Nhân vật Quảng Ngãi:
Thái Thú (1870 - 1894)

03:11, 13/11/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Thái Thú, tên thật là Nguyễn Long Phụng, sinh năm Canh Ngọ - 1870 trong một gia đình nông dân ở thị trấn Thu Xà, nay là xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa.

TIN LIÊN QUAN


Sau sự kiện kinh đô thất thủ (13/7/1885), nhóm chủ chiến trong triều đình, đứng đầu là Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm nghi rời Huế chạy ra Tân Sở, xuống chiếu Cần Vương. Sĩ phu và nhân dân các tỉnh Trung Kỳ nhanh chóng hưởng ứng lời kêu gọi giúp vua, cứu nước, mở đầu bằng cuộc khởi nghĩa đánh chiếm thành Quảng Ngãi, do cử nhân Lê Trung Đình và tú tài Nguyễn Tự Tân lãnh đạo.

Cuộc khởi nghĩa Cần vương đầu tiên trong cả nước thất bại và bị kẻ thù đàn áp khốc liệt. Những người cầm đầu kẻ bị giết, người bị bỏ tù, rất nhiều nghĩa binh bị bức hại. Thế nhưng, ngọn lửa quật khởi của sĩ phu và nhân dân Quảng Ngãi không hề bị bạo quyền dập tắt.

Các thủ lĩnh còn lại (Nguyễn Bá Loan, Tôn Tường, Thái Thú, Nguyễn Vịnh, Nguyễn Tấn Kỳ, Nguyễn Lân, Nguyễn Quý... ) dưới sự dẫn dắt của Nguyễn Bá Loan ngấm ngầm củng cố Nghĩa hội Cần vương, tập hợp và phát triển lực lượng, tích trữ lương thảo, rèn sắm vũ khí. Có lúc trong toàn tỉnh số nghĩa sĩ lên đến hơn một vạn người.

Mộ Thái Thú tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Nghĩa Hòa, huyện Tư nghĩa
Mộ Thái Thú tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Nghĩa Hòa, huyện Tư nghĩa


Năm 1886, tuy mới 16 tuổi nhưng Thái Thú đã được giao nhiệm vụ cầm đầu lực lượng Đoàn Kiệt - một đội quân quy tụ những người trẻ tuổi trong hàng ngũ Nghĩa hội Cần Vương Quảng Ngãi.

Tháng 8/1886, Thái Thú lãnh đạo nhóm chiến binh Đoàn Kiệt tham gia trận đánh do Trần Hoài và Tôn Tường chỉ huy, tấn công đội quân của tên phản bội Nguyễn Thân ở phủ lỵ Bình Sơn. Tương truyền, trong trận quyết chiến ở làng Trung Yên, chính ông đã cưỡi ngựa, cầm gươm lao thẳng vào tên phản quốc và suýt hạ sát được kẻ gian hùng.

 Bước sang đầu năm 1887, Nguyễn Thân mở cuộc đàn áp khốc liệt nghĩa quân Quảng Ngãi, khiến cho phong trào Cần Vương ở đây suy yếu và dần đi đến thất bại. Nguyễn Bá Loan đưa nghĩa quân lên vùng rừng núi, tiếp tục liên kết với phong trào Cần Vương Quảng Nam và Bình Định, hoạt động thêm một thời gian nữa cho đến khi phong trào ở các tỉnh này tan rã.

Từ sau khi vua Hàm Nghi bị bắt (1888), phong trào yêu nước dưới ngọn cờ Cần Vương quy tụ thành các cuộc khởi nghĩa lớn mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896) do Phan Đình Phùng lãnh đạo.

Trong bối cảnh chung của cả nước, phong trào yêu nước chống Pháp ở Quảng Ngãi cũng có những bước thăng trầm theo sự chuyển biến của thời cuộc, song dòng máu kiên trung vẫn luôn nung nấu trong tâm can tầng lớp sĩ phu cũng như dân chúng.

Sau thời gian khôi phục lực lượng, đến những năm 1893,1894 phong trào lại bùng lên một lần nữa. Mùa thu năm 1894, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh), Nguyễn Vịnh, Thái Thú cùng Tôn Đính, Bạch Văn Vĩnh... bí mật vận động nỗi dậy, liên kết với lực lượng ở Hà Tĩnh do Phan Đình Phùng lãnh đạo, vạch ra kế hoạch "nội công, ngoại kích" để đánh chiếm tỉnh thành và đồn Thương chính Cổ Lũy.

Đêm mồng 7, rạng ngày 8/12 năm Giáp Ngọ (1894), dưới sự chỉ huy của Thái Thú, nghĩa quân phối hợp với quân "Bạch lộ" nhanh chóng bao vây đồn Cổ Lũy, bắt giết viên Thương chính người Pháp là Râyna (Reignard), song cuộc đánh chiếm tỉnh thành do Nguyễn Vịnh chỉ huy không thực hiện được, vì kế hoạch phối hợp không diễn ra như trù liệu.

 Tấm bia mộ Thái Thú do chính quyền xã Thái Thú (Nghĩa Hòa) tạo lập tháng 12 năm 1946.
Tấm bia mộ Thái Thú do chính quyền xã Thái Thú (Nghĩa Hòa) tạo lập tháng 12 năm 1946.


Thái Thú, Nguyễn Vịnh phải rút quân về núi An Đại (Tư Nghĩa). Án sát Quảng Ngãi là Tôn Thất Lữ cho quân đuổi theo vây hãm, truy bức nghĩa quân. Thái Thú cùng Nguyễn Vịnh, Bạch Văn Vĩnh bị bắt và bị đưa ra xử tử vào ngày 24/12 năm đó.

Nhân dân Cổ Lũy tiếc thương người nghĩa sĩ yêu nước, bí mật đưa thi hài Thái Thú về quê nhà chôn cất, lập đền thờ.

Cách mạng Tháng Tám-1945 thành công, chính quyền dân chủ nhân dân đổi tên xã  Nghĩa Hòa thành xã Thái Thú, đồng thời cho sửa sang phần mộ và dựng bia để ghi nhớ công lao của ông đối với nước nhà.

Thái Thú là nhân vật điển hình của tầng lớp nông dân nghèo, tích cực hưởng ứng phong trào Ái quốc – Cần vương, gan dạ kiên cường, không tiếc thân mình vì nghiệp cả, mãi mãi nêu gương tiết liệt cho hậu thế.


                                                                   Lê Hồng Khánh

*Đón đọc kỳ tời: Mai Bá- Mai Tuấn    


 


CÁC TIN KHÁC
.