Nhân vật Quảng Ngãi:
Đoàn Khắc Cung (? – 1824)

03:08, 18/08/2013
.

(QNĐT)- Đoàn Khắc Cung còn gọi là Đoàn Hầu, người làng làng Nhơn Hoà, huyện Bình Sơn, nay thuộc xã Bình Tân huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Không rõ năm sinh của ông, nhưng bằng vào những tư liệu ít ỏi trong sử sách, có thể suy đoán ông sinh trưởng vào thời kỳ tranh đoạt giữa anh em nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh.
 

TIN LIÊN QUAN

Năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long. Nhận thức được sự cần thiết phải nhanh chóng ổn định giang san, củng cố vương quyền, Gia Long và đình thần thực hiện chính sách tuyển lựa nhân tài khá rộng rãi và cởi mở để bổ sung vào đội ngũ quan lại.

Ngoài những người đã từng đỗ đạt ở các thời trước, nhà vua còn cho tuyển thêm hạng người có học thức và năng lực nhưng chưa từng đỗ đạt, giao cho nhiệm vụ ở các phủ, huyện. Đoàn Khắc Cung trở thành một viên quan nhà Nguyễn qua cánh cửa này.

Thông qua sự tiến cử của quan trấn thủ Quảng Ngãi, ông được bổ chức tri huyện Mộ Hoa, vùng đất tương đương 2 huyện Mộ Đức và Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi ngày nay.
 

Gian thờ thuỷ tổ họ Đoàn vùng Nhơn Hoà (Bình Tân, Bình Sơn), nơi thờ tự các ông Đoàn Công Vinh, Đoàn Khắc Cung…
Gian thờ thuỷ tổ họ Đoàn vùng Nhơn Hoà (Bình Tân, Bình Sơn), nơi thờ tự các ông Đoàn Công Vinh, Đoàn Khắc Cung…

Tháng 11 năm Bính Tý (1816), Đoàn Khắc Cung nhận chức Phó Đốc học Gia Định. Tháng 6 năm Nhâm Ngọ (1822), ông được thăng Thiêm sự bộ Công, tháng 11 cùng năm phụng giữ Biện lý công việc tiền lương ở bảo Châu Đốc.


Trong năm này, khi Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại dựng bia Thoại Sơn, chép việc đào kênh Đông Xuyên (sau đổi thành kênh Thoại Hà, nay là kênh Long Xuyên), Đoàn Khắc Cung chịu trách nhiệm đính chính bài văn bia do Đốc học Gia Định Cao Bá soạn thảo.

Năm sau, khi Thoại Ngọc hầu được triều đình giao trọng trách tiếp tục chỉ đạo khơi kênh Vĩnh Tế, một công trình thuỷ lợi và quốc phòng quan trọng hàng đầu ở Nam Kỳ lúc bấy giờ, thì ông được giao phụ trách công việc quản lý lương tiền cho công trình này.

Tháng giêng năm Giáp Thân (1824), triều đình điều chuyển Đoàn Khắc Cung giữ chức Thự Cai bạ trấn Phiên An, một trong năm trấn của thành Gia Định. Tháng 6 năm đó ông tạ thế tại trấn sở, được truy tặng chức Cai bạ.

Đoàn Khắc Cung là người có văn tài. Họ Đoàn ở Bình Sơn, nối tiếp sau ông trở thành một trong số các dòng họ có truyền thống hiếu học, đăng khoa ở Quảng Ngãi. Con trai Đoàn Khắc Cung là Đoàn Khắc Nhượng đậu cử nhân khoa Bính Ngọ (Thiệu Trị thứ 6-1846), tại trường thi Thừa Thiên, từng giữ chức Bố chánh Khánh Hoà, sau thăng đến Tuần phủ Nam Ngãi.

Đoàn Khắc Cung còn có người cháu (gọi ông bằng chú) là Đoàn Duy Trinh, đỗ cử nhân khoa Bính Ngọ (cùng khoa với Đoàn Khắc Nhượng), từng giữ chức giáo thụ. Cháu nội ông là Đoàn Thúc Vỹ đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ (Thành Thái thứ 6- 1894) tại trường thi Bình Định.

Mộ ông Đoàn Khắc Cung ở Gò Chùa (Bình Tân Bình Sơn)
Mộ ông Đoàn Khắc Cung ở Gò Chùa (Bình Tân Bình Sơn)


Dòng họ Đoàn từ phía Bắc chuyển cư vào Nam theo chân lớp người mở cõi. Đời sơ tổ ở Quảng Ngãi là ông Đoàn Trạch, cư trú vùng Châu Sa. Các thế hệ tiếp sau lập nghiệp chủ yếu dọc vùng đông bắc huyện Bình Sơn, nay là phía đông hai huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, nối từ Châu Sa (Tịnh Châu, Sơn Tịnh), qua Đồng Mít (Tịnh Phong, Sơn Tịnh) đến Nhơn Hoà (Bình Tân, Bình Sơn), Nam Yên (Bình Hoà, Bình Sơn), ngược lên Kim Sa (Tịnh Thọ, Sơn Tịnh)…

Đây là dòng tộc có công lao đáng kể trong quá trình kinh dinh vùng đất đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời có nhiều nhân vật tài đức lưu tên trong lịch sử.
                                                                    

   Lê Hồng Khánh
 

*Đón đọc kỳ tới: Đinh Duy Tự


 


CÁC TIN KHÁC
.