Tết về ngang ngõ

10:02, 02/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Một chiều cuối năm. Tiếng gió rít từng hồi dài, xuyên qua những hàng cây, kéo theo những lá cây mỏng manh rơi loạt xoạt trên mái nhà. Cái lạnh cũng theo đó tràn về qua căn nhà nhỏ, luồn sâu vào lớp chăn, len qua những lớp áo. Gió bấc về nghĩa là Tết cũng sắp về rồi. Gió bấc về xôn xao gọi Tết và chất chứa bao nhiêu là niềm thương nỗi nhớ, bao nhiêu là ước mong. Năm nào cũng vậy, lòng người cứ náo nức đón chờ, xốn xang khi những cơn gió bấc về, để khoác lên mình chiếc áo len ấm áp rồi ra trước hiên nhà đắm mình trong vị Tết đang lẩn khuất đâu đó trong cơn gió kia. 
 
Vỉa hè thâm trầm, lặng lẽ thường ngày bỗng rộn ràng, xôn xao trong tiếng lá khô lạo xạo như tiếng thời gian vờn mình trong gió. Ai đó đã gom lá khô thành đống rồi đốt. Những vòng khói lam trắng bay lên níu bước người vội vàng trên phố. Hít sâu vào lồng ngực mùi khói thơm nồng, để rồi ngẩn ngơ nhớ khói bếp rơm, bếp rạ ngày cuối đông, hay mùi cay nồng của khói đốt vàng mã ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời.
 
Vườn quê ngày Tết.  				       ẢNH: Hiền Thu
Vườn quê ngày Tết. ẢNH: Hiền Thu
Trên những chuyến tàu về với Tết, gặp muôn vàn nụ cười từ những gương mặt xa lạ nhưng sao ta lại thấy thân quen tự thuở nào. Vị Tết vấn vương trên người anh thợ xây mặc chiếc áo lao động sờn cũ còn đượm mùi vôi vữa hăng nồng. Là vị trẻ thơ tung tăng, ngơ ngác khi lần đầu theo bố mẹ về quê ăn Tết. Là mùi thơm của nhành quất cảnh được ông bác nâng niu ôm vào lòng sợ trái rụng dọc đường... Trên khuôn mặt của họ lấp lánh niềm vui, như bông hoa xuân chạm phải tia nắng sớm mai bung nở và tỏa hương thơm. Bởi trong thâm tâm mọi người bây giờ chỉ một lòng hướng tới Tết quê nhà. Tất cả nụ cười đều hóa những yêu thương.
 
Rồi Tết chập chững về từ khi cây mai ngoài sân trút hết lá, từng búp non bung vỏ trấu. Rục rịch bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa cũng đã đủ mệt nhoài. Mới đầu tháng Chạp mà mẹ đã tất bật lên danh sách mua sắm nào hạt dưa, lá dong, nếp đậu, không quên củ hành, bó kiệu... Khi mùi gừng tươi bay lên, thơm từ đầu làng đến cuối xóm thì dù người có vô tình mấy đi chăng nữa cũng biết là Tết đang về. Sau hai ba tháng Chạp, vị của Tết bắt đầu đậm đặc, thấm đẫm hòa quyện vào không khí. Mai, cúc, quất... mua về bày trước hiên nhà. Mẻ kiệu tươi rói hong trong gió. Mẹ đốt rơm nếp thay chân nhang bát hương. Nồi bánh chưng đang sôi lục bục trên bếp, nồi nước mùi già và cả mùi thơm của những món ăn được mẹ chuẩn bị chu đáo cho bữa cơm chiều tất niên, cùng mùi nhang trầm tỏa ngát.
 
Những ngày Tết cận kề, tuy bận bịu nhưng nhà nào cũng chộn rộn niềm vui. Phiên chợ Tết đông hơn với hàng hóa đa dạng đủ sắc màu, tấp nập kẻ bán người mua, mà chỉ cần ngắm thôi cũng đã đủ vui rồi. Không gian căn bếp cũng ấm cúng hơn thường ngày. Lắng lại lòng mình giữa những tất bật hối hả để cảm nhận được hương vị Tết, mùi vị Tết dậy lên từ góc bếp xôn xao. Để rồi vui với niềm vui giản dị của một người vợ, người mẹ, người con khi được tự tay chăm sóc gia đình.
 
Có những giá trị tinh thần của ngày Tết không dễ nhìn thấy, nhưng luôn ẩn hiện đâu đó trong từng con người, từng vật dụng, nếp nhà, trong chính không khí tất bật của những ngày cuối năm, trong những nỗi nhớ, hồi ức về Tết xưa, khi cuộc sống còn gian khó. Khi ta sống chậm lại, lắng tâm hồn mình mới nhận ra vị của Tết luôn dịu dàng, dễ chịu và bình an, để ta có thể đắm mình trong đó, cảm nhận một mùa xuân mới nữa đang về ngang ngõ.
 
Thiên Di
 
 
 

.