Phạt học sinh thế nào cho đúng?

03:07, 07/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gần đây, ở nhiều tỉnh, thành xảy ra trường hợp giáo viên (GV) đánh, mắng, làm nhục học sinh (HS), dẫn đến GV bị xử lý kỷ luật, phải công khai xin lỗi và có trường hợp buộc phải ra khỏi ngành, vì có hành vi bạo lực đối với HS. Hành vi phạt HS của GV khiến dư luận bức xúc. Trách, phạt HS là cần thiết để giáo dục các em, nhưng đâu là cách làm đúng?

TIN LIÊN QUAN

 

Ngành giáo dục nghiêm cấm phạt học sinh bằng bạo lực dưới mọi hình thức.  (Ảnh minh hoạ)
Ngành giáo dục nghiêm cấm phạt học sinh bằng bạo lực dưới mọi hình thức. (Ảnh minh hoạ)

 

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái: "Nghiêm cấm phạt HS bằng bạo lực dưới mọi hình thức"

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường. Trên cơ sở đó, Sở cũng đã chỉ đạo các trường nghiêm túc thực hiện các quy định trên, nhằm ngăn chặn, phòng ngừa kịp thời các hành vi bạo lực học đường. Trong đó, nghiêm cấm phạt HS bằng bạo lực dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bạo lực học đường diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra nhiều vụ HS đánh nhau, GV đánh, mắng HS được đăng tải trên mạng xã hội, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Hành vi GV đánh, phạt HS trái quy định là không thể chấp nhận, để lại hậu quả nghiêm trọng cho trẻ và uy tín nghề giáo, dù đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Tại Quảng Ngãi dù chưa có vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng nào được phát hiện, tuy nhiên đâu đó vẫn còn những sai phạm cần được chấn chỉnh. Ngành giáo dục đã tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của GV, HS trong việc “nói không với hành vi bạo lực”. Sở cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các sai phạm nếu có.

 

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) Trần Quang Hiếu: "Ban giám hiệu phải sâu sát, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở"

Để giáo dục HS, trước hết mỗi GV phải biết tự kiềm chế, tìm tòi biện pháp giáo dục tối ưu nhất, nhẹ nhàng, khéo léo, tình cảm, tuyệt đối không sử dụng đòn roi đối với HS trong bất cứ hoàn cảnh nào.


Các em HS tiểu học rất hiếu động, nhiều trẻ bị tăng động, giảm chú ý, nhiều em chưa ý thức được việc chấp hành nội quy theo đúng quy định. Nếu GV không yêu thương, không hiểu tâm lý của HS và không làm chủ cảm xúc, thì rất dễ dẫn đến hành vi phạt HS trái quy định, để lại những hệ lụy đáng tiếc. Theo tôi, để phòng tránh bạo lực học đường, người quản lý phải sâu sát, thường xuyên kiểm tra, giám sát và tuyên truyền nhắc nhở liên tục để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm. Trường có công khai số điện thoại hiệu trưởng, hòm thư góp ý để phụ huynh phản ánh những vấn đề chưa được trong quá trình học tập của con em, để trường có cơ sở chấn chỉnh các sai phạm.

 

Tiến sĩ tâm lý Ngô Thị Kim Ngọc Trường Đại học Phạm Văn Đồng: "Trách, phạt không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ"

Có 4 nguyên tắc giao tiếp sư phạm cơ bản mà GV nào cũng phải tuân thủ là: Mẫu mực, tôn trọng, có thiện ý và đồng cảm. Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ việc trẻ bị bạo lực, trách phạt, xúc phạm. Điều này khiến trẻ bị tổn thương tâm lý và ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách. Bản chất trách phạt là phải làm cho HS  thấy được lỗi, giúp các em nhận ra sai ở chỗ nào và hướng cho HS biết sửa sai, không làm tổn thương trẻ.

Trách phạt không phải là làm trẻ đau, để trẻ xấu hổ, tự ti trước bạn bè, trẻ bị sỉ nhục. Điều này không những sai Luật Giáo dục và quyền trẻ em, mà giáo dục sai cách khiến trẻ không thể phát triển nhân cách một cách tốt nhất. Trình độ giáo dục hơn nhau ở phương pháp, trước hết GV phải quản lý cảm xúc trước khi giáo dục trẻ. Người lớn phải gương mẫu, từng hành vi, lời nói để các em tôn trọng, noi theo.

 

Bà Nguyễn Thị Phương, thôn Phước Lộc, xã Đức Phú (Mộ Đức): "Giáo viên và phụ huynh phải tương tác nhiều hơn để giáo dục học sinh"

Là phụ huynh, có con, cháu đã và đang đi học, tôi không đồng tình với hành vi GV đánh, mắng trẻ. Lứa tuổi học trò hay quậy phá, nên nhiều lúc cũng gây ức chế cho GV.

Tuy nhiên, không vì thế mà nhà giáo có những hành vi phạt vạ sai trái, khiến HS bị tổn thương. Giáo viên và phụ huynh nên thường xuyên liên lạc và kịp thời uốn nắn sai trái của con trẻ bằng tình thương, trách nhiệm để các cháu nên người và tiến bộ trong học tập.

 

Em Cao Lê Phương Trang, HS lớp 5A, Trường Tiểu học Nghĩa Chánh: "Thầy, cô giáo phải thấu hiểu HS"

Chúng con là HS thì cũng có lúc phạm nhiều lỗi để ba mẹ, thầy cô không hài lòng.
 
Con mong muốn cha mẹ, thầy cô giáo lắng nghe, yêu thương chúng con nhiều hơn.
 
Nếu HS sai phạm thì thầy cô nên động viên, giải thích lỗi lầm và khuyên bảo để chúng con biết sửa sai.
Mới đây, dư luận bức xúc khi xảy ra nhiều trường hợp GV có hành vi bạo lực đối với HS. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh phương pháp xử phạt HS. Như sự việc xảy ra tại một trường THCS ở Hà Nội, cô giáo chủ nhiệm lớp đã phạt hai HS lớp 9 quỳ trước bục giảng. Hay gần nhất là vụ việc trong quá trình giám sát kiểm tra học kỳ lớp 2, một GV ở Hải Phòng đã tát vào vùng thái dương và dùng thước đánh vào cẳng chân một HS do em này làm bài chậm. Rồi vụ việc GV phạt HS tự tát vào mặt hàng trăm cái ở Quảng Bình... Giáo viên có hành vi sai phạm đã bị xử lý kỷ luật. Thế nhưng nhiều người đặt câu hỏi: Có nên dùng đòn roi để xử phạt HS?

Luật Trẻ em năm 2016 nghiêm cấm hành vi bạo lực đối với trẻ em, vì vậy không chỉ là giáo viên mà cả phụ huynh nếu sử dụng bạo lực đối với HS là hành vi vi phạm pháp luật, nhẹ thì bị xử lý vi phạm hành chính.
Học sinh Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi).
Học sinh Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi).

KIM NGÂN
(thực hiện)
 

.