Người nghèo vẫn khó tiếp cận các dịch vụ y tế

08:08, 09/08/2012
.

(QNg)- Mặc dù ngày càng được chăm lo nhiều hơn về mọi mặt, nhưng người nghèo trong tỉnh, nhất là người nghèo vùng sâu, vùng xa vẫn còn khó tiếp cận với các dịch vụ y tế.  

TIN LIÊN QUAN


Mỗi năm, ngân sách tỉnh chi tới hàng chục tỉ đồng phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, đó chỉ là "muối bỏ biển" vì thực tế "cầu" vượt xa "cung". Hàng ngàn người nghèo bệnh nặng đang vẫn phải nằm nhà mặc cho "ý trời" mà thôi…

Đã nghèo bệnh lại vây quanh

Ở đảo Bé - xã đảo An Bình (Lý Sơn), ai cũng biết bà Trần Thị Ngọt. Bà Ngọt được cả xã cưu mang, đùm bọc vì đã nghèo lại hay ốm đau. Bà Ngọt kể: "Tôi làm lụng tích cóp gần 5 năm trời được 3 triệu đồng. Khi bị bệnh, đến bệnh viện, bác sĩ khám, ra toa thuốc mua hết hơn 3 triệu tiền thuốc cho 5 ngày uống. Tôi tính rồi, một năm làm lụng vất vả khi đau xuống chỉ uống thuốc được 1 ngày thôi". Hết tiền điều trị, bà Ngọt ra về và hiện tại chưa hề có ý định trở lại bệnh viện để tiếp tục chữa bệnh vì không có tiền. Bà Ngọt cũng đã được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí dành cho hộ nghèo, nhưng đường sá cách trở, muốn đến bệnh viện phải tốn tiền triệu. Bà đành nằm nhà trông chờ vào hàng xóm và con cái, nhưng họ đều nghèo, giúp cũng chỉ là chén cơm, bát canh mà thôi.

Đoàn bác sĩ từ thiện, chữa bệnh cho người nghèo.
Đoàn bác sĩ từ thiện, chữa bệnh cho người nghèo.


Ở các huyện miền núi của tỉnh, người nghèo cũng gặp khó khăn không kém trong việc chữa trị khi đau ốm. Đến bệnh viện huyện, tỉnh thì xa; trạm y tế gần nhà thì không đảm bảo năng lực. Ông Hồ Văn Vũ - Chủ tịch UBND xã Trà Thọ (Tây Trà) cho biết: "Người Cor ở đây đau ốm thường ít có điều kiện đến bệnh viện. Cùng lắm là họ ra Trạm y tế xã để được cấp thuốc. Nhưng thuốc do trạm cấp chủ yếu là cảm cúm, đau bụng, còn bệnh khác cán bộ y tế bảo phải lên tuyến trên. Không có tiền, lại không có phương tiện đi lại, chẳng mấy ai vượt núi cao, suối sâu đến bệnh viện huyện hay tỉnh cả. Vì thế, bệnh cứ đeo bám người nghèo mãi".

"Cầu" vượt xa "cung"

Những năm qua, Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo được  duy trì mỗi năm ở con số: 130.000 lượt người/năm, trong đó bệnh nhân điều trị nội trú hơn 15.000 người, với tổng chi phí hơn 13 tỉ đồng. Hàng năm, tỉnh đều bổ sung kinh phí cho lĩnh vực y tế dự phòng, chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cho đối tượng cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ mong mỏi được chăm sóc sức khỏe của người nghèo trong tỉnh.

Toàn tỉnh có 67 trạm y tế xã, nhưng năng lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không đồng đều. Ở vùng cao, vùng sâu, hải đảo dù được quan tâm nhiều hơn trước nhưng thực tế vẫn là "vùng trũng" về y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân "vùng trũng" vẫn chủ yếu dựa vào các chương trình khám chữa bệnh miễn phí tận cơ sở của các tổ chức từ thiện hoặc các chiến dịch về cơ sở của ngành y tế tỉnh. Tuy nhiên, năng lực khám, phát hiện bệnh và cả điều trị của những chương trình như thế cũng nằm ở giới hạn "phong trào" là chính, thực chất chưa giúp người nghèo phát hiện, điều trị tận gốc những căn bệnh mà họ đang mang trong mình.

Cả xã hội cùng chung tay

Ngành y tế tỉnh cũng thừa nhận: Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người nghèo ngày càng nhiều, nhưng việc đáp ứng của ngành y tế còn quá ít, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cơ sở. Giáo dục sức khỏe còn bất cập, chưa đảm bảo thường xuyên cho vùng xa, vùng sâu, miền núi, hải đảo. Đội ngũ y tế đang thiếu nghiêm trọng, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu và cũ; kinh phí chưa đảm bảo. Theo bà Đinh Thị Loan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: "Việc đảm bảo cho người nghèo miền núi, vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ y tế ngày càng trở nên cấp bách. Ngoài thực hiện các giải pháp đầu tư theo ngành, tỉnh sẽ tập trung quan tâm đến bảo hiểm y tế dưới nhiều hình thức cho người nghèo; vận động toàn xã hội chăm sóc sức khỏe thông qua khám chữa bệnh từ thiện, nhân đạo… thiết thực giúp người nghèo có điều kiện khám, chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống".

Về phía UBMTTQVN tỉnh, ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch kiêm Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" khẳng định: Năm 2012, Mặt trận các cấp trong tỉnh sẽ tập trung chăm lo cho người nghèo, trong đó có hoạt động chăm sóc y tế, giúp người nghèo khám, điều trị bệnh. Để làm tốt công tác này, UBMTTQVN tỉnh mong muốn các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm hướng sự quan tâm đến người nghèo hơn nữa, nhất là người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đau ốm. Tình thương, trách nhiệm, sự chia sẻ của cả cộng đồng sẽ giúp người nghèo có điểm tựa vững chắc để vươn lên thoát nghèo, từng bước cải thiện đời sống.


    Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.