Bảo tồn đa dạng sinh học biển: Đừng "đánh trống bỏ dùi"

09:06, 18/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đa dạng sinh học (ĐDSH) có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực, duy trì nguồn gen giống vật nuôi, cây trồng... Tuy nhiên, công tác bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh hiện chưa được quan tâm đúng mức.

TIN LIÊN QUAN

Với đường bờ biển dài 130km, tỉnh ta được đánh giá là địa phương giàu có về ĐDSH, cũng như mức độ đa dạng tài nguyên sinh vật của cả nước. Kết quả điều tra xác định, khu vực đảo Lý Sơn và các vùng biển phụ cận có trên 700 loài động, thực vật biển, gồm: 150 loài san hô, 202 loài cá biển, 137 loài rong biển, 96 loài giáp xác, 40 loài da gai, 6 loài cỏ biển...

Trong đó, có 25 loài nằm trong danh mục các loại thủy sản có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Đặc biệt, vùng biển tỉnh ta cũng là nơi hiện diện của 4/5 loài rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới, gồm: Rùa da, vích, đồi mồi và đồi mồi dứa.

Khu vực biển Lý Sơn hiện đang mất cân bằng sinh thái, do sự tác động của hoạt động khai thác thủy sản và lấy cát phục vụ sản xuất hành, tỏi.
Khu vực biển Lý Sơn hiện đang mất cân bằng sinh thái, do sự tác động của hoạt động khai thác thủy sản và lấy cát phục vụ sản xuất hành, tỏi.
Ngoài ra, các loài sinh vật quý hiếm khác, như: Hải sâm, trai tai tượng, san hô đen... cũng được tìm thấy ở nhiều khu vực ven biển và trong vùng công viên địa chất Quảng Ngãi. Đây được xem là nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội và du lịch phát triển, nhất là du lịch sinh thái.

Nhận thức được tầm quan trọng của ĐDSH mang lại, những năm qua, tỉnh ta đã chú trọng thực hiện công tác bảo tồn ĐDSH biển. Trong đó có việc thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn, nhằm bảo tồn các hệ sinh thái biển đặc thù và các loài sinh vật biển quý, hiếm; cũng như góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển.

Tuy nhiên, tình trạng khai thác hải sản, thủy sinh theo kiểu tận diệt tại các vùng biển vẫn còn diễn biến phức tạp, gây phá hủy môi trường, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng những loài thủy sinh quý hiếm, đặc biệt là cá thể rùa. Trong khi công tác bảo tồn ĐDSH biển cũng chỉ mới dừng lại ở các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức; chứ chưa có nhiều hành động cụ thể, quyết liệt, nên hiệu quả chưa đạt như mong đợi.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Quốc Tân: “Bảo tồn ĐDSH biển gắn với bảo vệ môi trường biển”

Mục tiêu của Nghị quyết số 36 về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 là: Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000.

Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết 36, cũng như nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát triển bền vững ĐDSH biển trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia; trong đó chú trọng việc bảo tồn ĐDSH, phục hồi các hệ sinh thái, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển.

Một trong những giải pháp quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn ĐDSH là cần bảo vệ môi trường biển. Bởi, bên cạnh việc sử dụng phương tiện và ngư cụ khai thác hải sản mang tính hủy diệt, thì tình trạng rác thải, nhất là rác thải nhựa đã và đang tàn phá môi trường biển. Vì vậy, song song với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị giám sát, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường, thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong cộng đồng người dân... để ngăn chặn, giảm đến mức thấp nhất các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các sinh vật biển.

Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn Phùng Đình Toàn: “Người dân vẫn còn xâm phạm Khu bảo tồn biển”

Khu bảo tồn biển Lý Sơn (tổng diện tích 7.925ha, trong đó diện tích mặt nước biển 7.113 ha) được thành lập năm 2017 nhằm duy trì, bảo vệ tài nguyên biển và ĐDSH, góp phần quản lý, sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản, tạo cảnh quan sinh thái thu hút khách du lịch, tạo sinh kế cho người dân.

