Nhân vật Quảng Ngãi:
Nguyễn Thuỵ (1880 - 1916)

03:04, 07/04/2013
.

(QNĐT)- Nguyễn Thụy hiệu Hổ Khê, sinh năm  Canh Thìn -1880, người làng Hổ Tiếu, nay thuộc xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa . Ông là chí sĩ yêu nước - chống Pháp, thành viên Duy Tân hội và Việt Nam Quang Phục hội.

Nguyễn Thụy thi đỗ cử nhân năm Quý Mão 1903 (cùng khoa với Lê Đình Cẩn, người sau này đứng đầu Duy Tân hội Quảng Ngãi) nhưng không ra làm quan mà ở nhà mở trường dạy học, ngấm ngầm truyền bá tư tưởng yêu nước, duy tân.

Sau khi thi đỗ, ông cùng một số trí thức tỉnh nhà tham gia thành lập Duy Tân hội Quảng Ngãi vào năm 1906, chủ trương hành động theo phương hướng "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" do Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đề xướng. Ông dạy học ở trường Vạn Tượng (do Duy Tân hội thành lập), sáng tác nhiều thơ ca tuyên truyền cho phong trào Duy Tân, cổ vũ quần chúng đòi dân sinh, dân chủ.“Bài ca vận động binh lính” do ông viết là một trong những sáng tác vận động cổ vũ đấu tranh được phổ biến khá rộng rãi trong quần chúng.

 

Nhà thờ Nguyễn Thuỵ ở thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa.
Nhà thờ Nguyễn Thuỵ ở thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa.


Năm 1908, phong trào Kháng thuế cự sưu bùng lên ở Quảng Nam (9/3/1908), Quảng Ngãi (24/3) rồi nhanh chóng lan rộng ở Trung kỳ. Để thống nhất lãnh đạo phong trào, phát huy sức mạnh của quần chúng. Đêm 29/2 năm Mậu Thân (31/3/1908), những người lãnh đạo và "hội viên cốt yếu" của Duy Tân hội Quảng Ngãi đã tổ chức hội nghị, thành lập Ban lãnh đạo phong trào, phân công Trần Kỳ Phong, Lê Ngung bắt liên lạc với các nhà lãnh đạo phong trào ở Quảng Nam; cử Phan Long Bằng, Lê Đình Cơ vào Bình Định và Phú Yên để phát động phong trào cùng nổi dậy, nhằm làm cho Pháp phải đối phó nhiều nơi, không thể tập trung được lực lượng đàn áp.

Mặt khác, Hội nghị lấy danh nghĩa "dân của 6 phủ, huyện" (lục phủ, huyện dân) làm đơn gửi kiến nghị lên Toàn quyền Đông Dương, nêu 7 yêu sách đòi dân sinh, dân chủ, miễn giảm sưu thuế, trừng trị bọn quan lại nhũng lạm, ức hiếp dân lành.


Đầu tháng 4 năm 1908, thực dân Pháp và tay sai đàn áp dã man phong trào Kháng thuế cự sưu. Nguyễn Thụy bị bắt và bị đày đi Côn Đảo.

Sau khi mãn hạn tù ông về quê tham gia các hoạt động yêu nước dưới ngọn cờ Việt Nam Quang Phục hội, một tổ chức yêu nước do cụ Phan Bội Châu chủ xướng, thành lập năm 1912, với tôn chỉ  “Khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam Cộng hòa Dân quốc”..

Tháng 3/1914, Lê Ngung cùng Thái Phiên tổ chức một cuộc hội nghị gồm các nhà yêu nước Trung Kỳ ở Đà Nẵng để thống nhất chủ trương và phân công người chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Phương hướng hành động là vận động binh lính yêu nước người Việt, chủ yếu là lính khố xanh và binh lính bị thực dân Pháp ở Đông Dương động viên chuẩn bị đưa sang chiến trường Pháp – Đức, phối hợp với lực lượng dân binh, tiến hành "nội công, ngoại kích".

