Nhân vật Quảng Ngãi:
Đỗ Thúc Tịnh (1818 – 1862)

10:10, 17/10/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Đỗ Thúc Tịnh (nguyên tên Đỗ Như Chương), tự Cấn Trai, sinh năm Mậu Dần- 1818, tại làng La Châu (nay thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), tổ quán làng Phú Lộc, phủ Bình Sơn, nay thuộc thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN


Từ nhỏ, Đỗ Thúc Tịnh nổi tiếng là người hiếu thảo, có tư chất thông minh, ham học. Năm Bính Ngọ (Thiệu Trị thứ 6 – 1846), ông đỗ cử nhân tại trường thi hương Thừa Thiên, đến năm Mậu Thân (Tự Đức nguyên niên – 1848) đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân.

Năm 1850 Đỗ Thúc Tịnh được bổ làm Biên tu, Thự Tri phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhưng chỉ mấy tháng sau ông xin lui về quê để chăm sóc mẹ bị bệnh nặng. Mẹ mất, ông ở nhà thọ tang ba năm, đến lúc mãn tang (1853) thì được gọi hồi triều, bổ làm tri phủ Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa).

Lúc bấy giờ Diên Khánh rơi vào cảnh mất mùa, đói kém, cường hào đè nén dân lành, trộm cướp nổi lên như ong. Việc làm đầu tiên của Đỗ Thúc Tịnh khi nhiệm chức là tìm cách an dân, trợ giúp người bệnh tật, khốn khó, khuyến dụ bọn trộm cướp, du đảng hoàn lương.

Diên Khánh là vùng có nhiều rừng chồi, hổ dữ sống ở đấy thường ra quấy nhiễu. Đỗ Thúc Tịnh vận động mọi người góp sức, góp công sửa chữa đường sá, phát quang bụi rậm, gài bẫy bắt hổ. Mặt khác, ông sai thuộc cấp giúp dân dựng nhà ở, sắm sửa nông cụ, khai khẩn đất hoang, mở mang chợ búa, lập ấp mới theo ven đường. Phủ Diên Khánh dần dần ổn định, nạn cường hào bị dẹp bỏ, người dân ra sức chăm lo đồng án, thú dữ, giặc cướp không còn thả sức hoành hành.

Đỗ tự đường ở thị trấn Châu ổ, huyện Bình Sơn.
Đỗ tự đường ở thị trấn Châu ổ, huyện Bình Sơn.


Năm 1854 (Tự Đức thứ 7) có chỉ triều đình gọi Đỗ Thúc Tịnh về kinh nhận chức Giám sát ngự sử, nhưng người dân đưa nhau đến tỉnh đường xin các quan tỉnh tấu trình triều đình lưu ông ở lại để bá tánh được nhờ. Sớ tâu lên, nhà vua thuận chấp, cho Đỗ Thúc Tịnh đổi hàm Thự Thị độc, lưu nhiệm ở Diên Khánh.  

Ít lâu sau triều đình lại xuống chiếu bổ ông làm Ngoại lang Binh bộ viên. Lệnh vua đến, quan đầu tỉnh nhận thấy việc mộ dân, lập ấp sắp xong nên xin nhà vua cho ông ở lại thêm một thời gian để hoàn thành công vụ.

Vua Tự Đức ban dụ khen Đỗ Thúc Tịnh “là người thanh liêm, cần cán vào hạng nhất trong hàng phủ huyện”, cho được hưởng hàm Thực thụ Thị độc, vẫn lưu lại Diên Khánh tiếp tục việc chiêu dân, lập ấp, tỏ rõ tài kinh bang tế thế để làm gương cho quan lại các phủ, huyện khác.

Kính trọng tài đức của Tri phủ Đỗ Thúc Tịnh, sĩ dân vùng Diên Khánh tôn ông là “Đỗ phụ” (người cha họ Đỗ), có ý sánh ông với Đỗ Dụ, một ông quan giỏi đời nhà Tấn bên Tàu. Việc mộ dân, lập ấp thành công, triều đình khen ngợi, thăng thưởng cho Đỗ Thúc Tịnh hàm Hồng lô tự khanh.

Năm 1856, ông được thăng chức Án sát tỉnh Khánh Hòa, đến năm 1858 lại thăng bổ Bố chính. Cùng năm, được cử làm Phó chủ khảo Trường thi Hương Gia Định. Năm 1860 (Tự Đức năm thứ 13), triều đình đưa Đỗ Thúc Tịnh về kinh, giữ chức Biện lý bộ Binh, năm sau thăng Hữu Thị lang.