Tuy nhiên, Khu bảo tồn biển Lý Sơn vẫn bị xâm hại, tác động tiêu cực đến nguồn lợi và hệ sinh thái biển. Nguyên nhân là do lưu lượng dân cư quanh khu vực bảo tồn đông, hầu hết lại hành nghề lặn và khai thác hải sản ven bờ, mà phần lớn ngư trường truyền thống nằm trong khu vực Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Vì vậy, dù lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, nhưng ngư dân vẫn lén lút tổ chức khai thác hải sản trong khu vực này. Trong khi đó, việc xử lý những vi phạm hiện cũng chỉ “giơ cao đánh khẽ”, vì hầu hết ngư dân khai thác hải sản ven bờ biển Lý Sơn có thu nhập thấp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung: “Cần đầu tư đúng mức cho công tác nghiên cứu ĐDSH biển”

Công tác bảo tồn ĐDSH biển hiện đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do hiệu quả công tác kiểm tra và quản lý chưa cao, dẫn tới việc khai thác hải sản quá mức, làm suy giảm nguồn lợi và tác động tiêu cực đến môi trường biển. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng ngư dân và người dân ven biển sử dụng các loại phương tiện và ngư cụ không đúng quy định trong đánh bắt thủy sản đã đe dọa nghiêm trọng các hệ sinh thái tự nhiên có mức ĐDSH cao trên vùng biển của tỉnh. Trong khi đó, diện tích rừng ngập mặn dần thu hẹp, các bãi triều đã bị cải tạo, khu vực ven biển đô thị hóa nhanh chóng, khiến các khu rừng ngập mặn nguyên sinh gần như bị biến mất ở nhiều địa phương ven biển.

Trên địa bàn tỉnh chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu về ĐDSH biển, chưa tổ chức điều tra cơ bản về ĐDSH, nên chưa xây dựng mạng lưới và thực hiện quan trắc về ĐDSH cũng như an toàn sinh học. Vì vậy, hiệu quả xử lý khai thác, kinh doanh, sử dụng tài nguyên biển thấp; công tác kiểm soát buôn bán các loại động, thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao... còn lỏng lẻo. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn ĐDSH biển, tỉnh cần tổ chức tổng kiểm kê và xác định cụ thể các loài và nguồn gen của động, thực vật và hệ sinh thái biển; khuyến khích áp dụng các mô hình bảo tồn và phát triển các loài quý hiếm; thực hiện các đề án về chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về ĐDSH nông nghiệp và thủy sản; áp dụng các mô hình điểm về phát triển kinh tế sinh thái, giảm sức ép khai thác tài nguyên đất ngập nước...

Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương: “Bảo tồn ĐDSH phải gắn với sinh kế cho người dân trong vùng”

Huyện đảo Lý Sơn là địa phương có ĐDSH cao, được coi là khu dự trữ sinh quyển với rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị. Tuy nhiên, khu vực biển Lý Sơn hiện đang gặp nhiều thách thức do mất cân bằng sinh thái, mà nguyên nhân chủ yếu là sự tác động của con người.

Cùng với công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, khoảng 7.113ha mặt nước biển ở huyện đảo Lý Sơn thuộc Khu bảo tồn biển Lý Sơn, nên hàng nghìn hộ dân mất ngư trường khai thác hải sản, ảnh hưởng đến thu nhập. Vì vậy, dù biết mục tiêu và ý nghĩa của Khu bảo tồn biển, nhưng ngư dân vẫn xâm hại. Chính vì vậy, song song với công tác tuyên truyền, tỉnh cần có giải pháp tạo sinh kế cho người dân trong vùng. Bởi, nếu người dân trong khu bảo tồn không có điều kiện phát triển kinh tế, thì sẽ bất hợp tác trong việc thực hiện các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản. Như thế, hệ sinh thái biển sẽ bị xâm hại, nguồn lợi vẫn cứ cạn kiệt.
 
MỸ HOA  
(thực hiện)
 

.