Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận các dự án luật

05:11, 02/11/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 2/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Tổ 4 gồm các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bạc Liêu.
[links()]
Tại phiên thảo luận tổ, đa số ĐBQH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
Quan tâm đến chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chính sách của Nhà nước về sản xuất và tiêu dùng bền vững, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra rằng, cần đảm bảo tính khả thi của những chính sách này, nhiều chính sách còn quy định chung chung, mang tính phiến diện. Do đó, đề nghị rà soát, cần có chính sách rõ ràng hơn, đột phá hơn trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan phát biểu thảo luận. Ảnh: PV
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan phát biểu thảo luận. Ảnh: PV
 
Về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh, một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã khắc phục được một số khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh; đảm bảo áp dụng thủ tục của trọng tài thương mại, áp dụng thủ tục rút gọn trong Bộ luật Tố tụng dân sự, tổ chức xã hội đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án... Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để tăng tính khả thi của các phương thức giải quyết tranh chấp, đặc biệt là phương thức Tòa án và Trọng tài.
 
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, nội dung tại chương IV dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), quy định về hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; trong đó quy định về tổ chức, hoạt động, quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định về cơ chế tài chính để đảm bảo hoạt động của các tổ chức xã hội này. Riêng tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tại Khoản 2, Điều 52 quy định: “Khi thực hiện nhiệm vụ được cơ quan quản lý nhà nước giao theo quy định tại Khoản 1, Điều này, tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật”, nhưng chưa quy định về cơ chế hỗ trợ. Do vậy, đề nghị xem xét chỉnh lý dự thảo theo hướng giao cho Chính phủ quy định cụ thể về cơ chế tài chính để đảm bảo hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi dự phiên thảo luận tại tổ, sáng 2/11. Ảnh: PV
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi dự phiên thảo luận tại tổ, sáng 2/11. Ảnh: PV
 
Thảo luận về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Vũ Thị Liên Hương cho rằng, Điều 22 về "Chuyển nhượng chứng thư điện tử", tại Khoản 2 có quy định: “Trường hợp pháp luật yêu cầu hoặc cho phép chuyển đổi hình thức văn bản giấy sang chứng thư điện tử đối với các loại giấy tờ mà pháp luật cho phép chuyển nhượng quyền sở hữu và chỉ được tồn tại dưới một hình thức duy nhất, thì văn bản giấy không còn giá trị pháp lý”, nhưng bản gốc của văn bản giấy trong nhiều trường hợp vẫn cần thiết để đối chiếu, do đó đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nội dung quy định này.
 
PV - CTV

.