Nhân vật Quảng Ngãi:
Lê Trung Lượng (? - 1880)

03:12, 09/12/2013
.

(Baoqungngai.vn)- Lê Trung Lượng sinh vào khoảng những năm 20 của thế kỷ XIX, người làng Phú Nhơn (nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh) trong một gia đình lễ nghĩa, hiếu học, có gốc từ Thanh Hóa, vào định cư ở mạn bắc sông Trà Khúc đã nhiều đời.
 

TIN LIÊN QUAN
Năm Nhâm Tý (1852 – Tự  Đức thứ 5) Lê Trung Lượng đỗ cử nhân tại trường thi hương Bình Định. Sau khi thi đỗ ông mở trường dạy học ở quê nhà. Trong số học trò của Lê Trung Lượng, nhiều người về sau trở nên nổi tiếng như cử nhân Nguyễn Duy Cung (chí sĩ tham gia phong trào Cần Vương, tuẫn tiết ở Bình Định); tú tài Phan Thanh (tức Phan Thúc Nghiễm, bị mù nhưng là thầy dạy của nhiều nhà khoa bảng, kể cả Lê Trung Đình)…

Dạy học được một thời gian, triều đình gọi ông ra làm quan, bổ chức Tri huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Lãnh trách nhiệm của người đứng đầu một huyện, Lê Trung Lượng tỏ rõ là vị quan có tài kinh bang tế thế, đóng góp công sức đáng kể vào công cuộc khẩn hoang, lập làng, mở rộng diện tích canh tác trong hạt mình trấn nhậm. Tương truyền, người dân 12 làng tân lập ở Nam Đàn cùng tôn ông làm phước hiền.

Trong giới quan lại đương thời, Lê Trung Lượng nổi tiếng là người thanh liêm. Vua Tự Đức từng có lời khen "Thanh như Lượng, khiêm như Nhượng, thiên hạ hà hữu bất trị" (Thanh liêm như Lê Trung Lượng, khiêm cung như Đoàn Khắc Nhượng, thiên hạ lo gì không yên!) là nói về ông và người đồng hương Đoàn Khắc Nhượng.

Gian thờ và sắc phong của triều đình cho Lê Trung Lượng.
Gian thờ và sắc phong của triều đình cho Lê Trung Lượng.


Truyền ngôn trong gia tộc cho biết, chính vì lời ban khen quý báu và đầy vinh dự này mà họ Lê ở Phú Nhơn từ đời Lê Trung Lượng đã đổi tên lót từ “Đức” sang “Trung” và xem đây là một ân tứ của nhà vua cho cả dòng họ.

Về sau Lê Trung Lượng được lãnh chức Án sát sứ tỉnh Bình Thuận. Tại đây, do bất hòa với hai viên quan đầu tỉnh khác là quyền Tuần vũ Trần Điển và Bố chánh Nguyễn Văn Phương, dẫn đến việc năm 1874 (Tự Đức thứ 27), ông bị hai đồng sự mật tấu, vu cáo.

Vua Tự Đức cho giải chức Lê Trung Lượng, giao cho bộ Lại xem xét. Bị oan, Lê Trung Lượng không nhận tội đồng thời tố cáo lại hai ông Trần Điển, Nguyễn Văn Phương vì hiềm khích riêng tư mà hành xử trái lệ đồng thời xin nhà vua phái người điều tra hư thực trước khi luận tội.

Vua Tự Đức lại sai Biện lý bộ Lại Đoàn Văn Hội và Giám sát Ngự sử Phạm Đăng Giảng tra xét. Án dâng lên, theo đó cả ba đều phải chịu tội. Nhà vua không chấp thuận bản án và cho rằng đây chỉ là cách làm cho xong việc, bèn quở trách những người làm án rồi giao cho Nội các và Viện Cơ mật xét lại.

Theo bản án lần này, Lê Trung Lượng bị kết tội hành xử theo cách ngang tàng, lăng nhục những người thi hành công vụ, bất chấp mọi hệ lụy, nên bị ghép vào tội "trảm giam hậu". Bản án cũng ghép tội các ông Trần Điển, Nguyễn Văn Phương, bị đánh 100 trượng và lưu 3.000 dặm. Những người liên quan đều bị cách chức hoặc giáng chức.

 Mộ Lê Trung Lượng tại nghĩa trang nhân dân xã Tịnh Ấn Đông, huyện Sơn Tịnh.
Mộ Lê Trung Lượng tại nghĩa trang nhân dân xã Tịnh Ấn Đông, huyện Sơn Tịnh.


Quý trọng tài đức và công lao của Lê Trung Lượng với miền đất Nam Đàn, sĩ dân ở đây đã không quản ngại đường sá xa xôi, lặn lội vào tận kinh đô Huế  để cùng với các môn sinh từ Quảng Ngãi ra đội sớ xin tha cho ông. Xét lời lẻ trong đơn cũng như công lao và phẩm hạnh của Lê Trung Lượng nhà vua và đình thần đã đồng ý mở lượng khoan thứ, sau đó điều ông ra nhận chức Bang biện Sơn phòng Thanh Hóa.

Tháng 5, năm Canh Thìn (1880), Lê Trung Lượng cùng 85 người ở Sơn Phòng bất ngờ "chết vì khí núi độc". Nhận được hung tin, vua Tự Đức tỏ niềm thương xót cho số phận của những người vì tận tụy với việc dân, việc nước mà phải bỏ mình nơi sơn lam chướng khí.

Ba tháng sau khi Lê Trung Lượng tạ thế, người nhà ra tận Thanh Hóa đưa hài cốt ông bằng đường biển về quê mai táng.

Về đời tư, Lê Trung Lượng có 2 người vợ, sinh được 10 người con (5 trai, 5 gái). Người con thứ 6 là Lê Trung Đình nổi tiếng thông minh, đỗ cử nhân khoa Giáp Thân - 1884, rồi trở thành thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa đầu tiên của phong trào Cần Vương, bị xử chém ngày 23/7/1885. Người con trai út là Lê Trung Kinh đỗ cử nhân khoa Quý Mão - 1903, có chỉ gọi ra làm quan, nhưng chẳng may qua đời vì bệnh.

Đường hoạn lộ của Lê Trung Lượng đầy gập ghềnh, uẩn khúc nhưng ông là một vị quan thanh liêm; dốc lòng vì nước, tận tuỵ vì dân; khẳng khái, cương trực, không chịu khuất phục cường quyền; đáng là tấm gương cho kẻ sĩ đời sau.


                                                                  Lê Hồng Khánh
 

*Đón đọc kỳ tới: Võ Quán (? – 1913)



 


CÁC TIN KHÁC
.