Cần quản lý hoạt động ở các bể bơi

10:07, 08/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, nhiều trường học, trung tâm thể thao, khách sạn... trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng bể bơi để phục vụ nhu cầu học bơi, tập luyện và giải trí cho học sinh, thanh thiếu niên, du khách. Tuy nhiên, công tác quản lý đối với hoạt động của các hồ bơi vẫn còn bỏ ngỏ.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều cơ sở hoạt động chui   
 
Phó Trưởng phòng Quản lý TD-TT (Sở VH-TT&DL) Phạm Đức Ba cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 25 bể bơi, trong đó có 8 bể bơi trong trường học, số còn lại ở các khách sạn, cơ sở thể thao... Ngoài ra, cứ vào mùa hè, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện nhiều bể bơi kiểu lắp ráp. Điều đáng lo ngại là, đa số các bể bơi này đều chưa được cấp phép hoạt động, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.

Nhiều bể bơi lắp ráp ở các trường học chưa đủ tiêu chuẩn hoạt động.
Nhiều bể bơi lắp ráp ở các trường học chưa đủ tiêu chuẩn hoạt động.

Vụ tai nạn đuối nước tại bể bơi khách sạn Sông Trà làm hai học sinh thiệt mạng vừa qua là hồi chuông cảnh báo đối với ngành quản lý lẫn các cơ sở kinh doanh. Tại bể bơi này, có khu vực dành cho người lớn biết bơi và khu vực dành cho trẻ em, nhưng lại không có biển báo, dây rào ngăn cách.

Theo cơ quan chức năng, qua kiểm tra ban đầu, bể bơi này cũng chưa có chòi quan sát, ghế cao 1,5 mét dành cho người cứu hộ; thiếu phao cứu sinh và nguồn nước trong bể bơi không đảm bảo... “Bể bơi ở khách sạn Sông Trà chưa được cấp phép. Nếu cấp phép thì cũng chỉ được hoạt động trong phạm vi phục vụ cho khách nội trú, chưa đủ điều kiện để kinh doanh”, ông Ba cho biết thêm.

Toàn tỉnh có 5 bể bơi được cấp phép hoạt động, gồm: Bể bơi tại Trường Khuyết tật Hồng Sơn (Nghĩa Hành); Khu thể thao Bách Bằng, thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ); hồ bơi mini HaVi, xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh); bể bơi Thuỷ Lộc ở Khu dân cư An Phú Sinh, phường Nghĩa Chánh; bể bơi khách sạn Trung tâm (TP.Quảng Ngãi).

Cũng theo ông Ba, không chỉ có bể bơi khách sạn Sông Trà chưa được cấp phép, mà hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có nhiều bể bơi hoạt động chui.

Tăng cường kiểm tra

Theo Thông tư 02/2011 của Bộ VH-TT&DL quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao thì các bể bơi phải đảm bảo kích thước xây dựng tối thiểu 8mx18m, hoặc có diện tích tương đương; đáy bể có độ dốc đều, không gấp khúc, chênh lệch độ sâu không quá 1m đối với bể bơi có chiều dài trên 25m, hoặc không quá 0,5m đối với bể bơi có chiều dài đến 25m; thành bể, đáy bể sạch, gạch lát nền không nứt vỡ.

Phải thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, ít nhất 1 lần/tuần. Nguồn nước bể bơi đáp ứng chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt và nhiều quy định khác về y tế; mật độ người tắm chỗ nông 1 người/m2; chỗ sâu 1 người/2m2...

Bên cạnh đó, các điều kiện về trang thiết bị dây phao dọc, ngang, trang bị cứu hộ, sào cứu hộ, phao cứu sinh, ghế, bảng biểu, biển báo, bảng báo hiệu, bảng cấm... cũng phải đảm bảo. Ở bể bơi phải có nhân viên chuyên môn cứu hộ thường trực khi có người tham gia tập luyện. Số lượng phải đảm bảo tỷ lệ 200m2 bể bơi/nhân viên...

Còn theo Thông tư 03/2018 của Bộ VH-TT&DL quy định về cơ sở vật chất trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn bơi, lặn thì có bổ sung thêm kích thước bể bơi được xây dựng, hoặc lắp đặt không nhỏ hơn 6mx12m, hoặc có diện tích tương đương. Dụng cụ sào cứu hộ được đặt trên thành bể ở các vị trí thuận lợi, dễ quan sát và sử dụng, có độ dài 2,5m, sơn màu đỏ - trắng. Mỗi người hướng dẫn tập luyện hướng dẫn không quá 30 người, hoặc không quá 20 người đối với trẻ em dưới 10 tuổi trong một buổi tập...

Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở kinh doanh bể bơi đều hoạt động chui, thiếu sự kiểm soát của ngành chức năng, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với người tham gia hoạt động bơi lội.

Bài, ảnh: PV


.