Năm 1859, sau khi âm mưu xâm chiếm Đà Nẵng không thành, giặc Pháp quay vào Nam, đánh chiếm thành Gia Định, hai năm sau lại chiếm tiếp thành Định Tường. Cả vùng đất Nam Kỳ đứng trước nguy cơ rơi vào tay quân cướp nước. Đỗ Thúc Tịnh dâng sớ tình nguyện xin vua Tự Đức cho vào Nam cùng quân dân lục tỉnh chống giặc.

Phe chủ chiến tại triều đình, lúc bấy giờ do đại thần Trương Đăng Quế (người làng Mỹ Khê, phủ Bình Sơn, nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cầm đầu, cực lực ủng hộ ý chí chống Pháp của Đỗ Thúc Tịnh, tâu xin nhà vua cho ông vào Nam.

Vua Tự Đức khen Đỗ Thúc Tịnh là người trung nghĩa, khẳng khái, sung làm Khâm phái hội biện quân vụ, sau lại chuẩn cho lĩnh Tuần vũ Định Tường, ban cho ông quyền trọng “Binh lương cho phép trù định lấy, viên biền cho phép cắt đặt lấy, lính dõng cho phép tổ chức huấn luyện lấy, tiền thóc cho phép quyên phát lấy, đến như tướng sỹ, ai có công được khen thưởng, ai sợ hãi rút lui, được chém đầu đem rao để thị uy”.

Ngày Đỗ Thúc Tịnh lên đường vào Nam, nhà vua khiến đình thần cấp cho ông 30 lạng bạc, 1 con ngựa trạm và giao một tờ dụ đến 2 tỉnh Vĩnh Long, Hà Tiên tuyên thị cho sĩ dân và chiêu mộ nghĩa dũng, hợp lực cùng Tổng đốc Nguyễn Văn Uyển, Tuần vũ Phan Khắc Thận thương thảo việc quân, liên hệ với các thủ lĩnh nghĩa quân (trong đó có Trương Định, quê gốc ở làng Tư Cung Nam, phủ Bình Sơn, nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) để kết nối phong trào kháng chiến của nghĩa dân với quân đội triều đình.

Vào đến Biên Hòa, Đỗ Thúc Tịnh dùng thuyền lên Vĩnh Long, ăn mặc cải trang, len lỏi vào hàng ngũ tướng sĩ, binh lính, động viên họ chiến đấu, thu góp lương thực, hô hào “dân ấp, dân lân” tham gia chống Pháp, gây được phong trào giết giặc, ủng hộ kháng chiến sôi động khắp Nam Kỳ - lục tỉnh. Đỗ Thúc Tịnh dự mưu với Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương... góp phần đánh thắng quân Pháp nhiều trận, xuất sắc nhất là chiến công đốt cháy tàu chiến Esperance tại vòm Nhật Tảo năm 1861.

 Nội thất Đỗ tự đường.
Nội thất Đỗ tự đường.


Tháng 11 năm 1861, Đỗ Thúc Tịnh được nhà vua ban dụ khen thưởng là người có lòng trung thành, biết mưu tính sâu xa, thăng Thự Lại bộ thị lang. Tiếc thay, trong khi đang cùng với quan quân tập trung sức cho việc đánh đuổi giặc Pháp, lo toan thu hồi các tỉnh miền Đông thì ông lâm bệnh và mất ngày 26 tháng giêng năm Nhâm Tuất (1862) tại quân thứ Vĩnh Long, lúc mới 45 tuổi.

Thi hài ông được đưa về Quảng Nam an táng. Vua Tự Đức và đình thần tỏ lòng tiếc thương, truy tặng ông hàm Tuần vũ, gia cấp cho gấm lụa, bạc tiền, phái người đến tư gia phúng điếu trọng thị.

Cái chết của Đỗ Thúc Tịnh gây xúc động lớn đối với nhóm quan lại kiên định lập trường chống Pháp ở triều đình cũng như trong hàng ngũ nghĩa binh kháng chiến Lục tỉnh. Đây cũng là một mất mát lớn của cuộc chiến đấu chống ngoại xâm trong hoàn cảnh nước sôi, lửa bỏng lúc bấy giờ.

Đỗ Thúc Tịnh là một tấm gương trung hiếu đáng để hậu thế noi theo, một danh nhân lịch sử đáng được cả nước ca ngợi, tôn thờ. Mối quan hệ giữa 3 nhân vật lịch sử nổi tiếng cùng quê Quảng Ngãi là Trương Đăng Quế (1793 – 1865), Đỗ Thúc Tịnh (1818 – 1862) và Trương Định (1820 – 1864) trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn đầu cần phải được tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu đặng làm sáng tỏ tấm lòng trung trinh yêu nước gắn với tình đồng hương sâu nặng của 3 con người đáng kính này.

Hồng Khánh


*Đón đọc kỳ tới: Đoàn Khắc Nhượng (? - ?)


 


CÁC TIN KHÁC
.