Nhân vật Quảng Ngãi:
Nguyễn Bá Nghi (1807 - 1870)

04:01, 12/01/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Nguyễn Bá Nghi tên tự là Sư Phần, người làng Thời Phố (sau đổi là Lạc Phố), nay thuộc xã Đức Nhuận huyện Mộ Đức. Nguyễn Bá Nghi đỗ cử nhân năm Tân Mão - 1831 tại trường thi hương Thừa Thiên, năm Nhâm Thìn - 1832, đỗ Phó bảng, trở thành người đỗ đại  khoa đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN


Sau khi thi đỗ, ông được bổ làm Tri huyện, sau thăng Tri phủ. Nhờ có tiếng là ngay thẳng, được vua Minh Mạng đưa lên chức Thự Án sát tỉnh Vĩnh Long. Đầu thời Thiệu Trị (1841), Nguyễn Bá Nghi làm Thự Giảng học sĩ, Tham biện việc Nội các, rồi thăng Thự Thị lang bộ Lại, ít lâu sau bị giáng về chức cũ rồi lại được cất lên làm Thị độc học sĩ tham biện việc Nội các.

Bàn thờ Nguyễn Bá Nghi tại nhà thờ họ Nguyễn thôn Năng An, huyện Mộ Đức.
Bàn thờ Nguyễn Bá Nghi tại nhà thờ họ Nguyễn thôn Năng An, huyện Mộ Đức.


Năm 1844, ông được thăng làm Thự Bố chánh An Giang. Gặp lúc Chân Lạp muốn thần phục nhà Nguyễn, Đốc thần Nguyễn Tri Phương liền cử ông sang thương lượng. Năm 1846, Nguyễn Bá Nghi về kinh, giữ chức Thị lang bộ Lễ, sung làm việc ở Nội các. Năm sau, có kỳ xét công, ông được vua khen, chuẩn cấp cho hưởng lương tòng nhị phẩm.

Năm Tự Đức thứ nhất (1848), nhà vua định bổ Nguyễn Bá Nghi làm Tuần phủ Hưng Hóa, nhưng xét thấy Hà Tiên là nơi trọng yếu, mà ông thì đã từng làm quan ở An Giang, nên đổi bổ ông đến đó. Không lâu sau ông được cử làm Hộ lý Tổng đốc Bình Phú (Phú Yên và Bình Định), rồi Tham tri bộ Lại, sung Kinh diên nhật giảng quan (giảng sử sách hàng ngày trong cung vua), Cơ mật viện đại thần.

Năm Ất Dậu (1853), có kỳ xét công, nhà vua cho ông là người chăm siêng, cẩn thận, nhắc lên làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang). Các hạt ấy nước lụt luôn mấy năm, dân tình quẫn bách, Nguyễn Bá Nghi xin cho chẩn cấp cứu tế và xóa thuế ruộng cho dân, được nhà vua chấp thuận. Năm Tự Đức thứ 12 (1859), nhà vua cho triệu ông về kinh, phong làm Thượng thư bộ Hộ, sung vào Cơ mật viện.

Năm Tân Dậu (1861), quân Pháp hạ đại đồn Chí Hòa (Gia Định), tướng Nguyễn Tri Phương trúng đạn bị thương, triều đình cử Nguyễn Bá Nghi làm Khâm sai đại thần vào kinh lý Gia Định, để tìm giải pháp đối phó với quân Pháp.

Vốn là người rất trọng thực tế, nên sau một thời gian quan sát chiến trường, Nguyễn Bá Nghi nhận định quân chính quy nhà Nguyễn khó có thể giành thắng lợi trước đội quân xâm lược được trang bị hơn hẳn về phương tiện chiến tranh, vì vậy ông đề nghị triều đình nghị hòa để kéo giãn thời gian, tìm đối sách thích hợp.

Oái oăm thay, chủ trương này lại vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phái chủ chiến, bảo thủ trong triều đình, dẫn đến việc Tự Đức ra dụ quở trách: “Nghi từ ngày sai ra đến nay, chỉ thấy chú ý nghị hòa...”. Đầu năm 1862, thành Biên Hòa thất thủ, ông bị giáng xuống làm Tham tri nhưng vẫn lưu lại ở quân thứ Bình Thuận để cùng với Tổng thống đại thần Nguyễn Tri Phương tiếp tục tìm kế sách chống ngoại xâm.


Trong lúc tình hình Nam Kỳ diễn biến phức tạp, thì ở Bắc Kỳ lại bùng lên nhiều rối ren. Tháng chạp năm Quý Dậu (1861), Tạ Văn Phụng tự xưng là Lê Duy Minh, mạo nhận dòng dõi nhà Lê, nổi dậy chống lại nhà Nguyễn. Thấy quân Tạ Văn Phụng ngày càng lớn mạnh, nên sau khi ký hiệp ước Nhâm Tuất với Pháp (tháng 6 năm 1862), nhà vua liền cử nhiều tướng lĩnh ra Bắc đánh dẹp, trong số đó có Nguyễn Bá Nghi. Buổi đầu, ông làm Tham tán ở quân thứ, rồi làm Hộ lý Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên kiêm coi việc quân.

