pháp lý quy định chặt chẽ về thành lập, tổ chức quản trị, tài sản, tài chính, thành viên, cơ cấu tổ chức và quyền, nghĩa vụ, các vấn đề khác có liên quan của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân. 
 
Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định điều kiện để chuyển đổi tổ hợp tác trở thành hợp tác xã rất đơn giản là: “Tổ hợp tác đã đăng ký kinh doanh được phép chuyển đổi thành hợp tác xã khi có tối thiểu 5 thành viên và được 100% số thành viên tán thành và cam kết tham gia là thành viên của hợp tác xã, có bản chính giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác, bản sao giấy chứng nhận đăng ký thuế (nếu có) và các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật này. 
 
Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định điều kiện chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã chặt chẽ hơn, cụ thể hơn. 
 
DCH - HA

.