Những người yêu nước Quảng Ngãi tán thành chủ trương trên và tích cực chuẩn bị cho ngày khởi sự. Từ đó trở đi, Quảng Ngãi cùng với Quảng Nam, Huế trở thành ba địa bàn trọng yếu trong việc xây dựng lực lượng và căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa.

Nhà thờ Nguyễn Thuỵ ở thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa.
Nhà thờ Nguyễn Thuỵ ở thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa.


Tại cuộc hội nghị tháng 2/1915 của Kỳ bộ Việt Nam Quang Phục hội Trung Kỳ, Nguyễn Thụy cùng Lê Ngung được phân công tổ chức lực lượng ở Quảng Ngãi, đặc biệt là xây dựng căn cứ ở miền núi phía Tây và vận động binh lính, công chức trong hàng ngũ địch.

Từ sau Hội nghị này, phong trào ở Quảng Ngãi phát triển khá mạnh, hình thành một vùng căn cứ liên hoàn từ Minh Long đến Ba Tơ, mở rộng đến Mang Đen (KonTum), kéo vào tận An Đỗ (Bình Định), nhiều cơ sở yêu nước trong nhân dân và binh lính địch được gây dựng. Chỉ trong một thời gian ngắn, 150 lính khố xanh và 600 lính khố đỏ đã ngã theo những người yêu nước, sẵn sàng tham gia khởi nghĩa khi có lệnh.

Tháng 6/1915, Pháp thua Đức trong chiến tranh ở Châu Âu, các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang Phục hội cho rằng thời cơ khởi nghĩa đã đến. Lê Ngung viết thư cho Thái Phiên (lãnh đạo Việt Nam Quang Phục hội miền Nam Trung Kỳ) đề nghị gấp rút khởi sự. Đề nghị này được chấp thuận, các nhà lãnh đạo thông báo cho các tỉnh chuẩn bị khởi nghĩa.

Tháng 3/1916, các nhân vật trọng yếu của Việt Nam Quang Phục hội Trung Kỳ họp tại làng Xuân Yên (Bình Sơn) để bàn kế hoạch khởi nghĩa. Nguyễn Thụy cùng Lê Ngung, Phạm Cao Chẩm, Nguyễn Công Mậu được phân công chịu trách nhiệm chỉ huy cuộc nổi dậy ở Quảng Ngãi.

Thật không may, chiều ngày 29/3 năm Bính Thìn (1/5/1916) do bất cẩn ở một cơ sở, kế hoạch khởi nghĩa bị bại lộ. Các nhà lãnh đạo cuộc mưu khởi như Trần Thêm, Võ Cẩn, Võ Cư, Mai Tuấn, Hứa Thọ… lần lượt sa vào tay giặc. Nguyễn Thuỵ trốn thoát và bị tầm nã gắt gao.

Không thể tìm được tung tích ông, kẻ thù hèn hạ bắt mẹ ông và truy bức dân làng. Để cứu mẹ, giải thoát cho những người vô tội, Nguyễn Thuỵ tự nộp mình cho phủ đường Tư Nghĩa.

Ngày 9 tháng 4 năm Bính Thìn (10/5/1916), thực dân Pháp và tay sai đem Nguyễn Thụy ra xử chém ở bãi sông, phía bắc thành Quảng Ngãi. Trên đường ra pháp trường ông vẫn bình tĩnh, hiên ngang đọc một bài thơ tuyệt mệnh, thể hiện ý chí can trường, sẵn sàng hiến thân vì nghĩa cả.

Tin Nguyễn Thuỵ bị hại đến với nhà tù Côn Đảo, chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng tỏ lòng thương tiếc xót xa và làm thơ điếu ông với những lời lẻ đầy cảm khái, ca ngợi chí khí của một nhà yêu nước trung trinh, hiếu nghĩa.



                                                                  Lê Hồng Khánh




*Đón đọc kỳ tới: Lê Đình Cẩn (1870 – 1914)


(1)- Có thuyết nói tên ông là “Suỵ”, nhưng có lẻ Nguyễn Thuỵ là tên đúng. Chữ Thuỵ có nghĩa là viên ngọc, điều tốt lành.

 

TIN LIÊN QUAN



 


CÁC TIN KHÁC
.