Quảng Ngãi: Đưa ra 4 tình huống xử lý dịch cúm A (H7N9) ở người

11:05, 05/05/2013
.

(QNĐT)- Trước tình hình bệnh cúm A(H7N9) trên người xảy ra ở Trung Quốc làm nhiều người tử vong trong thời gian gần đây và có nguy cơ lây lan sang Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo triển khai kế hoạch phòng, chống dịch cúm A(H7N9) ở người trên địa bàn tỉnh với 4 tình huống.

TIN LIÊN QUAN


Theo đó, tình huống 1 là tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh cúm A(H7N9) đầu tiên trên địa bàn tỉnh, tích cực xử lý triệt để, kịp thời để tránh lây lan ra cộng đồng khi chưa có trường hợp mắc bệnh trên người.

Tình huống 2- khi có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người nhưng chưa có biểu hiện lây từ người sang người các cơ quan chức năng tích cực khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch từ động vật sang người hoặc từ người sang người.

Tình huống 3- khi phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ: khẩn cấp thực hiện đáp ứng nhanh khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.

 

Giết mổ gia cầm sống có nguồn gốc
Cần chủ động phòng chống dịch dịch cúm gia cầm và cúm A(H7N9) ngay từ khâu giết mổ gia cầm sống.


Tình huống 4 là khi dịch bùng phát ra cộng đồng thì huy động các nguồn lực, tăng cường các hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu tác động của dịch đối với cuộc sống của người dân. Phấn đấu phát hiện và xử lý kịp thời 100% các ổ dịch cúm A(H7N9) ở người; 100% người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, nguồn lây nhiễm được theo dõi và quản lý sức khỏe; đồng thời khống chế đến mức thấp nhất số trường hợp mắc và hạn chế tối đa tử vong.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, đến thời điểm hiện tại nước ta vẫn chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H7N9 trên người và gia cầm, mặc dù vậy, nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Đáng lưu ý, một số nhà khoa học Nhật Bản và Trung Quốc đã phát hiện thấy sự biến đổi gen của vi rút làm tăng khả năng lây truyền sang người và tiềm ẩn nguy cơ đại dịch.

Hiện các nhà khoa học cũng chưa xác định rõ nguồn gốc, phương thức lây truyền của cúm A/H7N9 nên Bộ Y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan vì cộng đồng chưa có miễn dịch, chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Riêng đối với dịch cúm A/H1N1, báo cáo giám sát dịch trên toàn quốc từ đầu năm đến nay thấy, đã có trên 300.000 người nhiễm cúm, trong đó có 3 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 (2 người ở Yên Bái, một người ở Thanh Hóa). Trong tổng số 987 mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân cúm, có 123 mẫu dương tính với vi rút cúm (cúm A/H3N2 chiếm 20%, cúm A/H1N1 chiếm 46% và cúm B chiếm 31%). Trong tổng số 313 mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính, có 37 mẫu dương tính với vi rút cúm (cúm A/H3N2 chiếm 27%, cúm A/H1N1 chiếm 32% và cúm B chiếm 41%).


M.Toàn
 

 


.