Chán nản trước cách thức đối phó bị động và thiếu nhất quán của triều đình đối với quân Pháp xâm lược, bản thân lại bị thăng giáng thất thường vì những lời sàm tấu, mùa hạ năm 1864, Nguyễn Bá Nghi cáo ốm xin về hưu, nhưng lại bị nhà vua quở trách, giáng 3 cấp, buộc phải ở lại đánh dẹp quân người Mèo đang nổi dậy. Nhờ công thu phục được thành Tuyên Quang, vỗ yên hạt Sơn Tây, ông được bổ làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên.

Năm 1868, Nguyễn Bá Nghi được thăng Thự Hiệp biện đại học sĩ, nhưng vẫn lĩnh chức Tổng đốc như cũ. Năm Canh Ngọ (1870), vì đại thần Võ Trọng Bình tâu lên nhà vua việc ông và Đào Trí trì hoãn phối hợp với quân nhà Thanh đánh quân Ngô Côn- tàn dư của Thiên bình thiên quốc lánh sang nước ta, nên ông và Đào Trí bị cách hết chức tước, nhưng vẫn phải ở lại quân thứ lấy công chuộc tội. Sau đó, Võ Trọng Bình lại tâu lời tốt cho Nguyễn Bá Nghi nên nhà vua giao cho ông chức Bố chính Sơn Tây. Biết việc bổ chức là do lời tâu của Võ Trọng Bình, Nguyễn Bá Nghi thẳng thắn từ chối.

Tháng tư (âm lịch) năm Canh Ngọ - 1870, Nguyễn Bá Nghi bị bệnh, mất tại nhiệm sở, thọ 67 tuổi. Nghe tin, vua  Tự Đức tỏ lòng tiếc thương, cho khai phục lại hàm Tổng đốc, cấp tiền tuất và lệnh quan quân đưa di hài về quê an táng.

Dấu tích Văn chỉ huyện Mộ Đức do Nguyễn Bá Nghi xướng xuất xây dựng
Dấu tích Văn chỉ huyện Mộ Đức do Nguyễn Bá Nghi xướng xuất xây dựng


Nguyễn Bá Nghi là người thông tuệ, có ý tưởng cải cách giáo dục, chủ trương giản bớt lối học từ chương của sĩ tử. Ông từng được cử làm chủ khảo các kỳ thi hương Mậu Thân (1848) tại trường Gia Định, Canh Tuất (1850) tại trường Hà Nội; Quan duyệt quyển các khoa thi Hội Giáp Thìn (1844), Chế khoa Tân Hợi (1851). Ông cũng được vua Tự Đức giao nhiệm vụ tổ chức trùng tu đền Quốc tổ Hùng Vương và là người vận động các nhà khoa mục, văn thân ở quê nhà xây dựng Văn chỉ huyện Mộ Đức, hiện nay vẫn còn di tích.

Trong thời gian làm quan ở kinh đô, gặp dịp vua Minh Mạng tổ chức lễ Tứ tuần đại khánh, nhà vua tin tưởng cử ông làm chủ biên, cùng một số văn thần biên soạn vở tuồng Quần tiên hiến thụy để chúc mừng ngày lễ. Ông cũng giao du thân mật với các danh sĩ đương thời như Nguyễn Văn Siêu, Phan Thanh Giản, Trương Quốc Dụng, Phạm Phú Thứ… Sư Phần thi văn tập, Ngự chế cổ kim thư pháp, Hành Thiện bản ấp lịch triều đăng khoa lục… là những trước tác mà Nguyễn Bá Nghi để lại cho đời sau.

Nguyễn Bá Nghi làm quan triều Nguyễn, qua 3 đời vua (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), trải khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam; nhiều gian nan, gập ghềnh, khi thăng, khi giáng, nhưng lúc nào ông cũng tỏ ra là người mẫn cán, kiên nghị, giàu kiến văn, chuộng thực tiễn.

Ông là thân phụ của nhà yêu nước Nguyễn Bá Loan (1857 – 1908), một trong những thủ lĩnh của các phong trào Cần Vương, Duy Tân hội, Kháng thuế - Cự sưu ở Quảng Ngãi, bị kẻ thù xử chém ngày 24/4/1908.



                                                          Lê Hồng Khánh


*Đón đọc kỳ tới: Nguyễn Tấn (1822 - 1871)


 


CÁC TIN KHÁC
.